08/09/2019 - 08:00

Thiếu tướng Tô Ký - Một tính cách đặc trưng Nam bộ 

Ngày 5-9-2019 là kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Tô Ký (1919-2019), một trong những nhân vật tiêu biểu của Nam bộ đương đại.

Thiếu tướng Tô Ký (1919-1999).

Ông là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa, bị địch bắt giam, vượt ngục Tà Lài, trở về Gia Định tham gia lãnh đạo nhân dân đứng lên cướp chính quyền trong Cách Mạng Tháng Tám năm 1945. Ông cùng ông Trần Văn Trà thành lập Giải phóng quân Liên quận Hóc Môn - Bà Điểm - Đức Hòa, trở thành một trong những chỉ huy quân đội quan trọng của Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp, được cử làm Khu bộ phó Khu 7. Tập kết ra Bắc, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng năm 1961, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Sư đoàn 338, Phó Chánh án Tòa án tối cao kiêm Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy Quân khu ủy Quân khu Hữu Ngạn, Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 3... Đất nước thống nhất, ông đóng góp nhiều công lao xây dựng ngành giao thông vận tải và dầu khí phía Nam.

Danh tướng Tô Ký là một tính cách tiêu biểu của người Sài Gòn và Nam bộ: trượng nghĩa và hào hiệp, dũng cảm và quyết đoán, đa năng và khiêm nhường, nhiệt thành và bộc trực, vô tư và gần gũi, thủy chung và linh hoạt. Ông là nhân vật giàu lý tưởng, nhiệt huyết, sống động để lại trong tôi nhiều ấn tượng khi được tiếp xúc.

Là con thứ ba trong gia đình, nên mọi người hay gọi thân mật ông là anh Ba, bác Ba, ông Ba hoặc “Ba Tô Ký”. Sinh thời, hễ rảnh rỗi là ông lên xe đi thăm người xưa cảnh cũ, các tướng lĩnh, người lính từng chiến đấu và cả những con người, vùng đất mà ông từng gắn bó khắp Nam bộ. Ông mang đến nụ cười hào sảng, ánh mắt cảm thông và cả vật chất hỗ trợ nếu có ai hoặc đơn vị nào đang gặp khó. Ông cũng thường xuyên về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở Hóc Môn - Bà Điểm, nơi có khu vườn yên tĩnh nhìn ra cánh đồng rộng lớn. Tôi may mắn từng được tháp tùng ông trong nhiều chuyến đi.

***

Thiếu tướng Tô Ký cho biết, 14 tuổi ông được cha cho theo học chữ Hán với thầy Mười Lời (Phạm Văn Lời) với mong ước làm nghề thầy thuốc. Khi phong trào cách mạng bùng lên ở quê hương 18 Thôn Vườn Trầu, chàng thanh niên Tô Ký khi ấy tham gia tổ chức Thanh niên Dân chủ, rồi được kết nạp Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong một lần đi phát truyền đơn cổ động đấu tranh, Tô Ký bị mật thám Pháp bắt giam tại Khám lớn Sài Gòn. Bị địch khảo tra đau đớn đến mấy ông cũng nhất quyết không khai báo điều gì. Tòa tiểu hình kết án ông một năm tù ở và ba năm đày biệt xứ.

Tháng 11-1940, Khởi nghĩa Nam kỳ bùng nổ, bị thực dân Pháp đàn áp dã man. Thân sinh của ông Tô Ký là cụ Tô Nếp cùng gần 800 đồng chí cách mạng bị kẻ thù bắt xỏ dây kẽm vào lòng bàn tay, đẩy xuống bốn chiếc xà lan, bí mật nhấn chìm lúc nửa đêm trên sông Sài Gòn khúc Xóm Chiếu. Thời khắc tang thương ấy xảy ra vào tháng 5-1941, gây bàng hoàng trong nhân dân.

Đó cũng là lúc chàng trai trẻ Tô Ký đang bị giam cầm trong nhà tù, sau một cuộc vượt ngục không thành. Điều làm ông hết sức đau lòng là trước khi thân phụ bị thủ tiêu, chính ông đã tận mắt chứng kiến cảnh cha mình bị mật thám Pháp tra tấn dã man ở Poste Catinat. Dù bị kẻ thù hành hạ bao nhiêu ông cũng không sờn chí, nhưng khi nhìn thấy cha bị nhục hình, lòng ông đau đớn khôn cùng. Ông đã cố nén những giọt nước mắt và thề sẽ tiếp bước kiên trung của thân phụ.

Gia đình Thiếu tướng Tô Ký đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm năm 1970 ở Hà Nội.

Gia đình Thiếu tướng Tô Ký đón Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng đến thăm năm 1970 ở Hà Nội.

Những năm tháng trong tù ngục, Tô Ký để lại dấu ấn qua nhiều huyền thoại. Gan lì và dũng cảm, ông không những khuất phục được các tay anh chị giang hồ trong tù, mà còn luôn đứng ra hứng chịu đòn khảo tra thay cho đồng chí của mình trong các cuộc đấu tranh trực diện kẻ thù. Những hành động nghĩa khí ấy mãi được truyền tụng. Tinh thần cách mạng của ông dần lan tỏa trong tâm khảm người dân 18 Thôn Vườn Trầu và cả Nam bộ với niềm mến phục, tự hào. Biệt danh “Hùm xám” của ông xuất hiện từ đó.

Miền Bắc sau năm 1954, trước việc bộ đội tập kết từ miền Nam muốn sớm trở về giải phóng quê hương, ông Tô Ký đã gặp gỡ thuyết phục ổn thỏa từng đơn vị, cá nhân chờ chỉ thị của Trung ương. Tiếp đó ông điều động 4.000 quân dự bị về miền Nam chiến đấu, tiếp nhận và điều trị hàng vạn thương binh từ chiến trường…

Thiếu tướng Tô Ký cũng chỉ huy bộ đội xây dựng 7 nông trường kinh tế, tích cực tham gia công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, đắp đê Chương Mỹ, Mai Lâm… Đặc biệt, khi nước nhà thống nhất, sắp nghỉ hưu, ông được biệt phái sang đặc trách công tác dầu khí ở phía Nam, sát cánh cùng tướng Đinh Đức Thiện xây dựng ngành kinh tế mũi nhọn còn non trẻ này. Ông Tô Ký để lại nhiều giai thoại xúc động khi lo chạy tiền, lương thực, thực phẩm, vải vóc… giữa hoàn cảnh đầy khó khăn thiếu thốn để nuôi người lao động.

Sau một thời gian giam Tô Ký ở Poste Catinat tại trung tâm Sài Gòn, chính quyền thực dân Pháp lại đày ông lên tận căng Tà Lài. Đây là một trại giam mấy trăm tù nhân nằm sâu trong rừng Cát Tiên, bên bờ sông Đồng Nai. Đến sau Tết Tân Tỵ - 1941, ông cùng 7 đồng chí của mình đã vượt ngục thành công. Một nhóm 5 người cải trang chạy về hướng Sài Gòn. Còn nhóm 3 người là các ông Trần Văn Giàu, Châu Văn Giác và Tô Ký đã băng rừng trốn lên Đà Lạt, rồi tìm cách về Nam kỳ để gầy dựng lại cơ sở cách mạng.

Thực dân Pháp ra lệnh truy nã gắt gao những người vượt ngục Tà Lài. Hình ảnh 8 người tù Cộng sản bị dán khắp nơi. Vì vậy, chẳng bao lâu sau ông Tô Ký đã bị địch bắt lại và đưa về Sài Gòn giam giữ. Bọn mật thám dùng cực hình khảo tra để truy những bạn tù vượt ngục, ông bảo mỗi người trốn một nơi nên không thể biết. Ở trong tù, ông còn lấy thân mình che chở, đỡ đòn cho những bạn tù chính trị sức khỏe yếu bị địch tra tấn. Vì còn trẻ và chưa giữ vị trí quan trọng trong tổ chức nên ông chỉ bị tòa kêu án sáu tháng tù, đưa lên giam ở căng Bà Rá, một nơi rừng thiêng nước độc chẳng kém Tà Lài, cách Sài Gòn 160 cây số.

Tiếp đó Tô Ký bị chuyển từ Bà Rá về giam ở khám Tây Ninh. Thời gian này ông chủ yếu làm tạp dịch, lo chuyện bếp núc nấu ăn cho cai ngục và tù nhân. Mỗi ngày ông và bạn tù nấu tới mười tám chảo cơm, sáng mười - chiều tám chảo. Công việc cực nhọc nhưng giúp ông học thêm một nghề mới và từ đó ông khá sành chuyện nấu nướng, ẩm thực. Đồng thời, nhờ tài ăn nói khéo léo, biết sử dụng thành ngữ Hán học dịch ra quốc ngữ, nên ở đâu ông Tô Ký cũng làm quen thân dễ dàng các viên cai ngục và lính canh. Đêm đêm, bên chén nước trà, lính canh ngồi mê mẩn nhìn Tô Ký múa võ và kể chuyện xưa… Họ dần “ghiền” truyện tích, võ nghệ và nể phục ông. Vì lẽ đó, ngày 9-3-1945, khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương, Tô Ký đã dễ dàng vận động thuyết phục lính mã tà giao súng cho tù chính trị để cùng bỏ trốn khỏi nhà tù Tây Ninh trở về tiếp tục hoạt động và tham gia lãnh đạo Tổng Khởi nghĩa Cách Mạng Tháng Tám ở Sài Gòn - Gia Định…

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng nói với tôi rằng: Thiếu tướng Tô Ký là một con người độc đáo, từ sự nghiệp tới tính cách. Một tính cách đặc trưng của Nam bộ. Nhận xét tinh tường ấy thật đúng với vị tướng từ thuở sinh thời cho tới khi đột ngột ra đi cách đây 20 năm vào mùng 2 Tết Kỷ Mão - 1999. Ông mãi mãi trở về nằm thanh thản giữa hương đồng gió nội của 18 Thôn Vườn Trầu vẫn lưu truyền những câu chuyện về một danh tướng nghĩa khí và anh hùng.

Ghi chép: PHAN HOÀNG

Chia sẻ bài viết