03/07/2010 - 14:33

Thiếu hụt nguồn nhân lực - Cái khó nhất trong hoạt động văn hóa của TP Cần Thơ

Nhà hát Tây Đô hiện nay đang cho Công ty cổ phần Điện ảnh thuê làm rạp chiếu phim.  

Theo nhận xét của nhiều người, Cần Thơ đang tiếp tục thể hiện sự nghèo nàn trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm ĐBSCL. Trong rất nhiều nguyên nhân, sự khủng hoảng nhân lực là một trong những lý do cơ bản cản trở sự phát triển của toàn ngành. Đó là chuyện đã được nói từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì ngoài kế hoạch “Chương trình phát triển văn hóa TP Cần Thơ đến 2010, tầm nhìn 2020”.

Hoạt động văn hóa nghèo nàn...

Thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cách đây 5 năm và cuối năm 2009 được công nhận là đô thị loại I, tuy nhiên mãi đến nay cả thành phố không hề có sân khấu, nhà hát hay tụ điểm biểu diễn sáng đèn thường xuyên, thiếu vắng các loại hình nghệ thuật như cải lương, kịch, ca nhạc. Nhà hát Tây Đô thành lập cách đây 2 năm với hướng trở thành tụ điểm biểu diễn thường xuyên của các đoàn nghệ thuật trên toàn quốc, trở thành Nhà hát nghệ thuật các dân tộc ĐBSCL. Thời gian đầu, Nhà hát Tây Đô tổ chức được nhiều chương trình hay như vở cải lương “Lan và Điệp”, “Người nhà quê”, “Bông hồng tặng mẹ”... Thế nhưng từ 6 tháng qua, nhà hát không có hoạt động nào đáng kể. Hoạt động chính, được xem như để “cầm cự” là cho Công ty cổ phần Điện ảnh thuê Nhà hát chiếu phim.

Hoạt động văn hóa thường xuyên của thành phố được ghi nhận là chiếu phim. Nhưng điểm chiếu thường xuyên thay đổi vì phải thuê địa điểm, khi thì Nhà biểu diễn Trung tâm Văn hóa thành phố, khi thì Nhà hát Tây Đô, khiến khán giả dù yêu phim đến thế nào cũng “tẩy chay”, nên đa số suất chiếu vắng khách, thường xuyên chỉ có trên dưới 10 người xem mỗi suất. Rất nhiều tụ điểm văn hóa một thời hoạt động sôi nổi của thành phố, như rạp Thống Nhất, rạp Tây Đô, rạp Thanh Bình... hiện nay là những bãi đất trống hoặc trở thành quán karaoke hay tư nhân hợp đồng làm quán... nhậu. Ở trung tâm đã vậy, các quận huyện còn “thê thảm” hơn vì hệ thống rạp hát và nhà văn hóa đã cơ bản bị “xóa trắng”. Chỉ quận Ô Môn là có Trung tâm Văn hóa mới xây dựng được vài năm nhưng cũng không thể hoạt động thường xuyên vì nằm cách xa trung tâm quận và cạnh bên nghĩa trang. Sinh hoạt văn hóa văn nghệ tại TP Cần Thơ và một số quận huyện chỉ có vài quán cà phê hát với nhau hoạt động tùy theo tình hình tài chính của chủ quán, thỉnh thoảng mới có những chương trình ca nhạc do các doanh nghiệp thực hiện với mục đích quảng cáo hay tự giới thiệu.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở là một chủ trương lớn nhưng nhiều năm qua chỉ lặp đi lặp lại những mô hình được khai sinh từ những năm 1980. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có gia đình, ấp - khu vực, xã - phường văn hóa. Điều đáng nói là nhiều cán bộ và nhân dân cảm thấy không còn “hứng thú” với mô hình này vì phải chạy theo thành tích, số liệu thống kê. Đáng nói là những mô hình văn hóa đột phá một thời giúp Cần Thơ vang danh cả nước như Thuyền Văn hóa, Khu Văn hóa gia đình... giờ cũng lần lượt biến mất.

Rạp chiếu phim Ninh Kiều thành điểm karaoke, trong khi chiếu phim thì thuê mướn Nhà hát Tây Đô (!).

Nhân lực: thiếu và thừa

Nhìn chung, khó mà nói ngành văn hóa đang khủng hoảng nhân sự. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, toàn ngành có đến 17 thạc sĩ, 293 người có trình độ đại học, cao đẳng là 33 người, trung cấp là 349... Về cơ sở vật chất, vẫn thấy Cần Thơ khá hơn nhiều tỉnh thành khác với Trung tâm Văn hóa Thông tin đảm đương được việc tổ chức các lễ hội, sự kiện của thành phố; hoặc hoạt động của Bảo tàng và Thư viện được đánh giá cao trong nội bộ ngành và trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, tất cả những gì hiện có chưa đủ với yêu cầu đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân và hoạt động của một đô thị loại I. Có thể thấy rõ một bất cập tồn tại và đang diễn ra là hàng loạt chuyên viên lâu năm của ngành tuần tự về hưu, đội ngũ những người giỏi chuyên môn trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật ngày càng ít đi nhưng chưa thấy nổi lên lực lượng kế thừa chứ chưa nói đến phát triển.

Công bằng mà nói tỷ lệ cán bộ về hưu và nguồn nhân lực vào ngành văn hóa khá cân bằng. Tuy nhiên tìm hiểu sâu mới thấy sự mất cân đối về chuyên môn. Đang ngày càng có nhiều công chức trẻ làm các công việc văn phòng, liên quan đến văn bản, báo cáo, thống kê, số liệu, kế toán... trong khi lực lượng rời vị trí là những người trực tiếp làm nghề và là những chuyên gia trong các lĩnh vực sân khấu, múa, âm nhạc, văn học, mỹ thuật, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ngành đã tích cực bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, trình độ lý luận và thực tiễn hoạt động cho lực lượng mới, nhưng chưa thể thay thế các cán bộ có chuyên môn sâu và dày dạn kinh nghiệm. Một điểm trớ trêu là Cần Thơ cũng không thiếu những tài năng trẻ, nhưng hầu hết đều chọn TP Hồ Chí Minh làm bến đỗ vì nơi đó có môi trường hoạt động tốt, cho họ điều kiện học nâng cao và không gian làm nghề chuyên nghiệp, năng động.

Tình trạng “đìu hiu” của Nhà hát Tây Đô là một ví dụ gần đây nhất: hai lãnh đạo Nhà hát, ông Lê Văn Chải và ông Nhâm Hùng về hưu trong khi Nhà hát vẫn chưa ổn định bộ máy với các phòng ban chuyên môn và nhân lực. Sự ra đi của hai cán bộ đứng đầu đơn vị, cũng là những người khai sinh ra Nhà hát Tây Đô - đã để lại những lỗ hổng chưa bù đắp được. Mấy tháng qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ chưa tìm được người có chuyên môn và năng lực phù hợp, nên Nhà hát Tây Đô hoạt động cầm chừng, “chờ thời” theo kiểu cho thuê “được chăng hay chớ”.

Có thể khẳng định thành phố Cần Thơ đang thiếu đội ngũ chuyên viên làm công tác tham mưu, quản lý phát triển ngành văn hóa. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Sở có ý định thành lập Phòng Nghệ thuật - nhằm tách bạch công tác thẩm định và cấp phép cho các hoạt động nghệ thuật với việc thẩm định cấp phép quảng cáo hoặc các lĩnh vực quản lý nhà nước khác; đồng thời làm tham mưu cho Sở trong việc phát triển, khuyến khích các loại hình sinh hoạt và dịch vụ văn hóa. Thế nhưng, cũng khá lâu rồi tìm mãi cũng không có người hội đủ điều kiện trình độ chuyên môn và uy tín đảm nhận.

Thành phố đã vậy, các quận huyện càng khó hơn. Hơn 20 năm qua, việc duy trì và phát triển phong trào văn hóa ở địa phương dựa vào đội ngũ cán bộ chuyên môn khá ít ỏi được đào tạo từ những năm vừa đổi mới như Minh Cưng (Cái Răng), Bích Phượng (Thốt Nốt), Kim Chi (Ninh Kiều), Việt Ấn (Ô Môn)... Hầu hết những người này đều đang nắm giữ các vị trí chủ chốt ở các Trung tâm Văn hóa và là chỗ dựa cho phong trào văn hóa văn nghệ tại địa phương. Nhưng các anh chị rồi cũng sẽ đến tuổi về hưu. Khi đó, chắc chắn tình trạng tương tự như Nhà hát Tây Đô hiện nay sẽ diễn ra. Viễn cảnh dễ hình dung được là hoạt động văn hóa cơ sở vốn đã nghèo nàn ít ỏi càng thêm khó.

Loay hoay mãi cho một bài toán

Nhiều nhân tài của ngành ra đi. Chị N.A.T, một cán bộ vừa nộp đơn xin nghỉ việc, tâm sự: “Tôi xin nghỉ không phải vì công việc quá nhiều. Vấn đề là tôi cảm thấy mình không có sáng tạo mới để đẩy phong trào đi lên dù bản thân tôi và các đồng nghiệp có nhiều ý tưởng, nhưng “không dám” đề xuất vì không có đội ngũ chuyên môn hỗ trợ. Năm năm trôi qua từ khi thành lập thành phố Cần Thơ, nhìn lại tôi thấy mình quanh quẩn cắm cúi với văn bản, số liệu, báo cáo; mà không làm được chuyện gì tương xứng với nhiệm vụ được giao”. Và những cuộc ra đi như thế được dự đoán sẽ còn tiếp diễn.

Trước hết, có thể thấy tình trạng này xuất phát từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất là những bất cập trong chính sách dùng người từ cấp thành phố đến cơ sở. Trong những năm 1990, nhằm tiết kiệm chi phí, các Trung tâm Văn hóa cấp quận huyện chỉ được giữ những cán bộ khung với biên chế ổn định, còn lại tăng cường sử dụng cộng tác viên và lực lượng văn nghệ quần chúng. Chính sách này có tác dụng trước mắt, nhưng thực tế đã chứng minh về lâu dài là không có tài năng trẻ gắn bó với công tác văn hóa. Trong lĩnh vực này, việc đào tạo nhân sự không chỉ thể hiện qua bằng cấp, mà trước hết người được đào tạo phải có năng khiếu đặc biệt, có cơ hội va chạm với công tác chuyên môn và được sử chỉ dẫn tích cực của những người đi trước. Dù muốn dù không, kiểu công tác “ăn xổi ở thì” đó khiến hoạt động văn hóa của TP Cần Thơ bị “nghiệp dư hóa”, “thời vụ hóa” và tất nhiên đến nay ngành văn hóa không có lực lượng kế thừa. Ông Nguyễn Hoài Vân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin thành phố cho biết: “Hầu hết các trung tâm đều “bươn chải” để có đủ bộ khung Ban giám đốc. Còn chuyện thành lập các tổ, bộ phận chuyên môn nghiệp vụ thì “tùy duyên”: có người cho bộ phận nào thì lập phòng nấy. Vì vậy hoạt động của các trung tâm khó mà chuyên nghiệp, chưa thể bàn đến sáng tạo hay hấp dẫn”.

Nguyên nhân thứ hai là nhiều năm qua công tác phát triển nguồn nhân lực chỉ mới được bàn, mà chưa được thực thi. Tiêu biểu như trong “Chương trình phát triển văn hóa đến năm 2010, tầm nhìn 2020”, có những mục tiêu rất rõ ràng về phát triển nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh đến đào tạo đội ngũ chuyên môn ngành văn hóa trên cơ sở chọn lựa các cá nhân có năng khiếu, đam mê và kinh nghiệm thực tế. Sau mấy năm bàn bạc, chương trình này mới vừa được UBND phê duyệt cuối năm 2009, thì lấy đâu ra nhân lực cho năm 2010? Bởi chuyện đào tạo con người không thể diễn ra trong thời gian ngắn.

***

Giữa tháng 6-2010, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch mới tổ chức những đợt khảo sát trong toàn ngành, đánh giá sâu và trực diện những yếu kém của nguồn nhân lực và có kế hoạch đào tạo đội ngũ chuyên môn. Nhiều người tâm huyết cho rằng hiện nay ngành văn hóa không chỉ cần những chương trình đào tạo hay đầu tư tiền bạc, mà còn cần những chính sách hữu hiệu để giữ chân người tài, đãi ngộ xứng đáng cho những tài năng văn hóa nghệ thuật, tạo không gian làm việc kích thích sức sáng tạo của đội ngũ chuyên viên và những nhà quản lý đủ tài lẫn tầm để sử dụng hết nguồn lực con người hiện có. Dù muộn nhưng còn hơn không, những yếu tố trên cần được triển khai ngay từ bây giờ. Tương lai không xa, Cần Thơ sẽ có Trung tâm Văn hóa Tây Đô rộng hàng trăm hecta với những công trình văn hóa đồ sộ đòi hỏi rất nhiều nhân lực quản lý và khai thác.

Bài, ảnh: XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết