THU SƯƠNG
Những ngày đầu tháng 1-2024, Lữ đoàn 146 thuộc Vùng 4 Hải quân tổ chức đoàn cho gần 100 nhà báo trên cả nước đến thăm, chúc Tết quân và dân ở quần đảo Trường Sa. Tàu rời cảng Cam Ranh, trải qua hơn 36 giờ giữa trùng khơi, vượt hơn 310 hải lý, đoàn đã đặt chân đến đảo. Giữa biển Đông, các đảo tiền tiêu của Tổ quốc không chỉ là điểm đóng quân mà còn là gia đình lớn của quân và dân, vừa thực hiện sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, vừa an cư, xây dựng cộng đồng văn hóa. Có dịp được đến với Trường Sa hôm nay để cảm nhận được sức sống Trường Sa - một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.
***
Bài 1: Sức sống nơi Trường Sa
Với tinh thần đoàn kết, đồng lòng vượt qua gian khó, lực lượng hải quân đã làm nên kỳ tích, từng ngày thay đổi vị thế và diện mạo của Trường Sa. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nỗ lực của quân và dân, huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) từng ngày đổi thay. Các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn Đông, Sinh Tồn,... có thể ví như những công viên xanh mát giữa đại dương bao la. Ngạc nhiên hơn là giữa biển cả bao la, từng cơn gió đậm vị muối, mỗi năm nhiều trận mưa giông, bão táp, những hòn đảo này lại có cây xanh phủ bóng mát, nhiều loài hoa khoe sắc thắm.
Gieo yêu thương
Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy Trưởng kiêm Chủ tịch xã quân quản Song Tử Tây kể, trước đây, buổi trưa đi trên những con đường quanh đảo nắng không rọi tới đầu. Nhưng cuối năm 2021, một cơn bão lốc qua tốc hết các mái nhà, đánh đổ gần như toàn bộ cây xanh của đảo. Sau bão, cán bộ, chiến sĩ đối mặt với muôn vàn khó khăn để vun trồng lại từng chồi non. Nhờ quyết tâm của những người lính mong muốn hồi sinh lại lá phổi xanh của đảo, nay Song Tử Tây đã được phủ kín hơn 90% cây xanh.
Đảo Sinh Tồn Đông như một công viên rợp cây xanh giữa biển khơi
Chương trình xanh hóa Trường Sa được nhân rộng ở nhiều điểm đảo. Trung tá Đỗ Văn Dũng, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn Đông khoe, những cây dừa của đảo đã ra trái, nước ngọt lịm như dừa Bến Tre. Việc trồng cây và rau xanh của đảo phụ thuộc vào lượng nước mưa nên cán bộ, chiến sĩ luôn tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm. Trung tá Nguyễn Văn Phòng, Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết, hệ thống cây xanh là thành quả của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã công tác, phục vụ tại đảo. Cây xanh rợp bóng giúp đảo có khí hậu trong lành.
Trung tá Bùi Văn Quê, Phó Chủ nhiệm chính trị Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cũng cho biết, chương trình xanh hóa Trường Sa từng ngày, từng giờ đang làm thay đổi diện mạo của quần đảo. Để đạt kết quả đó, ngoài nỗ lực của Quân chủng Hải quân còn có sự hỗ trợ của rất nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp chung tay xây dựng Trường Sa thân yêu, thông qua hoạt động tặng cây giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cây trồng.
Nhiều đảo của quần đảo Trường Sa có thiết chế chính trị, văn hóa, xã hội ổn định. Các đảo có nhà văn hóa, bệnh xá, trường học, chùa chiền,... Với phương châm "Đảo là nhà, biển là quê hương", quân và dân công tác, sinh sống ở các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đều ra sức xây dựng và vun vén đảo với trách nhiệm dành cho gia đình lớn. Chị Trần Thị Châu Úc (34 tuổi), trước khi ra đảo Song Tử Tây sinh sống, chị vốn là kỹ thuật viên xét nghiệm của một bệnh viện huyện ở tỉnh Khánh Hòa. Chị Úc tâm sự: "Cuộc sống và công việc ở đất liền ổn định, nhưng từ lâu tôi luôn ấp ủ ý muốn đến với vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc".
Với mong muốn một lần đến với Trường Sa, thầy Bùi Tiến Anh (26 tuổi) đang là giảng viên của một trường đại học ở Nha Trang đã tình nguyện ra đảo gieo con chữ. Thầy Anh tâm sự: "Thế hệ trước không tiếc thanh xuân cho đất nước thì tôi cũng muốn đóng góp một phần sức trẻ cho quê hương. Ở đất liền, tình yêu đất nước chỉ trong ý thức và lời nói, còn khi ra đảo đã trở thành hành động".
Nhiều cặp vợ chồng trẻ tình nguyện ra Trường Sa sinh sống.
Thầy Tiến Anh bắt đầu công việc ở môi trường mới, mặc dù cũng là bảng đen, phấn trắng nhưng đối tượng học sinh và điều kiện giảng dạy rất khác biệt so với đất liền. Tuy nhiên, với lòng yêu thương học trò và lý do vượt trùng khơi đã dẫn lối thầy giáo trẻ dần thích nghi, tìm tòi, sáng tạo để đạt hiệu quả giảng dạy tốt nhất ở Trường Sa.
* Giữ thành trì vững chãi của Tổ quốc ở biển Đông
Quần đảo Trường Sa gồm một dãy hơn 100 đảo, bãi ngầm, cồn cát, bãi đá san hô,… bao bọc vùng biển rộng hàng trăm ngàn km2. Vùng biển đảo và quần đảo Trường Sa có vị thế chiến lược quan trọng, là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời của Việt Nam. Từ nhiều thế kỷ nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên phát hiện, quản lý và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Trường Sa.
Tình hình biển Đông luôn có nhiều diễn biến phức tạp. Lực lượng hải quân Việt Nam luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy Trưởng xã đảo Song Tử Tây cho biết, Song Tử Tây là một đảo lớn, án ngữ cửa ngõ phía Bắc của quần đảo Trường Sa. Tất cả hoạt động của tàu bè, tàu thuyền từ phía Bắc và Đông Bắc đi xuống đều phải qua khu vực Song Tử Tây. Ở khoảng cách gần, là các đảo, bãi cạn do nước ngoài chiếm đóng. Theo đó, đảo tiền tiêu này có nhiệm vụ quan sát, phát hiện và kịp thời thông báo cho các lực lượng đóng quân trên toàn quần đảo.
Xuất phát từ vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, nhiều năm qua, công tác sẵn sàng chiến đấu ở Song Tử Tây được ưu tiên số một, đặt lên hàng đầu tất cả các nội dung từ huấn luyện, luyện tập, bồi dưỡng, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ.
Những người lính hải quân ngày đêm canh vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Thiếu tá Nguyễn Trung Hiếu, Chính trị viên đảo Cô Lin cho biết, “Đáp lại sự hy sinh của cha anh đã ngã xuống để bảo vệ, giữ gìn hòn đảo này, chúng tôi luôn tâm niệm cùng nhau huấn luyện, chiến đấu, tiếp nối truyền thống, bảo vệ vững chắc chủ quyền của đất nước. Đơn vị đảo Cô Lin luôn xác định giữ nguyên đối sách là bình tĩnh, tự tin và khôn khéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, không để mất quan hệ đối tác giữa Việt Nam và các nước láng giềng”.
Theo Trung tá Bùi Văn Quê, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Trường Sa được sự quan tâm, động viên của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, sự hỗ trợ từ Nhân dân cả nước, kể cả kiều bào nước ngoài. Vì thế, cán bộ, chiến sĩ, người dân đang công tác, sinh sống ở quần đảo Trường Sa luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân.
Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân cho biết, ngoài nhiệm vụ là chốt tiền tiêu bảo vệ Tổ quốc, mỗi đảo còn là một điểm tựa vững chắc, tạo niềm tin cho ngư dân vươn khơi bám biển. Khi ngư dân đánh bắt tại ngư trường của quần đảo Trường Sa gặp khó khăn hay bệnh tật, vào đảo đều được giúp đỡ, hỗ trợ tận tình.
Một số đảo còn có âu tàu là nơi tránh trú an toàn cho ngư dân đi biển dài ngày trong điều kiện thời tiết xấu. Trong công tác cứu hộ, cứu nạn, các ê-kíp thầy thuốc có trình độ cao, giàu kinh nghiệm đến từ các bệnh viện quân y tuyến Trung ương đã cấp cứu thành công cho nhiều ngư dân.... Tất cả tạo thành điểm tựa vững chắc giữa biển khơi cho công cuộc bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên vùng biển Đông và khu vực quần đảo Trường Sa.
(Còn tiếp)
Bài 2: Tình yêu và lòng quả cảm