05/06/2019 - 22:53

Thích ứng, bám sát thị trường để phát triển bền vững 

Những năm gần đây, việc đầu tư trồng cây ăn trái ở cả nước nói chung và các tỉnh thành phía Nam nói riêng được quan tâm đầu tư và phát triển khá toàn diện. Ngành hàng trái cây liên tục tăng trưởng cả về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, để ngành hàng này mang lại lợi nhuận tương xứng đòi hỏi phải cải thiện tất cả các khâu từ sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ.

Nhà vườn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thu hoạch xoài. Ảnh: MỸ THANH

Nhà vườn huyện Phong Điền, TP Cần Thơ thu hoạch xoài. Ảnh: MỸ THANH

Tăng trưởng nhanh

Theo Cục Trồng trọt, từ 2014 đến nay, diện tích cây ăn trái toàn miền Nam tăng bình quân 4,4%/năm. Năm 2018 diện tích cây ăn trái phía Nam là 596.000ha, chiếm 60% diện tích cây ăn trái cả nước. Miền Nam có 14 loại cây ăn trái có diện tích lớn (trên 10.000 ha/loại) như: xoài (80.000ha), chuối (78.000ha), thanh long (53.000ha), cam (44.000ha), bưởi (44.000ha), nhãn (35.000ha), sầu riêng (47.000ha)… Sản lượng thu hoạch trong năm 2018 đạt hơn 6,6 triệu tấn, chiếm 67% sản lượng cả nước. Từ năm 2013, giá trị xuất khẩu rau quả nước ta tăng mạnh, với tốc độ tăng trưởng bình quân 29,4%/năm (hơn 0,5 tỉ USD/năm). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 3,8 tỉ USD, tăng hơn 3,5 lần so năm 2013.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, có được những kết quả ấn tượng nói trên là nhờ ngành nông nghiệp áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ khâu giống đến sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái. “Hàng ngàn giống cây ăn trái đầu dòng đã được bình tuyển, công nhận, chuyển giao cho nhiều địa phương. Trong đó, có các giống mới như: thanh long ruột đỏ, tím hồng, sầu riêng Dona, chôm chôm Dona, nhãn Ido, nhãn lai, nhãn Bảy Tô, chanh leo Đài Nông 1... Quá trình sản xuất, nhà vườn mạnh dạn áp dụng các kỹ thuật như: rải vụ, ghép cải tạo, tỉa cành tạo tán, thụ phấn bổ sung, nuôi cấy mô, sử dụng đèn để xử lý ra hoa… Khâu bảo quản ứng dụng chế phẩm sinh học Retain cho một số loại cây ăn quả (cam, quýt) để làm chậm quá trình chín, kéo dài thời gian thu hoạch, giảm tỷ lệ quả rụng; quy trình công nghệ sơ chế, bao gói MAP” - ông Lê Thanh Tùng cho biết.

Trong khâu tiêu thụ, mối liên kết giữa nhà vườn, Tổ hợp tác (THT), Hợp tác xã (HTX) với các doanh nghiệp, siêu thị ngày càng được thắt chặt thông qua hợp đồng tiêu thụ trái cây. Hiện nay sản phẩm của HTX Hòa Lộc (Tiền Giang), HTX xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp), HTX chôm chôm Tiên Phú (Bến Tre), Câu lạc bộ Bưởi Năm Roi GlobalGAP (Hậu Giang), HTX bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (Bến Tre), HTX Thanh long Tầm Vu (Long An),... phần lớn đều được đảm bảo đầu ra nhờ việc liên kết, ký kết hợp đồng tiêu thụ.

Ông Tống Văn Phong, Giám đốc HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Tất cả diện tích trồng cam, quýt của HTX (50ha) đều trồng theo theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Nhờ đó, sản phẩm của HTX luôn được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ. Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp từ 60-70 tấn trái, sau khi thu mua, phía doanh nghiệp sẽ đưa đi tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu sang nước ngoài. Để có số lượng sản phẩm lớn cung cấp cho doanh nghiệp, HTX còn liên kết sản xuất với thêm với 100 hộ dân trên địa bàn xã”.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Nước ta đặt mục tiêu đến năm 2020, tổng diện tích cây ăn trái đạt 1 triệu héc-ta; sản lượng 9,5 triệu tấn (tăng hơn 11,7% so năm 2016); năng suất bình quân 11,5 tấn/ha (tăng trên 15% so với năm 2016). Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 4,5 tỉ USD, trong đó sản phẩm cây ăn trái chiếm hơn 3,6 tỉ USD. Định hướng đến năm 2030, 100% diện tích, sản lượng các loại cây ăn trái chủ lực vùng tập trung được chứng nhận VietGAP/cấp mã số vùng trồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 7 tỉ USD, trong đó giá trị xuất khẩu trái cây các loại trên 6 tỉ USD, giữ vững cán cân thương mại nhập siêu trên 1,5 tỉ USD.

Mặc dù có bước phát triển vượt bậc, song sản xuất cây ăn trái của miền Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng chủ yếu nhỏ lẻ và vườn tạp nên chưa phù hợp cho sản xuất mang tính hàng hóa. Hình thức liên kết sản xuất- tiêu thụ giữa doanh nghiệp và người nông dân trong những năm qua từng bước được hình thành và phát triển nhưng chưa nhiều, từng mô hình chỉ phát huy hiệu quả ở những giai đoạn nhất định. Đó là chưa kể, ĐBSCL chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu. Tình trạng xâm nhập mặn và khô hạn ảnh hưởng trực tiếp tới sinh trưởng và phát triển của các loại cây ăn trái. Đồng thời, phát sinh của một số dịch hại nguy hiểm (sùng đục gốc, sâu đục trái, nhện hại rễ, rệp dính…) làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất cây ăn trái. Ở một khía cạnh khác, cho đến nay các cơ sở sơ chế, đóng gói, bảo quản trái cây chưa nhiều dẫn đến thất thoát sau thu hoạch còn khá lớn. Bên cạnh đó, các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng trong việc sản xuất trái cây nhiệt đới đang cạnh tranh gay gắt với Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước là: nhãn (Trung Quốc, Thái Lan), chôm chôm, măng cụt, sầu riêng (Thái Lan, Malaysia), bưởi, cam, quýt (Trung Quốc)...

Tìm giải pháp cho vấn đề hạn mặn, Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đề xuất: Việc khai thác hiệu quả vai trò của gốc ghép qua công tác thanh lọc mặn các nguồn gien đang có trong tự nhiên để tìm ra được những loại gốc ghép có khả năng chịu mặn hoặc tạo giống/gốc ghép mới chống chịu mặn cho cây trồng được xem là giải pháp khả thi để ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Ngoài ra, các nhóm giải pháp cần được quan tâm và đầu tư trong thời gian tới là: đầu tư các hệ thống đê bao, tưới tiêu (thủy lợi nội đồng) hợp lý nhằm phòng chống ngập lụt, ngăn chặn xâm nhập mặn và đối phó với hạn hán kéo dài. Các địa phương tăng cường năng lực cho hệ thống cảnh báo và dự báo thời tiết, thủy văn và nông nghiệp; nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường và sự phát sinh, phát triển sâu bệnh hại trên cây ăn trái để đề ra biện pháp quản lý tổng hợp.

Để giải quyết rốt ráo vấn đề sản xuất và tiêu thụ cây ăn trái, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, định hướng phát triển các vùng sản xuất cây ăn trái hàng hóa tập trung. Đồng thời, thúc đẩy hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, trái cây; xây dựng, phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng... Ngoài ra, các bộ, ngành hữu quan cũng cần ban hành một số chính sách mới. Đơn cử như về sản xuất cần khuyến khích chọn tạo giống cây ăn trái lâu năm; hỗ trợ phục tráng giống; bình tuyển cây đầu dòng... Vấn đề sau thu hoạch, bảo quản, chế biến cần chính sách khuyến khích đầu tư các cơ sở xử lý trái cây (chiếu xạ, xử lý hơi nước nóng...), tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường. Khâu tiêu thụ, doanh nghiệp cần hỗ trợ, miễn, giảm thuế, cước phí kho bãi, vận chuyển đối với tiêu thụ trái cây tươi; rà soát, hỗ trợ tối đa thủ tục, tối giản thời gian từ xử lý thông quan... Đồng thời, tiếp tục quan tâm xúc tiến thương mại, tích cực đàm phán với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây...

MỸ THANH

Chia sẻ bài viết