10/01/2019 - 08:41

Thị trường xuất khẩu cá tra chuyển động lạc quan 

Theo nhận định của các chuyên gia, đến thời điểm cuối năm 2018 và đầu năm 2019, cá tra ở ĐBSCL vẫn tạo nên sức hút mạnh từ thị trường xuất khẩu. Trong đó, không những thị trường xuất khẩu truyền thống được mở rộng, mà thị trường xuất khẩu mới hình thành đã tạo đà phát triển, mở rộng vùng nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong năm 2019 này.

Sản phẩm cá tra được chế biến, đóng gói đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

 

CHẤT LƯỢNG VÙNG NUÔI

Năm 2018, ngành thủy sản TP Cần Thơ phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường. Trong năm, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản 10.055ha, vượt 18,29% kế hoạch; tổng sản lượng thủy sản 217.385 tấn, vượt 7,62% kế hoạch (sản lượng nuôi 213.385 tấn, vượt 7,77% kế hoạch). Trong đó, diện tích nuôi cá tra 754ha, vượt 0,48% kế hoạch; sản lượng 169.233 tấn, vượt 3,48% kế hoạch năm. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Năm qua, ngành thủy sản thành phố tập trung xây dựng vùng nuôi thủy sản áp dụng các tiêu chuẩn: GlobalGAP, ASC, SQF, BMP, Metro GAP… nhằm cung cấp nguồn sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, tăng giá trị sản phẩm và góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Tổng diện tích nuôi cá tra an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn đạt 236,1ha, bao gồm: 222,35ha VietGAP và 13,75ha BAP+ASC. Nhờ đó, sản phẩm xuất khẩu đạt tiêu chuẩn và phát triển mạnh trên thị trường".

Thốt Nốt là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nuôi trồng thủy sản, vùng nuôi tập trung theo các kênh, rạch và tại cồn Tân Lộc trên sông Hậu. Hiện tình hình nuôi cá tra phát triển theo hướng thuận lợi, với tổng diện tích nuôi 446,68ha, đạt 104,98% kế hoạch. Trong đó diện tích nuôi đạt chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm gần 170,51ha, chiếm 44,21% tổng diện tích nuôi thủy sản trên địa bàn. Tổng sản lượng thu hoạch năm 2018 khoảng 89.486 tấn (chiếm gần 45% tổng sản lượng toàn thành phố), đạt 100,55% kế hoạch, tăng 8.968 tấn so cùng kỳ. Năm 2018, giá cá tra nguyên liệu dao động từ 30.000 đồng đến 35.500 đồng/kg, trừ chi phí người nuôi có lợi nhuận khá cao. Mặc dù giá cá tra thương phẩm tăng mạnh từ giữa năm 2017 đến nay, nhưng diện tích nuôi cá trên địa bàn quận vẫn duy trì ổn định, không có tình trạng đào ao nuôi tự phát.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2018 đạt mức tăng trưởng cao. Trong những tháng cuối năm 2018, cá tra xuất sang Mỹ liên tục tăng mạnh, nhất là từ sau quá trình kiểm tra độ tương đồng ở vùng nuôi cá ĐBSCL. Nhờ thị trường chuyển động tích cực, tính đến đầu tháng 12-2018, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt hơn 494 triệu USD, tăng 54,6% so với cùng kỳ năm 2017 và vượt qua cả thị trường Trung Quốc - Hồng Công. Cùng thời điểm này, cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - Hồng Công đạt hơn 482 triệu USD, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường Mỹ đã vượt qua Trung Quốc và dẫn đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam. Điều này được các doanh nghiệp lý giải, cá tra xuất sang Trung Quốc vẫn tăng đều nhưng từ quý III/2018 thị trường này có phần chậm lại, giảm nhẹ. Song, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra cho rằng thị trường Trung Quốc và Hồng Công vẫn là thị trường lớn, có tiềm năng tăng cao…

KHỞI SẮC

Theo VASEP, trong mấy năm qua thị trường xuất khẩu cá tra ở các nước châu Âu (EU) sụt giảm, nhưng vừa qua có sự phục hồi và tăng trưởng trở lại. Từ đầu năm đến tháng 12-2018, xuất khẩu cá tra sang EU đạt trên 217 triệu USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2017. Theo dự báo VASEP, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam trong năm 2018 đạt trên 2,3 tỉ USD, lần đầu tiên vượt xa mức 1,8 triệu USD/năm như những năm qua.

Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Khu công nghiệp Trà Nóc, TP Cần Thơ) là một trong những đơn vị xuất khẩu cá tra mạnh ở TP Cần Thơ và khu vực ĐBSCL. Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, nhận định: thị trường xuất khẩu cá tra chuyển động lạc quan do năm 2018, Biển Đông có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm trước, với các khâu xây dựng vùng nuôi, tạo giống, chế biến sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Biển Đông và một số công ty thủy sản khác đã thiết lập chuỗi phân phối cá tra vào siêu thị Walmart và nhà hàng cao cấp của Mỹ. Khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ áp dụng Luật Nông trại (Farm Bill) đối với con cá tra của Việt Nam (Mỹ chuyển sự giám sát từ Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm sang Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong thời gian đó có 18 tháng chuyển tiếp). Lúc đó Biển Đông có 80% xuất khẩu vào thị trường Mỹ và cũng như nhiều doanh nghiệp trong ngành thủy sản thật sự lo lắng. Ông Ngô Quang Trường cho biết: "Tuy nhiên, đến nay có thể nói kết quả kiểm tra vừa qua cá tra Việt Nam được đánh giá tương đồng với catfish của Mỹ là tin vui cho vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL. Đồng thời, với sự nỗ lực tích cực của Bộ NN&PTNT trong việc chứng minh vùng nuôi cá tra Việt Nam tương đồng với catfish của Mỹ nên đã khẳng định thêm chất lượng cá tra Việt Nam. Nhờ đó, thị trường châu Âu đã có chuyển biến, phục hồi tốt...".

Theo nhiều doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây nên việc quy hoạch vùng nuôi hợp lý, áp dụng tiêu chuẩn nuôi an toàn thực phẩm là rất cần thiết. Đáp ứng yêu cầu thị trường, năm 2019, ngành nông nghiệp TP Cần Thơ sẽ chỉ đạo các địa phương ứng dụng nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, kế hoạch và áp dụng các quy trình tiêu chuẩn vào sản xuất, nuôi trồng để tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Thực hiện quy hoạch nuôi, chế biến cá tra đến năm 2020 theo Quyết định số 3885/QĐ-BNN-TCTS ngày 11/9/2014 của Bộ NN&PTNT, tiếp tục tổ chức lại sản xuất cá tra theo hướng hình thành các tổ chức liên kết sản xuất (bao gồm người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, các dịch vụ thủy sản) để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hè cho biết thêm: "Ngành nông nghiệp thành phố còn tăng cường hướng dẫn, tập huấn về kỹ thuật nuôi thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap, SQF 1000CM, ASC... cho người nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh công tác sản xuất giống thủy sản để cung ứng giống chất lượng cao cho vùng và sớm đưa Trung tâm giống thủy sản cấp I vào hoạt động. Tăng cường công tác quản lý chất lượng thức ăn, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản, góp phần giảm giá thành sản xuất, bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên nước, môi trường; quản lý, kiểm soát chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm, hóa phẩm và các vật tư khác, duy trì ổn định vùng nguyên liệu xuất khẩu trên địa bàn thành phố theo đúng tiêu chuẩn…".

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết