20/09/2021 - 08:21

Thị trường thời trang xa xỉ liên tục tăng trưởng 

Mặc dù ngành công nghiệp thời trang vẫn chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19, nhưng riêng phân khúc thị trường thời trang xa xỉ vẫn liên tục tăng trưởng.

Cửa hàng phức hợp trải nghiệm mua sắm và thưởng thức nhà hàng Gucci Osteria của Gucci tại Mỹ.

Báo cáo doanh thu trong 6 tháng đầu năm 2021 của các hãng thời trang lớn trên thế giới cho thấy sự bùng nổ doanh thu ở các mặt hàng cao cấp. LVMH - tập đoàn sở hữu các thương hiệu Louis Vuitton, Dior, Tiffany & Co… đạt 34,1 tỉ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận của LVMH ước đạt 9 tỉ USD, tăng gấp 4 lần. Trong đó, tăng nhiều nhất ở mặt hàng thời trang và đồ da, tăng 120% so với cùng kỳ năm trước. Mỹ và khu vực châu Á là hai thị trường có mức tăng trưởng cao của LVMH với chỉ số lần lượt là 31% và 34%.

Tập đoàn Kering - chủ sở hữu của các thương hiệu Gucci, Saint Laurent Paris, Balenciaga… cũng tăng hơn 54%, mang về khoảng 9,5 tỉ USD. Trong đó, Gucci giữ vai trò chủ đạo khi đạt doanh thu đến 5,3 tỉ USD. Kering có độ phủ rộng và mức tăng trưởng đều ở khắp các châu lục, từ châu Âu, Bắc Mỹ đến châu Á - Thái Bình Dương.

Thực tế, Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường lớn của các mặt hàng xa xỉ thông qua hình thức mua bán trực tuyến. Cụ thể, doanh số bán hàng của Hermès ở Mỹ tăng gấp 5 lần. Doanh thu của Hermès được cho là tăng gấp đôi trước đại dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thương hiệu này đã mang về 4 tỉ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Một số thương hiệu khác cũng chia sẻ về mức độ tăng trưởng vượt bậc, như Prada tăng 60% doanh thu, Burberry tăng 86% so với cùng kỳ năm trước. Chuyên gia tài chính Arnaud Cadart cho rằng: “Tầng lớp thượng lưu dường như không bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vì vậy, thay vì dùng tiền để ra ngoài ăn uống, du lịch... họ sẽ mua hàng xa xỉ”. Trong khi đó, chuyên gia phân tích Erwan Rambourg thông tin rằng: “Có một thế hệ trẻ ở Mỹ, như những người Mỹ gốc Phi, những người nói tiếng Tây Ban Nha và châu Á, đang cảm thấy rất thoải mái với việc mua sắm xa xỉ phẩm”.

Hiện nay, các thương hiệu thời trang cũng nắm bắt tâm lý và xu hướng của thị trường, thích ứng với các công nghệ và chuyển hướng tiếp thị kỹ thuật số, triển khai hoạt động thương mại điện tử. Ðiều này làm cho khách hàng thấy thuận lợi và lựa chọn sản phẩm trong thời gian ngắn. Cụ thể, Louis Vuitton đã ra mắt dịch vụ giao hàng cao cấp White Glove, cho phép khách hàng lựa chọn người giao hàng phù hợp với sản phẩm họ vừa mua và được giao trong thời gian sớm nhất. Ưu tiên thời gian giao hàng cũng là điểm chính mà Gucci tiếp cận khách hàng trong thương mại trực tuyến. Sản phẩm được giao trong vòng 90 phút tại 10 thành phố lớn, kinh đô thời trang và đang cho thấy hiệu quả khi được nhiều người lựa chọn.

Bên cạnh chiến lược khai thác từ nền tảng trực tuyến, các thương hiệu cũng đang thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng ở các cửa hàng trực tiếp. Hermès đang nâng cấp và mở mới nhiều cửa hàng, chuẩn bị sẵn sàng cho sự trở lại tại Macao, Tokyo, Bắc Kinh và Brisbane. Saint Laurent khai trương cửa hàng Flagship mới tại Seoul với không gian hoàn toàn mới đầy chất nghệ thuật, khi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Jung Lee. Louis Vuitton đã khai trương chuỗi cửa hàng kết hợp mô hình trải nghiệm dịch vụ xa xỉ, với sự ra đời Le Café V tại Nhật. Còn Gucci mở rộng chuỗi cửa hàng kết hợp nhà hàng Gucci Osteria ở Ý và Mỹ. Tiffany & Co. cũng mở chuỗi cửa hàng phức hợp tại Trung Quốc với sự ra đời của Tiffany Blue Box Café.

Có thể thấy, ngành công nghiệp thời trang xa xỉ tăng trưởng không ngừng bởi những chiến lược phù hợp, nắm bắt xu thế và thích ứng nhanh với dịch bệnh.

BẢO LAM (Tổng hợp từ Vogue Business, CNN)

Chia sẻ bài viết