15/02/2018 - 10:34

Thi đua làm theo gương Bác 

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2017 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tại thành phố Cần Thơ, phong trào thi đua làm theo gương Bác tiếp tục được đẩy mạnh, nâng chất với nhiều mô hình, phần việc thiết thực. Từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị đã linh hoạt vận dụng, khéo léo “sáng tạo trong nếp nghĩ, cách làm” để xây dựng những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh...

Những công trình vì dân    

ĐỒNG TÂM

Trong hàng trăm mô hình, phần việc đăng ký làm theo gương Bác ở các địa phương trong năm qua, có rất nhiều công trình xây dựng cầu đường, đem lại diện mạo, sinh khí mới cho những vùng quê. Chúng tôi đến ấp 8, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ đúng dịp địa phương vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu giao thông Kênh B9. Đồng chí Thạch Thới, Bí thư Chi bộ ấp phấn khởi cho biết đây là cây cầu người dân mong đợi bấy lâu. Chỉ chiếc cầu ván cũ kỹ nằm bên cạnh cầu bê tông bề thế, không có lan can, tay vịn, anh Thới kể: Cầu ván trước đây nhỏ hẹp, 2 xe qua lại phải nhường nhau, thỉnh thoảng xảy ra va quẹt, người và phương tiện rơi xuống kênh... Để bảo đảm an toàn cho người dân, chi bộ lên kế hoạch vận động gia cố lại cầu ván để đi tạm. Nhưng khi họp dân, bà con đề nghị xây cầu bê tông rộng rãi. Qua 3 lần họp dân, bà con thống nhất xây cầu kênh B9 rộng hơn 3m, dài khoảng 27m. Chi bộ bàn bạc, tính toán rất kỹ, nếu làm cầu bê tông thì chi phí vận động đóng góp xây dựng rất lớn. Dù khó khăn nhưng nhớ lời Bác dạy: “Việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm...”, nên chi bộ hạ quyết tâm thực hiện. Chi bộ vận động mạnh thường quân được 130 triệu đồng, huyện hỗ trợ 30 triệu đồng, bà con đóng góp 30 triệu và 720 ngày công lao động. Những ngày làm cầu, cả xóm rộn ràng như ngày hội. Anh Võ Thành Trung, ngụ tại ấp 8, hào hứng kể: “Gia đình tôi góp 1,8 triệu đồng và phục vụ cà phê, trà đá miễn phí trong suốt thời gian xây cầu. Các gia đình khác góp cây trái, rau củ, lo nấu ăn phục vụ lực lượng xây cầu...”. Nhờ biết dựa vào dân, khơi dậy sức dân, năm 2017, chi bộ ấp 8 đã vận động nhân dân bắc mới 3 cầu bê-tông; trải bê-tông nhựa 3.400m đường với tổng trị giá 1,7 tỉ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 1,3 tỉ đồng và hơn 1.000 ngày công lao động.

Cầu giao thông ấp 8, xã Thới Hưng được bắc mới khang trang, rộng rãi. Ảnh: TÂM KHOACầu giao thông ấp 8, xã Thới Hưng được bắc mới khang trang, rộng rãi. Ảnh: TÂM KHOA

Chúng tôi cũng gặp nhiều gương mặt hân hoan, những tiếng chào hỏi vui vẻ khi bon xe trên công trình đường giao thông rộng 3m, dài 1.800m ở ấp Thới Hưng, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền. Công trình này vừa hoàn thành trước Tết, làm cho bộ mặt của ấp như bừng sáng hơn. Theo đồng chí Trần Hoàng Nam, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ phó Tổ dân vận, tuyến đường này trước kia nhỏ, hẹp lại xuống cấp nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Tháng 10-2017, Tổ dân vận ấp tổ chức họp dân để bàn việc mở rộng mặt đường ra 3m. Bà con ai nấy đều phấn khởi, thống nhất tự mua vật tư và góp công làm đường. Đảng ủy, UBND xã vận động mạnh thường quân hỗ trợ ấp 3.000 bao xi măng. Tổng trị giá công trình 456 triệu đồng. Theo ông Trần Văn Đực, người dân ở ấp Thới Hưng, cách làm này vừa tiết kiệm chi phí, vừa tăng cường tình đoàn kết xóm giềng. Trước đó, Tổ dân vận ấp còn vận động bắc mới cầu Cả Lang 2 dài 25m, rộng 2,5m, với số tiền 125 triệu đồng. Chia sẻ việc chi bộ chọn mô hình vận động thực hiện các công trình trên gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, giọng đồng chí Trần Hoàng Nam đầy tâm đắc: “Bác Hồ dạy, bất cứ việc gì đều phải “bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”…”. Làm theo lời Bác, chúng tôi thấy công việc rất thuận lợi, được nhân dân đồng thuận cao và triển khai thực hiện đạt hiệu quả hơn cả mong muốn”.

Giữ bình yên cho phố phường

HỒNG VÂN

Thời gian qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn thành phố phát triển mạnh mẽ, đi vào chiều sâu với nhiều mô hình phòng, chống tội phạm thiết thực. Qua đó, đã và đang phát huy sức mạnh của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tội phạm; đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Đến hẻm Chánh Lợi (khu vực 7, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều), chúng tôi nghe nhiều người khen ngợi mô hình “Camera an ninh”. Theo bà Nguyễn Thị Nguyên, người dân tại khu vực, trước đây, tình hình tệ nạn xã hội tại tuyến hẻm này khiến nhiều người lo lắng. Vì vậy, khi Công an phường khởi xướng xây dựng mô hình “Camera an ninh”, gia đình bà góp 5 triệu đồng cùng bà con lắp đặt. Từ khi có camera an ninh, lực lượng công an nắm chắc địa bàn, xử lý rất nhanh gọn, kịp thời những tình huống xảy ra. Thiếu tá Lâm Trần Anh Thuấn, Trưởng Công an phường Cái Khế, cho biết: Mô hình “Camera an ninh” được thành lập thí điểm đầu tiên vào tháng 3-2016 tại khu vực 7. Máy chủ được đặt tại chốt gác ANTT khu vực và kết nối với trực ban Công an phường theo dõi 24/24 giờ. Hệ thống camera an ninh đã giúp cho Công an phường bắt nhiều đối tượng mua bán ma túy, ghi số đề và giải tán nhiều nhóm đối tượng tụ tập đêm khuya,… Từ đó, khu vực 7 đã được đề nghị xóa khỏi danh sách khu vực phức tạp về ma túy.

Công an phường Cái Khế, quận Ninh Kiều theo dõi tình hình an ninh trật tự thông qua mô hình “Camera an ninh”.  Ảnh: HỒNG VÂNCông an phường Cái Khế, quận Ninh Kiều theo dõi tình hình an ninh trật tự thông qua mô hình “Camera an ninh”.  Ảnh: HỒNG VÂN

Theo Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Giám đốc Công an TP Cần Thơ, tháng 8-2017, Công an TP Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch về việc xây dựng mô hình “Camera phòng, chống tội phạm” (còn gọi là Camera an ninh); đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo vận động thực hiện mô hình. Trên cơ sở đó, Công an TP Cần Thơ đã chỉ đạo Công an mỗi quận chọn 2 phường, mỗi huyện chọn 1 xã, thị trấn thực hiện thí điểm; sau đó, sơ kết rút kinh nghiệm nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn. Việc xây dựng mô hình nhằm phát huy hơn nữa công tác tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới và áp dụng có hiệu quả thành tựu khoa học công nghệ vào công tác phòng ngừa, đấu tranh các loại tội phạm.

Đến nay, trên địa bàn thành phố đã có 6/9 quận, huyện lắp đặt được 878 camera, với số tiền trên 4,1 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa. Thông qua việc theo dõi và trích xuất hình ảnh từ camera, lực lượng Công an điều tra, xử lý 103 vụ với 144 đối tượng; chủ yếu là hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản, vạch trần thủ đoạn tinh vi của tội phạm trong thời gian ngắn. Theo thống kê, so với khi chưa triển khai mô hình, số vụ cướp tài sản giảm 7,7% so với năm 2016; số vụ trộm cắp tài sản giảm 11,25%... Công an thành phố cũng đang quản lý hệ thống camera quan sát giao thông và hệ thống camera quan sát an ninh với 80 đầu mối; trong đó, có 50 camera quan sát giao thông được đặt tại các tuyến đường trọng điểm, đã phát hiện, xử lý trên 26.000 trường hợp vi phạm. Không chỉ góp phần đảm bảo ANTT, hiệu quả lớn nhất của mô hình chính là sự tin cậy, đồng lòng của nhân dân. Nhiều người dân tự nguyện đóng góp tiền, chủ động lắp đặt camera tại gia đình và trước nhà để cùng lực lượng Công an phát hiện các loại tội phạm, tệ nạn xã hội…

Hiện nay, Công an TP Cần Thơ đã đề xuất và được HĐND thành phố thông qua Dự án “Hệ thống giám sát giao thông, cưỡng chế và xử phạt vi phạm pháp luật về an toàn giao thông bằng hình ảnh”, với 173 đầu camera với tổng kinh phí 250 tỉ đồng. Theo Đại tá Trần Ngọc Hạnh, Công an các địa phương sẽ tiếp tục vận động lắp đặt thêm 451 camera tại các địa bàn trọng điểm.

Hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống

TÂM KHOA

Những ngày cận Tết, chúng tôi cùng cán bộ Hội Nông dân quận Cái Răng  đến thăm tổ hợp tác trồng rau màu sạch tại phường Hưng Thạnh. Đây là một trong những mô hình vận động nhân dân phát triển kinh tế gắn với thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tổ hợp tác này được thành lập năm 2017, được Phòng Kinh tế quận hỗ trợ vật tư, phân bón. Đồng thời, Hội Nông dân cũng phối hợp Trung tâm Khuyến nông tập huấn chuyển giao quy trình sản xuất rau sạch, an toàn, trong đó, sử dụng phân hữu cơ và thuốc trừ sâu sinh học, nên giảm chi phí và tăng năng suất. Các hộ đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn quy mô nông hộ. Hiện trong số 12 thành viên tổ có 2 người chuyên trồng dưa hấu, 10 người trồng rau màu các loại như: cải xanh, cải ngọt, xà lách, khổ qua...

Cán bộ Hội Nông dân quận Cái Răng và phường Hưng Thạnh tham quan mô hình trồng rau màu sạch của hộ ông Phạm Văn Lắm, thành viên tổ hợp tác. Ảnh: NGUYỄN CHẨN

Cán bộ Hội Nông dân quận Cái Răng và phường Hưng Thạnh tham quan mô hình trồng rau màu sạch của hộ ông Phạm Văn Lắm, thành viên tổ hợp tác. Ảnh: NGUYỄN CHẨN

Trong đó, nhiều hộ tăng thu nhập rõ rệt khi chuyển hướng sản xuất nông sản sạch. Điển hình như hộ Phạm Văn Lắm, chuyển 2,5 công đất xây dựng mô  hình trồng rau sạch trong nhà lưới, có thu nhập bình quân khoảng 15-20 triệu đồng/tháng. Hay như hộ ông Nguyễn Văn Sáu chuyển 8 công đất sang trồng dưa hấu, có thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Trong năm 2017, ông Lắm trồng thử nghiệm 2 công dưa sạch theo quy trình kỹ thuật được hướng dẫn.

Theo lãnh đạo Hội Nông dân quận Cái Răng, phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nông dân. Với sự hỗ trợ về nhiều mặt của các cấp, các ngành, các đoàn thể, trong đó có Hội Nông dân, đã xuất hiện nhiều mô hình chuyển dịch kinh tế hiệu quả, có thu nhập cao.

Tại các quận, huyện khác cũng nở rộ nhiều mô hình vận động, hỗ trợ nhân dân làm kinh tế, giảm nghèo gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Điển hình như mô hình vận động giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững tại xã Định Môn và ấp Đông Hiển xã Đông Thuận của Ban Thường trực UBMTTQVN huyện Thới Lai; Mô hình nuôi bò sinh sản và mô hình trồng nhãn  Ido-Cam xoàn của xã Định Môn; Mô hình hỗ trợ hộ nghèo chăn nuôi dê do Ban Thường trực UBMTTQVN phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt vận động thực hiện; Mô hình trồng cam mật tại thị trấn Phong Điền; Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi dê của Hội Nông dân xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh; Mô hình Nâng chất tổ hợp tác nuôi ếch của Hội Cựu chiến binh xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh... đã giúp nhiều hộ thoát nghèo, có cuộc sống no ấm hơn.

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

QUỲNH LAM

“Người thổi hồn vào dây nhựa”- Đó là cách nói ví von mà mọi người trìu mến dành gọi anh Trần Công Hào (ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai). Anh Hào là một trong những người ở TP Cần Thơ tiên phong trong lĩnh vực đan giỏ dây nhựa sáng tạo. Hiện nay, một số mẫu giỏ dây nhựa được thiết kế tinh tế, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng của anh đã được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận…

Anh Trần Công Hào, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai hào hứng giới thiệu về các sản phẩm giỏ nhựa công sở.

Anh Trần Công Hào, ở ấp Trường Hòa, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai hào hứng giới thiệu về các sản phẩm giỏ nhựa công sở. 

Nhắc đến anh Hào, nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện vượt khó khởi nghiệp từ mô hình nuôi heo của anh Bí thư Chi đoàn “sinh ra từ làng” ngày nào- mô hình giúp anh vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của dành cho “Nhà nông trẻ xuất sắc” năm 2013. Sau gần 5 năm gặp lại, trước mắt chúng tôi không còn là một thanh niên nhiều bỡ ngỡ khi mới khởi nghiệp mà là một Công Hào điềm tĩnh, cùng với đam mê sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm”… Chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp ở tuổi gần 40, Công Hào bộc bạch: “Tôi biết nghề đan đát từ lâu, cùng lúc nghề nấu rượu, nuôi heo khi còn trong quân ngũ. Dự định sau này khi kinh tế ổn định, mới bắt đầu làm. Nhưng heo sụt giá, càng nuôi càng lỗ, tôi chuyển qua nghề này. Thế là càng làm càng ham thích và mở ra hướng phát triển mới”.

Anh Hào chia sẻ: “So với một chiếc giỏ dây nhựa thông thường, giỏ dây nhựa “sáng tạo” đòi hỏi sự tỉ mỉ, kỳ công hơn. Đó là cả một quá trình sáng tạo, góp ý của nhiều cộng sự. Tôi mong muốn nâng cao giá trị sản phẩm, tạo điều kiện để chị em nâng cao tay nghề, thu nhập…”. Hiện tại, bên cạnh mở cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ bằng dây nhựa tại nhà, thu mua sản phẩm của chị em làm ra để cung cấp cho các mối sỉ trong và ngoài thành phố, anh Hào còn tham gia dạy nghề đan giỏ dây nhựa cho các địa phương. Không chỉ cải tiến một số mẫu giỏ công sở, như: giỏ chẻ, giỏ thắt bông, giỏ 3D, giỏ hoa thị, giỏ con cò,... cơ sở của Hào còn thực hiện một số sản phẩm mới, như: khay đựng giáo trình, giáo án, sọt đựng hồ sơ, chậu trồng hoa lạ mắt, với các kiểu đan dây nhựa khác nhau.

Những năm qua, thông qua phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động, xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập, làm theo gương Bác trên các lĩnh vực. Đó có thể là anh “kỹ sư chân đất” Cao Phát Triển (ở khu vực Thới Xương 1, phường Thới Long, quận Ô Môn)  áp dụng thành công mô hình phun thuốc và tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái… giúp tiết giảm chi phí sản xuất rất lớn. Hay như câu chuyện sáng tạo của anh nhân viên lái xe Nguyễn Lê Long Định, Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, tự mài mò, thực hiện nhiều sáng kiến trong lĩnh vực y tế được áp dụng tại bệnh viện, như: thiết bị đo huyết áp cải tiến có cóc đạp điện và bộ phận nén khí thay cho bo bóp bóng hơi bằng tay- công trình được trao giải Nhất tại Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật TP Cần Thơ năm 2015. Anh Định còn thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở mang tên “Đường chuyền chuyển mẫu xét nghiệm”, góp phần làm lợi cho bệnh viện và phục vụ bệnh nhân ngày một tốt hơn.

Sự noi gương, học hỏi tinh thần lao động sáng tạo của Bác còn thể hiện qua sự vận dụng, khéo léo “sáng tạo trong nếp nghĩ, cách làm” để xây dựng những mô hình hay, cách làm hiệu quả. Nổi bật như mô hình sáng kiến “Mượn đất dự án trồng màu” của Đảng ủy, UBND phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, giúp nhiều hộ dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống gia đình. Đảng bộ phường Thốt Nốt (quận Thốt Nốt) gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng bằng mô hình biên soạn Sổ tay “Nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Huyện ủy Vĩnh Thạnh với phong trào “tự soi, tự sửa”...

Chia sẻ bài viết