24/11/2022 - 07:21

Thi đua “Dân vận khéo” 

Bài, ảnh: HẢI THƯ

“Nhờ tham gia mô hình trồng ổi Ruby, gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập, có điều kiện chăm lo các con. Cuộc sống giảm bớt khó khăn hơn trước”. Ðó là lời bộc bạch của anh Danh Chiến, thành viên Tổ hợp tác (THT) trồng ổi Ruby do Hội Nông dân (HND) thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ xây dựng. Ðây là 1 trong 44 mô hình “Dân vận khéo” (DVK) được Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ đánh giá cao, biểu dương khen thưởng năm 2022.

Gia đình anh Danh Chiến thuộc diện hộ cận nghèo, không đất sản xuất, làm thuê kiếm sống. Cuộc sống cả nhà 4 người (vợ chồng anh và 2 con nhỏ) dựa vào tiền công phụ hồ của anh. Khi HND thị trấn vận động thành lập mô hình THT trồng ổi Ruby tại ấp Thới Bình, Tổ Dân vận ấp vận động anh Chiến tham gia. Anh Chiến kể: “Cha tôi cho mượn 500m2 đất để canh tác. Sau giờ đi làm, tôi tranh thủ chăm sóc vườn ổi như một hình thức “bỏ ống tiết kiệm”. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi bán ổi được khoảng 600.000 đồng”.

Lãnh đạo Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ cùng các đoàn thể địa phương tham quan tìm hiểu tình hình đời sống, sản xuất của thành viên THT trồng ổi Ruby.

Theo ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch HND thị trấn, THT trồng ổi Ruby được HND thị trấn thành lập tại ấp Thới Bình từ năm 2019. Ðến nay, mô hình thu hút 14 thành viên tham gia, diện tích canh tác 1,75ha. Các thành viên được hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền 500 triệu đồng, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật... Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ đánh giá cao mô hình, bởi 14 thành viên THT đều ít đất; mỗi hộ chỉ có từ vài trăm đến 1.000m2, trước là vườn tạp, hầu như không có huê lợi.

Bà Nguyễn Thị Út, thành viên THT, thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn, đơn thân nuôi con. Bà Út kể: “Nhà ít đất, tôi không biết trồng cây gì nên cứ để đất hoang, mấy mẹ con làm thuê kiếm sống qua ngày. Từ khi tham gia mô hình trồng ổi, hằng tháng tôi có thêm thu nhập khoảng 1-1,2 triệu đồng, coi như cũng có tích lũy để dành lúc khó khăn...”. Nói về việc duy trì, nâng chất mô hình, ông Lê Văn Hiền cho biết thêm: “Sắp tới, chúng tôi phối hợp với Hợp tác xã nông nghiệp Cờ Ðỏ ký kết hợp đồng bao tiêu với THT để đảm bảo đầu ra cho trái ổi. Ðồng thời, tiếp tục phối hợp các cơ quan chuyên môn tập huấn kỹ thuật; tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia THT, từng bước nâng THT lên thành hợp tác xã”.

Mô hình THT nuôi ba ba thương phẩm của HND xã Thạnh Phú cũng được đánh giá cao. Theo ông Phùng Quốc Thái, Chủ tịch HND xã Thạnh Phú, việc nuôi ba ba được một số hội viên, nông dân trong xã thực hiện từ năm 2019. Nhận thấy mô hình có khả năng nhân rộng, năm 2021, HND xã đăng ký ra mắt mô hình THT nuôi ba ba thương phẩm gồm 9 thành viên, với 9.600m2 mặt ao. Trung bình thành viên có thu nhập đạt 40 triệu đồng/người/năm. Mô hình Ðan ráp lú do Hội LHPN xã Trung Thạnh xây dựng năm 2022, với 10 thành viên, cũng mang lại hiệu quả thiết thực, giúp chị em có nguồn thu nhập ổn định, từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Chị Lê Thị Gấm, thành viên mô hình, cho biết: “Vợ chồng tôi không có đất sản xuất, trước kia, tôi ở nhà lo nội trợ, chăm sóc con nhỏ 4 tuổi, cả nhà trông chờ vào tiền làm thuê của chồng. Nhờ tham gia làm lú, tôi có thu nhập hằng tháng khoảng 5 triệu đồng”.

Các Tổ Dân vận ấp cũng xây dựng nhiều mô hình nổi bật trên các lĩnh vực. Tiêu biểu như Tổ Dân vận ấp 4, xã Thạnh Phú đã vận động xây dựng cầu KH kênh 4 với tổng số tiền 659 triệu đồng và 550 ngày công lao động, nguồn xã hội hóa 100%. Bà Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng Tổ Dân vận ấp 4, kể: “Cầu cũ xuống cấp, việc đi lại gặp nhiều khó khăn. Năm 2022, Tổ Dân vận ấp quyết tâm vận động xã hội hóa để bắc cầu. Chúng tôi được sự quan tâm hỗ trợ của Khối Dân vận xã, vận động nhà tài trợ 400 triệu đồng; Tổ Dân vận ấp vận động nhân dân và nhà hảo tâm 269 triệu đồng. Bà con cũng thống nhất cùng góp ngày công làm cầu. Cầu KH kênh 4 có chiều dài 50m, rộng 3,3m, tổng kinh phí thực hiện 659 triệu đồng và 550 ngày công lao động”.

Năm 2022, các đoàn thể, địa phương huyện Cờ Ðỏ đăng ký thực hiện 269 mô hình DVK. Qua khảo sát, có 199 mô hình đạt hiệu quả cao, tập trung vào việc vận động xã hội hóa nâng cấp đường, gắn đèn chiếu sáng, camera an ninh; xây dựng, nâng chất các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, giảm nghèo… Ban Dân vận Huyện ủy đề nghị UBND huyện khen thưởng 44 mô hình, đề nghị Ban Dân vận Thành ủy khen thưởng 1 mô hình. Bà Nguyễn Ngọc Thẩm, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Cờ Ðỏ, khẳng định: “Phong trào thi đua DVK đã góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị ở địa phương, giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Năm 2023, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục phát động sâu rộng phong trào DVK; trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình, việc làm mang lại hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa, được nhiều người hưởng ứng, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.

Chia sẻ bài viết