12/06/2017 - 13:49

Thêm một ngôi sao “vụt tắt”

Cái chết đột ngột của tiền vệ Bờ Biển Ngà Cheick Tiote ở tuổi 30 hôm 5-6 làm thổn thức biết bao con tim yêu bóng đá trên khắp thế giới. Bi kịch Tiote nối dài danh sách cầu thủ rời bỏ sân cỏ và cuộc đời do nhồi máu cơ tim.

Chưa có xác nhận chính thức về nguyên nhân khiến cựu cầu thủ Newcastle bất chợt gục ngã trên sân tập của đội Bắc Kinh Enterprises (Trung Quốc), dù được chuyển vào bệnh viện ngay lập tức nhưng đã ra đi mãi mãi. Nhiều người đã nghĩ đến đột quỵ bởi diễn biến cái chết của Tiote tương tự những cầu thủ châu Phi khác. Trước Tiote, Samuel Okwaraji được ghi nhận là trường hợp đáng chú ý đầu tiên khi một cầu thủ châu Phi chết trên sân vì bệnh lý liên quan đến tim. Tuyển thủ Nigeria bất tỉnh và trút hơi thở cuối cùng trong trận đấu vòng loại World Cup trước Angola tại Lagos năm 1989. Khám nghiệm tử thi cho thấy cầu thủ 25 tuổi này bị suy tim xung huyết.

Tiote khi còn khoác áo Newcastle tại giải Ngoại hạng Anh. Ảnh: The Sun

Đến năm 2003 tại Lyon (Pháp), bóng đá thế giới một lần nữa bị sốc, khi tiền vệ người Cameroon Marc-Vivien Foe đổ gục và trút hơi thở cuối cùng trên sân ở cuối trận bán kết Confederations Cup với Colombia. Nguyên nhân tử vong được xác định là do chứng cơ tim phì đại- bệnh lý di truyền dẫn đến nguy cơ cao bất tỉnh trong tập luyện thể thao.

Trong nhiều năm qua, danh sách các cầu thủ qua đời vì những vấn đề liên quan đến tim ngày một dài. Dù có những trường hợp tương tự như Antonio Puerta hay Dani Jarque- những cầu thủ người Tây Ban Nha, nhưng phần lớn trong danh sách này chủ yếu là những cầu thủ châu Phi hoặc gốc Phi.

Người ta cũng đã nói nhiều về Hội chứng Đột tử (Sudden Death Syndrome - SDS) thuật ngữ chung dành cho những tác động khiến tim của người trẻ ngừng đập. Tiến sĩ Sanjay Sharma tại Hiệp hội Tim mạch Thể thao châu Âu (ESSC) mô tả sự nguy hiểm của SDS bằng câu nói: "Chỉ 20% các trường hợp có triệu chứng để đề phòng, 80% còn lại triệu chứng chính là cái chết".

Sự ra đi của Tiote mới rồi dấy lên những tranh cãi về việc bảo vệ các cầu thủ trước nguy cơ đột tử do những vấn đề về sức khỏe. Ở Anh, Ý, Tây Ban Nha và nhiều nước châu Âu khác, kiểm tra SDS đối với cầu thủ là một phần bắt buộc trước khi ký hợp đồng chuyên nghiệp. Những nền bóng đá phát triển đều cố gắng làm tất cả để không phải chứng kiến những hình ảnh đau lòng như của Tiote hay Foe nữa.

BÌNH DƯƠNG (Theo Dailystar, Reuters)

Chia sẻ bài viết