Tổng thống Afghanistan Ahsraf Ghani hôm qua đã bắt đầu chuyến thăm Pakistan 2 ngày lần đầu tiên nhằm thúc đẩy tiến trình cải thiện mối quan hệ còn nhiều nghi kỵ lẫn nhau và tạo tiền đề tăng cường hợp tác đa lĩnh vực giữa hai nước láng giềng trong bối cảnh Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chuẩn bị rút bớt quân khỏi Afghanistan vào cuối năm nay theo kế hoạch.
Người tiền nhiệm của ông Ghani, cựu Tổng thống Hamid Karzai đã nhiều lần cáo buộc chính quyền Islamabad dung dưỡng tàn quân Taliban gây bất ổn Afghanistan vì mục đích chính trị riêng. Tuy nhiên, các nhà phân tích và giới ngoại giao cho rằng Kubul cần có mối quan hệ tốt hơn với Islamabad để giải quyết vấn đề Taliban. Ông Ghani vì thế đã chủ động mời Tổng thống Pakistan Mamnoo Hussain dự lễ nhậm chức của mình hồi tháng 9 và nhận lời mời của Thủ tướng Nawaz Sharif sang thăm Islamabad lần này. Trong vài tuần lễ qua, giới lãnh đạo quân đội và tình báo Pakistan cũng được sang Afghanistan thăm viếng.
Quan điểm chính trị của chính quyền Afghanistan đối với Taliban cũng dần thay đổi bởi nhu cầu hòa hợp dân tộc, chấm dứt bạo lực và thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài cho công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh. Nhân chuyến thăm Trung Quốc hồi cuối tháng 10, Tổng thống Ghani kêu gọi Taliban “tham gia đối thoại liên Afghanistan” với lời nhấn mạnh “hòa bình là ưu tiên cao nhất của chúng tôi”.
Pakistan là một trong số ít quốc gia trên thế giới công nhận chế độ Taliban hà khắc tại Afghanistan trước cuộc chiến của Mỹ và đồng minh vào năm 2001. Giới thủ lĩnh Taliban sau đó chạy sang biên giới Pakistan lánh nạn và các tay súng của họ sử dụng các vùng bộ lạc tại đây làm bàn đạp tấn công qua biên giới nhằm vào quân lực chính phủ Afghanistan, Mỹ và NATO. Tuy nhiên, Pakistan lại đối đầu với các hành động khủng bố của nhóm Taliban cực đoan trong nước có tên gọi Tehrik-e-Taliban (TTP). Cũng chính TTP đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom kinh hoàng tại khu vực biên giới Wagah giáp Ấn Độ cách đây một tuần làm 55 người Pakistan mất mạng.
Một khi phe Taliban trở thành chính đảng ở Afghanistan thì Pakistan có thêm đối tác chính trị hợp pháp và qua đó dựa vào lực lượng này giải quyết vấn đề TTP. Taliban cũng được kỳ vọng sẽ thanh lọc những đối tượng ủng hộ al-Qaeda, đồng thời có thể thu phục, ngăn chặn các phần tử Hồi giáo cực đoan tiềm ẩn gia nhập nhóm tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang hoành hành ở Trung Đông và “vươn vòi” tới Nam Á.
Chuyến công du lịch sử của tân Tổng thống Afghanistan tới Pakistan vì thế mở ra cơ hội để hai nước “thêm bạn, bớt thù” là vậy.
KIẾN HÒA