12/02/2023 - 12:37

Thế giới trong cuộc đua công nghệ AI 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Kể từ khi ChatGPT, công cụ đàm thoại trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty OpenAI (Mỹ) phát triển, được ra mắt cách đây hơn 2 tháng, một cục diện mới bắt đầu hình thành cho thấy sự nhen nhóm của cuộc đua công cụ trò chuyện (chatbot) AI.

Giao diện ChatGPT. Ảnh: AP

 

Hiện tượng toàn cầu

Các công cụ AI thường được xây dựng cho một mục đích cụ thể và huấn luyện dựa trên kho dữ liệu lớn tương ứng, như nhận diện khuôn mặt, chăm sóc khách hàng, vẽ tranh... Trong khi đó, ChatGPT được đánh giá phải lưu nhiều dữ liệu hơn để có thể trả lời đa dạng câu hỏi trong nhiều lĩnh vực từ người dùng, đồng thời tiếp tục "học" thêm hàng triệu kiến thức khác trong quá trình tương tác với chính người dùng để trở nên thông minh hơn. Hôm 2-2, OpenAI tung ra gói đăng ký 20 USD/tháng cho phiên bản ChatGPT Plus, cung cấp cho người dùng dịch vụ ổn định hơn, nhanh hơn cùng các tính năng tiên tiến so với bản miễn phí.

Theo tờ Thời báo New York (NYT), ChatGPT là một ứng dụng đàm thoại của GPT-3 - công cụ xử lý ngôn ngữ của OpenAI. GPT-3 được thiết kế để hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên của con người, có thể được sử dụng cho nhiều tác vụ, chẳng hạn như tạo văn bản, trả lời câu hỏi và dịch ngôn ngữ. NYT cho hay OpenAI có kế hoạch phát hành GPT-4 vào đầu năm 2023, cùng với một số chatbot cho phép người dùng tự dùng thử. Song, các giám đốc điều hành (CEO) hàng đầu của OpenAI đã thay đổi suy nghĩ, do quan ngại rằng các công ty đối thủ có thể vượt qua họ bằng cách phát hành chatbot trước GPT-4. Họ quyết định đưa ra một thứ gì đó nhanh chóng và đã chọn sử dụng mô hình cũ GPT-3, giúp họ thu thập phản hồi để cải thiện GPT-4. Từ đây, ChatGPT ra đời.

ChatGPT nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu. Hàng triệu người đã sử dụng ChatGPT để viết thơ, tư vấn, tạo ứng dụng... Theo nghiên cứu của hãng phân tích UBS, số người dùng ChatGPT đã cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi phần mềm AI này được ra mắt, khiến đây trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Nghiên cứu của UBS dẫn số liệu của công ty phân tích Similar Web cho biết, khoảng 13 triệu người đã dùng ChatGPT/ngày trong tháng 1-2023, gấp đôi so với tháng 12-2022.

Các nhà phân tích của UBS đánh giá trong suốt 20 năm qua, chưa từng có một ứng dụng Internet nào có lượng người dùng phát triển nhanh như vậy. Thống kê của tổ chức theo dõi thị trường Sensor Tower cho thấy, nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok cần 9 tháng sau khi phát hành toàn cầu để đạt 100 triệu người dùng, trong khi Instagram mất tới 2,5 năm, còn ứng dụng dịch Google Translate là 6,5 năm. Giới phân tích tin rằng ChatGPT sẽ giúp OpenAI giành được lợi thế đi đầu trước những công ty phát triển AI khác.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng "thần tốc" của ChatGPT cũng dẫn đến nhiều thách thức. Công cụ này thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải do cạn kiệt tài nguyên và người dùng phải chờ đợi để vượt qua những tính năng an toàn của chatbot này. Mặc cho những hạn chế đó, thành công của ChatGPT đã đưa OpenAI vào hàng ngũ quyền lực ở Thung lũng Silicon, đồng thời khiến các nhà đầu tư nôn nóng cố gắng tham gia vào làn sóng bùng nổ tiếp theo của AI.

Các "ông lớn" vào cuộc

Theo đó, Microsoft đã xác nhận kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD vào OpenAI. Tập đoàn phần mềm này nói rằng sẽ kết hợp ChatGPT vào một số sản phẩm của hãng. Nhiều đồn đoán cho rằng đó chính là Bing, công cụ tìm kiếm sử dụng các mô hình ngôn ngữ lớn hơn để tóm tắt thông tin từ các trang web. Bing hoạt động giống như một chatbot, nơi người dùng có thể tinh chỉnh tìm kiếm của họ bằng cách đặt các câu hỏi tiếp theo để nhận được phản hồi hữu ích hơn. Hiện ứng dụng này đang được nâng cấp để trở nên linh hoạt hơn, cung cấp cho người dùng nhiều phản hồi trực tiếp hơn đối với các truy vấn mà trước đây họ phải truy cập Internet.

Mới đây, Microsoft tuyên bố sẽ tổ chức một sự kiện giới thiệu AI riêng tại trụ sở chính ở thủ đô Washington ngay sau khi Tập đoàn Alphabet, công ty mẹ của Google, thông báo sẽ ra mắt dịch vụ chatbot có tên gọi Bard để cạnh tranh với ChatGPT. Trong một bài viết đăng trên blog cá nhân, CEO Alphabet Sundar Pichai cho biết công ty đang triển khai từng bước một dịch vụ trò chuyện với AI này để kiểm tra phản hồi của người dùng, trước khi chính thức cho công chúng sử dụng trong vài tuần tới. Ông này cũng tiết lộ thêm rằng Google có kế hoạch bổ sung các tính năng AI cho công cụ tìm kiếm Google, để tổng hợp tài liệu cho các câu hỏi phức tạp. Hiện tại, Google chỉ hiển thị các đoạn văn bản đã tồn tại đâu đó trên Internet, để trả lời cho các câu hỏi với đáp án rõ ràng.

Hiện chưa rõ Google sẽ làm gì để tạo ra sự khác biệt giữa Bard và ChatGPT. Theo ông Pichai, Bard sẽ sử dụng thông tin từ toàn bộ mạng Internet. "Bard sẽ là sự kết hợp giữa bề rộng kiến thức của thế giới với sức mạnh, trí tuệ và sự sáng tạo của hệ thống AI do chúng tôi tạo ra" - ông Pichai nói.

Công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft. 

Ở bản giới thiệu, Bard khá giống với ChatGPT khi đề nghị người dùng nhập dữ liệu đầu vào. Bard cũng cảnh báo người dùng rằng nội dung phản hồi mà công cụ này tạo ra có thể không chính xác hoặc không phù hợp. Ðược biết, đằng sau chatbot mới của Google là LaMDA, một hệ thống AI với khả năng tạo ra văn bản có nội dung cực kỳ ấn tượng, tới mức vào năm ngoái, một kỹ sư của công ty từng cáo buộc nó có tri giác. Theo ông Pichai, Google đang dựa vào một phiên bản LaMDA có năng lực tính toán thấp hơn để phục vụ nhiều người dùng hơn và phản hồi thông tin tốt hơn. Trong tháng tới, Alphabet sẽ công bố kế hoạch của Google trong việc cung cấp các công cụ, công nghệ do LaMDA hỗ trợ và các AI khác cho cộng đồng sáng tạo và doanh nghiệp.

Về phần mình, Tập đoàn Baidu của Trung Quốc hôm 7-2 tiết lộ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án tương tự ChatGPT có tên là "Ernie Bot" vào tháng 3. Thông tin này làm dấy lên kỳ vọng đây là đại diện đáng chú ý nhất của Trung Quốc trong cuộc đua tạo ra các chatbot AI có thể trò chuyện như người thật. Hãng điều hành công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc trong một thông báo cho biết dự định tích hợp Ernie Bot vào dịch vụ tìm kiếm của hãng, cho phép người dùng xem kết quả tìm kiếm được hiển thị dưới dạng đoạn hội thoại như ChatGPT.

Baidu cho hay Ernie Bot là một "mô hình ngôn ngữ quy mô lớn". Ðiều khiến Ernie Bot khác biệt so với các mô hình ngôn ngữ khác là tích hợp được lượng kiến thức lớn với số dữ liệu khổng lồ, giúp nó có khả năng đọc hiểu xuất sắc. Baidu khẳng định, công cụ này có thể làm nhiều tác vụ, từ đọc hiểu ngôn ngữ, tạo ra văn bản đến chuyển văn bản thành hình ảnh.

Nhiều năm qua, Baidu đã đổ hàng tỉ USD vào nghiên cứu AI nhằm chuyển dịch từ online marketing sang các công nghệ có chiều sâu hơn. Hệ thống Ernie Bot là mô hình máy học quy mô lớn, được huấn luyện về dữ liệu suốt nhiều năm. Trong một bài phát biểu hồi đầu năm nay, Giám đốc công nghệ Baidu Haifeng Wang thậm chí còn nhấn mạnh tầm quan trọng của AI và cho biết đây hiện là "cốt lõi phát triển tiềm năng" của công ty.

OpenAl là một tổ chức nghiên cứu AI tư nhân được thành lập vào tháng 12-2015 bởi Sam Altman, Greg Brockman, llya Sutskever, Vojciech Zaremba và Elon Musk. OpenAl cũng đã thu hút vốn từ một số nhà đầu tư nổi tiếng như Reid Hoffman, Peter Thiel và Marc Andreessen. Tỉ phú Elon Musk, nhà sáng lập công ty vũ trụ SpaceX và xe điện Tesla, tin rằng việc hình thành OpenAl sẽ giúp phát triển và thúc đẩy công nghệ AI trở nên thân thiện và có trách nhiệm cho cộng đồng. Các nhà sáng lập nói chung tin rằng AI có tiềm năng giúp giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới hiện tại.

Đáng chú ý, các chuyên gia nhận định khoản đầu tư ban đầu của Tập đoàn công nghệ Microsoft vào OpenAl có thể đã giúp tạo ra đột phá. Microsoft lần đầu công bố “quan hệ đối tác chiến lược” với OpenAl vào năm 2019 bằng khoản đầu tư 1 tỉ USD. Sự hợp tác này có mục đích đưa các công nghệ AI tiên tiến của OpenAl lên nền tảng đám mây Azure của Microsoft, giúp các nhà phát triển và doanh nghiệp dễ dàng truy cập và sử dụng các mô hình cũng như công cụ AI của OpenAl. Gần đây, Microsoft đã công bố khoản đầu tư mới có thể lên đến 10 tỉ USD vào OpenAl.  

Chia sẻ bài viết