Các cấp, các ngành TP Cần Thơ đã và đang triển khai những giải pháp ứng dụng công nghệ đẩy nhanh việc xây dựng chính quyền số, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn những bất cập, vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp đột phá để tiếp tục xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong kỷ nguyên số.

Các cơ quan, đơn vị xử lý hồ sơ TTHC trên phần mềm, góp phần hiện đại hóa nền hành chính. Trong ảnh: Công chức Bộ phận Một cửa UBND phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, xử lý hồ sơ của người dân trên phần mềm.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Cùng với phát triển kinh tế số và xã hội số, chính quyền số được xác định là 1 trong 3 trụ cột ưu tiên hàng đầu của thành phố. Thực hiện mục tiêu này, cấp ủy, chính quyền luôn quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động chính quyền số. Theo đó, Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số (CÐS) TP Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. UBND thành phố đã ban hành nhiều kế hoạch, quyết định liên quan CÐS, trong đó đã phê duyệt đề án CÐS thành phố giai đoạn 2025-2030...
Theo ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, năm 2025, TP Cần Thơ phấn đấu thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh, Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công và thuộc nhóm các địa phương thực hiện CÐS tốt. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ tập trung phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước dựa trên môi trường số. Ðồng thời tiếp tục rà soát, cập nhật quy chế quản lý các hệ thống thông tin dùng chung, ban hành cơ chế, chính sách thuê chuyên gia, chính sách đối với Tổ Công nghệ số cộng đồng. Khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong việc tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ của các sở, ngành; kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi của địa phương có liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Ðối với xây dựng phát triển dữ liệu, vận hành Trung tâm điều hành đô thị thông minh, thành phố tiếp tục hoàn thiện hạ tầng số; vận hành hiệu quả nền tảng quy hoạch không gian, tăng cường phát triển dữ liệu dùng chung, dữ liệu mở.
Hoàn thiện các nền tảng số
TP Cần Thơ đã đầu tư, phát triển các nền tảng số phục vụ phát triển chính quyền số và người dân, doanh nghiệp như: nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP); kho dữ liệu dùng chung trong cơ quan nhà nước thành phố; nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; hệ thống quản lý văn bản và điều hành; hệ thống thư điện tử; hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức; nền tảng số hóa dữ liệu các ngành lĩnh vực (đất đai, tài chính, tư pháp, hộ tịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, lao động, việc làm); nền tảng họp trực tuyến; nền tảng giám sát trực tuyến phục vụ công tác quản lý nhà nước; nền tảng quy hoạch không gian TP Cần Thơ (SPP); hệ thống kho lưu trữ điện tử lịch sử đang được xây dựng. Ðến nay, hơn 95% cơ quan nhà nước cấp thành phố có công chức, viên chức chuyên trách và kiêm nhiệm về CÐS và an toàn thông tin mạng. Các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức hơn 10 lớp tập huấn về CÐS cho hơn 1.000 cán bộ, công chức, viên chức và thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng.
Theo bà Lê Xuân Hoa, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Cần Thơ, thành phố đang trong quá trình đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiến tới xây dựng mô hình thành phố thông minh, hướng tới chính quyền điện tử. Do đó, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa hoạt động trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, CÐS để giải quyết trực tuyến đối với các TTHC theo thẩm quyền, tiếp nhận và xử lý kịp thời các kiến nghị, vướng mắc về TTHC. Tiếp tục rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; thực hiện tái cấu trúc quy trình các TTHC, dịch vụ công đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết TTHC thành phố. Ðẩy mạnh việc mở rộng tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin. Việc này có thể xem là bước đầu để thành phố hướng đến thực hiện mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công một cấp của thành phố.
Tuy nhiên, công tác xây dựng chính quyền số vẫn còn một số tồn tại: hạ tầng, đường truyền chưa đáp ứng; cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Ngoài ra, một số sở, ngành chưa mạnh dạn đề xuất một số dự án về xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành mình; về nguồn nhân lực, chủ yếu vẫn còn kiêm nhiệm. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương và cơ sở dữ liệu quốc gia chưa thông suốt; nhiều dịch vụ công trực tuyến chất lượng thấp, tỷ lệ người sử dụng chưa cao. Ðây là những vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, góp phần thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền số một cách nhanh chóng và đồng bộ.
Bài, ảnh: QUỐC THÁI