31/07/2010 - 19:15

Thay đổi cách suy nghĩ để giảm stress

Theo các nghiên cứu mới về thần kinh và tâm lý học, chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc và mức độ lo lắng của mình nhiều hơn chúng ta tưởng. Phát hiện này có thể giúp hàng triệu người mắc những căn bệnh liên quan đến căng thẳng tinh thần (stress) chế ngự được tình trạng mệt mỏi quá độ.

Stress khởi nguồn từ cách chúng ta suy nghĩ và phản ứng lại với tác nhân kích thích bên ngoài, vì vậy người hay lo lắng sẽ phản ứng một cách hoảng sợ hơn so với người điềm tĩnh. “Phản ứng với tác nhân gây stress xuất phát từ một phần của vùng vỏ não trước trán, yếu tố quyết định chủ thể đương đầu hay lẩn trốn”, Don Goewy, tác giả quyển Mystic Cool (tạm dịch: Điềm tĩnh bí ẩn) nói về cách chế ngự stress, lý giải. Theo ông, não bộ không thể phân biệt được hiểm nguy có thực với hiểm nguy do chúng ta cảm nhận, vì vậy mức độ căng thẳng gia tăng khi ta đối mặt với cả hai. Ví dụ, chúng ta thường có tâm trạng lo lắng khi sếp gọi vào phòng làm việc.

 Thiền có thể giúp xoa dịu tâm trạng căng thẳng. Ảnh: healthandyogaguru.com

Ở hầu hết các loài động vật, trước nguy cơ nghiêm trọng, chúng phản ứng theo cách hoặc đối đầu hoặc chạy trốn, nhưng một khi nguy hiểm qua đi, hoạt động của não dịu lại và chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi. Ở người lại khác, chúng ta cảm nhận nguy cơ từ quá nhiều khía cạnh trong cuộc sống – từ chuyện đi làm trễ, kẹt xe đến các khoản phí sinh hoạt... với mức độ cảm xúc khác nhau – đến mức não bộ có thể rơi vào trạng thái bị kích thích quá độ bởi chu kỳ stress. Chính vì thế nhiều người thường sống trong tâm trạng cảnh giác cao độ hoặc lo lắng thường xuyên.

Tiến sĩ Robert Sapolsky ở Đại học Stanford và đồng nghiệp Robert Davidson ở Đại học Wisconsin, hai trong số ít chuyên gia thần kinh ở Mỹ nghiên cứu cách thức kiểm soát stress, cho rằng chúng ta có thể huấn luyện não bộ của mình cách chế ngự stress. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy não bộ của người trưởng thành có khả năng tạo ra những liên kết mới và hình thành những tế bào thần kinh mới, và quá trình này thậm chí kéo dài đến tuổi già. Theo Sapolsky và Davidson, học cách phản ứng mới đối với những hành vi cũ có thể giúp tái tạo các liên kết trong não bộ, qua đó giúp chúng ta phản ứng (với tác nhân gây stress) một cách điềm tĩnh hơn. Ví dụ, đối với người bị sang chấn tâm lý (tổn thương về mặt tinh thần) đã lâu, việc đến gặp bác sĩ để trị liệu giúp họ cảm thấy ngày một khá hơn vì trong quá trình điều trị, những liên kết thần kinh mới được hình thành. Và những liên kết mới này có thể kích thích não tiết ra nhiều dopamine – chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác thỏa mãn.

Nếu không có điều kiện trị liệu tâm lý, bạn có thể tự mình tập luyện cho não bằng nhiều cách khác. Các bài tập như ngồi thiền, tưởng tượng và tự thôi miên được cho có thể mang lại tâm trạng sáng suốt và bình tĩnh. “Hãy chọn một kiểu thiền mà bạn cảm thấy có thể giúp tập trung suy nghĩ về vấn đề mà mình gặp phải. Bằng cách này, bạn củng cố hoạt động của vùng vỏ não trước trán vốn có chức năng xoa dịu khu vực chất xám chi phối cảm giác sợ hãi, giận dữ, lo lắng”, Tiến sĩ Sapolsky nói. Ông cho biết thêm vùng não trước trán là phần não khiến bạn dừng lại, suy nghĩ và tìm giải pháp.

Theo chuyên gia Alvaro Fernandez, thành viên sáng lập Sharp Brain, công ty chuyên nghiên cứu sức khỏe não bộ, việc rèn luyện não mang lại hiệu quả giảm stress tức thời lẫn lâu dài. Tuy nhiên, bộ não buộc phải tiến hành một trong hai cách, đó là phớt lờ tác nhân gây stress hoặc nhận diện và khống chế cảm xúc khi chúng xuất hiện. Trong đó, phớt lờ là biện pháp dễ thực hiện nếu bạn biết rõ vấn đề. Chẳng hạn: khi bị stress do kẹt xe hoặc có mặt trên chuyến xe chật ních người, bạn có thể phớt lờ nó bằng cách từ từ nhắm mắt lại, hít một hơi thật sâu hoặc làm cách nào đó miễn sao duy trì nhịp tim bình thường và hơi thở đều đặn cho đến khi cơn stress qua đi.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Don Goewy đề nghị dùng biện pháp gọi là “nút xóa”. Bạn hãy tưởng tượng giữa lòng bàn tay trái có cái nút có chức năng làm cho tâm trạng lo lắng và căng thẳng của bạn dừng lại. Bạn dùng tay phải ấn vào cái nút ảo này, đếm 1,2,3 và buông ra. Đây có thể coi là liệu pháp tâm lý giúp xả stress. “Khi loại bỏ được tâm trạng căng thẳng, bạn có thể tìm ra những giải pháp tích cực cho vấn đề của mình”, Goewy giải thích.

Theo các chuyên gia, áp dụng những phương pháp vừa nêu, mọi người không chỉ có thể giảm stress mà còn có thể giải quyết êm xuôi những việc khiến bản thân lo sợ.

THANH TRÚC (Theo Forbes)

Chia sẻ bài viết