11/10/2008 - 09:33

Phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thảo luận và cho ý kiến về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội năm 2009

Sáng 10-10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009; về cơ chế khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập; về vấn đề quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt tình hình nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhận định, năm 2008, việc kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả bước đầu có ý nghĩa quan trọng. Tốc độ tăng giá tiêu dùng từ tháng 6 đã giảm dần. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng 0,18% là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm đến nay; dự kiến chỉ số giá tiêu dùng cả năm tăng khoảng 24%. Các cân đối vĩ mô như: ngân sách nhà nước, tiền tệ tín dụng, cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định. Dự trữ ngoại tệ tăng lên, nhập siêu giảm dần; các chỉ số về nợ nước ngoài đều trong giới hạn an toàn cho phép... Sản xuất kinh doanh tiếp tục phát triển, tăng trưởng kinh tế đạt mức khá cao. Dự kiến, GDP cả năm 2008 ước tăng 6,5-7% so với năm 2007. An sinh xã hội được bảo đảm; các hoạt động khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo và các lĩnh vực xã hội khác tiếp tục phát triển; công tác cải cách hành chính và phòng chống tham nhũng có chuyển biến; chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được bảo đảm...

Mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009 tiếp tục thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, phấn đấu đến năm 2010 đưa tốc độ lạm phát xuống một con số, từ đó ổn định dần kinh tế vĩ mô, bảo đảm tốt hơn an sinh xã hội; tạo mọi điều kiện để duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý bền vững; đẩy mạnh hợp tác và hội nhập kinh tế quốc tế một cách chủ động và có hiệu quả; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội. Nhiệm vụ trong năm 2009 về lĩnh vực kinh tế tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô, trước hết là chính sách tài chính, tiền tệ. Bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, các vật tư đầu vào quan trọng và hàng tiêu dùng thiết yếu. Đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và từng sản phẩm. Chú trọng phát triển nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), khuyến khích mạnh mẽ xuất khẩu, kiểm soát có hiệu quả việc nhập khẩu để giảm tỷ lệ nhập siêu... Nâng cao năng lực khoa học công nghệ ở trong nước đi đôi với tiếp thu, làm chủ, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương, đồng thời với việc triển khai thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội nhằm hỗ trợ cho người nghèo, người có thu nhập thấp....

Về một số nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách trong năm 2009 và hướng tới năm 2010 để thực hiện kế hoạch 5 năm (2006-2010), Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành và nhấn mạnh tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhưng linh hoạt, kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tổng dư nợ tín dụng nhưng phải phân bổ hợp lý tín dụng và bảo đảm tính thanh khoản và hoạt động lành mạnh của hệ thống ngân hàng; có phương án giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại... Tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, giảm bội chi ngân sách nhà nước; gắn kế hoạch đầu tư phát triển hàng năm với kế hoạch chi tiêu trung hạn để đầu tư tập trung, đồng bộ, có hiệu quả. Ủy ban Kinh tế đề nghị xem xét tính khả thi của việc thực hiện nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ trong năm 2009 là 30 nghìn tỉ đồng, tăng khoảng 9,4% so với kế hoạch đã điều chỉnh của năm 2008, trong khi nguồn vốn này trong 2 năm 2007, 2008 đều không thực hiện được kế hoạch đề ra. Mặt khác cần rà soát, cân nhắc việc thực hiện nguồn vốn đầu tư ở khu vực doanh nghiệp nhà nước khoảng 79 nghìn tỉ đồng, tăng 21,5% so với ước thực hiện năm 2008 (65 nghìn tỉ đồng) để tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện ngay từ đầu năm 2009 nhóm giải pháp về kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, không để tình trạng đầu tư tràn lan, không đúng với nhiệm vụ của các doanh nghiệp nhà nước như đã xảy ra trong những năm vừa qua.

QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết