(TTXVN)- Phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hóa XIII đã khai mạc sáng 12-8 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ phiên họp thứ 20 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và các phiên họp tiếp theo sẽ tập trung cho việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là kỳ họp giữa nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội với nhiều nội dung quan trọng, đưa ra các giải pháp để thúc đẩy kinh tế- xã hội, quốc phòng và an ninh
Tại phiên họp 20, Ủy ban thưởng vụ Quốc hội sẽ dành một ngày để cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; thảo luận 7 dự án luật, trong đó có 4 dự án luật Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến sau khi Quốc hội đã thảo luận; 3 dự án luật cho ý kiến lần đầu. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận cho ý kiến về Pháp lệnh cảnh sát cơ động và Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế và Nghị định về hoạt động kinh doanh casino sẽ được thảo luận tại phiên họp này.
Thực hiện chức năng giám sát, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe Đoàn giám sát báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tại phiên họp 20, dự kiến Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trả lời chất vấn của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan tới quản lý ngành. Ngoài các nội dung này, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng khác.
Ngay sau khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn chủ trì nội dung thảo luận về dự án Pháp lệnh cảnh sát cơ động.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ sự cần thiết ban hành Pháp lệnh bởi hiện nay tổ chức và hoạt động của lực lượng Cảnh sát vũ trang mới chỉ được quy định trong Nghị định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Công an, mà chưa có văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao quy định đầy đủ, toàn diện về xây dựng, tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của lực lượng Cảnh sát vũ trang.
Cơ quan thẩm tra Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá: việc xây dựng, ban hành Pháp lệnh này là cần thiết, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới.
Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh và nhấn mạnh việc xây dựng pháp lệnh phải quán triệt và thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng về xây dựng lực lượng Công an nhân dân nói chung, Cảnh sát vũ trang nói riêng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới; bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, nhất là Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và bảo đảm tính khả thi của Pháp lệnh.
Thảo luận về thời gian thông qua Pháp lệnh vẫn còn có những quan điểm khác nhau. Dự kiến Pháp lệnh được trình Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua tại phiên họp tháng 12/2013- trước khi Quốc hội thông qua Luật Công an nhân dân (sửa đổi). Tuy nhiên có ý kiến đề nghị cân nhắc thời điểm thông qua Pháp lệnh vì có nhiều quy định liên quan mật thiết với Luật Công an nhân dân, trong khi Luật Công an nhân dân đã được Quốc hội quyết định sửa đổi và dự kiến xem xét thông qua tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5-2014).
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận về tên gọi của dự án Pháp lệnh.
Tên gọi của dự án Pháp lệnh này là “Pháp lệnh Cảnh sát Cơ động”. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự án Pháp lệnh, Chính phủ nhận thấy, tên gọi “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” chỉ phản ánh được một phương thức hoạt động và một bộ phận trong cơ cấu tổ chức của lực lượng này. Chính phủ đề nghị thay tên gọi dự án “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động” bằng “Pháp lệnh Cảnh sát vũ trang” cho phù hợp.
Qua thảo luận, một số ý kiến không tán thành với lập luận này của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tán thành với quan điểm của đa số ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cơ quan tiến thành thẩm tra dự án Pháp lệnh. Theo đó vũ trang là tính chất hoạt động được xác định cho 3 lực lượng: quân đội nhân dân, công an nhân dân, dân quân tự vệ; trong đó công an nhân dân gồm lực lượng an ninh nhân dân và cảnh sát nhân dân. Nếu sử dụng tên gọi cảnh sát vũ trang sẽ dẫn đến cách hiểu không thống nhất về lực lượng vũ trang và cho rằng các lực lượng cảnh sát khác trong công an nhân dân là phi vũ trang. Bên cạnh đó, dùng tên gọi “cảnh sát vũ trang” chưa thể hiện đầy đủ tính chất, phương thức hoạt động, biện pháp công tác của lực lượng, chưa phải là tiêu chí để phân biệt lực lượng này với lực lượng trong công an nhân dân. Thực tế hoạt động, không chỉ lực lượng này mà nhiều lực lượng khác cùng sử dụng biện pháp vũ trang trong thi hành công vụ. Mặt khác tên gọi “cảnh sát cơ động” đã được sử dụng phổ biến và được quy định trong nhiều văn bản của Đảng và Nhà nước...
Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thảo luận nhiều nội dung cụ thể của dự thảo Pháp lệnh về nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ quyền hạn, xây dựng cảnh sát vũ trang; trang bị, chế độ chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ cảnh sát vũ trang...
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 20, chiều 12-8, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Dự án luật sẽ được trình Quốc hội khóa XIII thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị ban soạn thảo cần xác định rõ mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc của dự án luật cho phù hợp với tình hình phát triển của đất nước; nghiên cứu để quy định rõ ràng, hợp lý, tránh chồng chéo, bảo đảm thống nhất, phù hợp với các luật có liên quan. Đồng thời, ban soạn thảo cũng cần tiếp tục rà soát lại các quy định theo hướng hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải hướng dẫn chi tiết thi hành; đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi sau khi luật được ban hành.