23/08/2008 - 20:55

Tháo dỡ hay giữ lại cầu Cái Răng cũ?

Cầu Cái Răng hiện nay.

Cầu Cái Răng mới theo kế hoạch xây dựng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2009. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Ban Quản lý dự án khôi phục các cầu trên Quốc lộ 1 (giai đoạn 3) đoạn TP Cần Thơ – Cà Mau (PMU 18) đang chờ ý kiến của TP Cần Thơ có cần tháo dỡ hay giữ lại cầu Cái Răng (cũ) hiện hữu khi cầu mới hoàn thành đưa vào sử dụng? Vấn đề này đang nhận được nhiều ý kiến đóng góp khác nhau từ các ngành và đang được dư luận quan tâm…

GIỮ LẠI SẼ ĐƯỢC GÌ?

Cầu Cái Răng hiện hữu xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng khoảng đầu năm 1980, được thiết kế là cầu vĩnh cửu, hiện nay vẫn còn sử dụng khá tốt. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng cầu Cái Răng mới, PMU 18 có Công văn số 1913/PID3 (22-7-2008) về việc tháo dỡ cầu Cái Răng cũ thuộc dự án khôi phục các cầu trên tuyến quốc lộ này. Nếu TP Cần Thơ thống nhất tháo dỡ, thì kinh phí cho việc tháo dỡ này sẽ được bổ sung vào gói thầu của công trình cầu Cái Răng; còn giữ lại, sau này nếu tháo dỡ thì ngân sách địa phương tự cân đối. Trường hợp tháo dỡ thì sẽ triển khai sau khi cầu mới xây dựng xong đưa vào sử dụng.

Theo ý kiến của Sở Tài chính Vật giá thành phố, cần xem xét và phân tích giữa hiệu quả kinh tế – xã hội, kỹ thuật và mỹ quan đô thị. Nếu giữ lại cầu cũ mà không ảnh hưởng đến kỹ thuật, luồng tuyến giao thông, kết nối giao thông dân sinh hoặc có ảnh hưởng nhưng có phương án khắc phục thì nên giữ lại cầu cũ. Hiện nay giá trị khai thác của chiếc cầu này vẫn còn, đồng thời có thể chia sẻ giao thông trên tuyến khi cần thiết. Trước mắt nên giữ lại, về sau nếu cần thiết thì tháo dỡ. Theo ý kiến của lãnh đạo quận Cái Răng, nếu giữ lại cầu Cái Răng cũ khi cầu Cái Răng mới hoàn thành thì người dân phía quận Cái Răng sẽ rất đồng tình, vì sẽ thuận lợi cho việc qua lại, không phải mất thêm một đoạn chạy vòng nữa để lên cầu mới rồi mới qua sông được.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cũng cho rằng, nên giữ lại cầu Cái Răng cũ để tạo ra thêm một tuyến giao thông nữa phục vụ cho phương tiện có tải trọng nhỏ, sẽ giảm áp lực giao thông cho cầu chính. Đồng thời, giữ lại cầu Cái Răng cũ thì việc lưu thông của người dân từ hướng Tỉnh lộ 923 đến Cái Răng sẽ thuận tiện hơn, thay gì phải đi vòng vào đường gom dân sinh mới đi vào được cầu Cái Răng mới... Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn cho biết: “Kinh phí tháo dỡ cầu Cái Răng từ nguồn nào đi nữa (của Trung ương hay địa phương) cũng đều do nhân dân đóng góp. Trong khi đó, hiện nay chiếc cầu này vẫn còn đủ chất lượng để sử dụng, thì giữ lại để sử dụng, khi nào không thể sử dụng nữa mới tháo dỡ...”.

THÁO DỠ SẼ ĐƯỢC GÌ?

Ông Nguyễn Quốc Cường, Đồng Giám đốc Dự án khôi phục các cầu trên Quốc lộ 1 (giai đoạn 3) đoạn TP Cần Thơ – Cà Mau, cho biết: Dự án này có tổng cộng 16 cầu được đầu tư xây dựng mới, đương nhiên những cầu phải bắc lại ngay vị trí cũ (như cầu Đầu Sấu) buộc phải tháo dỡ ngay. Nhưng sau khi tham khảo ý kiến các địa phương còn lại thì không có nơi nào xin giữ lại cầu cũ, bởi tháo dỡ sẽ mang lại bộ mặt mỹ quan đô thị ở những nơi đó khang trang hơn và việc điều tiết giao thông sẽ thuận lợi hơn...

Theo PMU 18, thiết kế của cầu Cái Răng mới có tĩnh không thông thuyền như sau: chiều rộng là 90m, đỉnh cầu cao nhất là15,24m; trong khi cầu Cái Răng cũ chỉ rộng khoảng 60m, đỉnh cầu cao nhất chỉ có 9,36m. Như vậy, chỉ tính riêng chiều cao (đỉnh cầu) mới đã cao hơn cầu cũ gần 6m, chiều ngang rộng gần gấp đôi. Nếu để tồn tại 2 cầu song song, thì các phương tiện giao thông thủy buộc phải tuân thủ theo quy cách của chiếc cầu cũ, trong khi sông Cái Răng cũng được xếp là tuyến giao thông quốc gia. Đồng thời, theo thiết kế của cầu Cái Răng mới, thì cầu sẽ dài tới 446m (cả 2 dốc), nên ngay điểm giao ngã tư đường Võ Tánh (vào chợ thường kẹt xe ách tắc giao thông) sẽ nằm phía dưới dạ cầu Cái Răng mới (chiều cao 6m), hai bên đường dẫn sẽ thiết kế đường dân sinh rộng 4m. Phía bờ An Bình (Ninh Kiều) vào Tỉnh lộ 923 cũng thiết kế đồng bộ như nhau. Chính vì vậy, khi tháo dỡ cầu Cái Răng cũ sẽ rất thuận lợi trong việc điều tiết, quản lý giao thông ở 2 điểm nóng này hiệu quả hơn. Trường hợp để 2 cầu tồn tại song song, có nghĩa là ngã tư chân cầu giao nhau với đường Võ Tánh vẫn tồn tại, như vậy phải có cách điều tiết giao thông sao cho phù hợp cũng không phải là chuyện nhỏ...

Ông Đinh Văn Thảo, Phó Gám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, cũng đề xuất phương án nên tháo dỡ cầu Cái Răng cũ khi cầu mới hoàn thành. Bởi làm như thế, hàng năm ngân sách địa phương không phải tốn kém cho việc duy tu sửa chữa, đặc biệt sẽ tạo được cảnh quan đô thị thông thoáng hơn. “Cầu Cái Răng mới là cầu vĩnh cửu, thiết kế hiện đại, đã dự phòng được cho lưu lượng xe cộ lưu thông trong tương lai, nên nếu để cầu cũ tồn tại, thì trong 5 hay 10 năm nữa cũng phải tính đến chuyện tháo dỡ. Như vậy, vừa phải tốn thêm chi phí quản lý, bảo dưỡng...” – ông Thảo nói. Còn Viện trưởng Viện kiến trúc Quy hoạch TP Cần Thơ Trần Văn An cho biết: Khi đường Nam sông Hậu, cầu Cần Thơ hoàn thành, thì cầu Cái Răng mới chỉ phục vụ giao thông cho nội ô thành phố. Đường Nguyễn Văn Cừ – Mỹ Khánh (Phong Điền) hoàn thành, thì Tỉnh lộ 932 chỉ còn là tuyến đường phụ, do đó áp lực giao thông trên cầu Cái Răng sẽ không lớn như hiện nay. Chính vì vậy, cần xem xét phương án tháo dỡ cầu Cái Răng hiện hữu khi cầu Cái Răng mới hoàn thành, vừa thuận lợi cho việc điều tiết giao thông, vừa tạo vẻ mỹ quan đô thị đẹp hơn.

AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết