29/12/2019 - 07:10

Thành quả và kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý tài nguyên nước 

Cùng với áp lực từ gia tăng dân số, tăng trưởng kinh tế và nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao, tài nguyên nước có nguy cơ cạn kiệt. Những áp lực này sẽ tạo nên các yếu tố kém bền vững cho phát triển nếu tài nguyên nước không được quản lý một cách thống nhất và được chia sẻ, khai thác một cách hợp lý, hiệu quả.

Từ những dự án khả thi

Gần hai thập kỷ kể từ khi được thành lập vào năm 1995, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã gặp phải một số thách thức trong vai trò của một tổ chức lưu vực sông quốc tế. Với nhịp độ phát triển tài nguyên nước nhanh chóng trong lưu vực, đặc biệt là các vấn đề liên quan tới phát triển thủy điện trên dòng chính và nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, Ủy hội sông Mekong quốc tế đã thực hiện mọi nỗ lực để vừa “Đáp ứng được nhu cầu mà vẫn giữ sự cân bằng” trong lưu vực Mekong.

Trong khoảng thời gian từ 2000-2008, Ủy hội đã thực hiện Chương trình Sử dụng nước (WUP) qua đó đã xây dựng các mô hình lưu vực, các thủ tục và các hướng dẫn kỹ thuật để thực hiện Hiệp định Mekong 1995. Việc thực hiện các thủ tục và các  hướng dẫn kỹ thuật thời gian này như là các công cụ hướng tới việc áp dụng quản lý tổng hợp tài nguyên nước và là một ưu tiên đối với Ủy hội sông Mekong quốc tế. Vì thế, từ năm 2009, một dự án mới là Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong (M-IWRMP) đã được thành lập nhằm kế thừa kết quả của Chương trình Sử dụng nước và giúp giải quyết những thách thức trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở hạ lưu vực Mekong trong một khuôn khổ toàn diện hơn.

Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong trực tiếp hỗ trợ cho các định hướng chiến lược của Ủy hội sông Mekong quốc tế, hỗ trợ các quốc gia thành viên thực hiện các phương pháp quản lý tổng hợp trong quản lý tài nguyên nước và các ngành liên quan tại các quốc gia hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và công bằng trên quy mô toàn lưu vực. Dự án cũng hỗ trợ và cung cấp dữ liệu cho Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước của Uỷ hội. Dự án được xây dựng dựa trên 3 hợp phần chính, gồm Hợp phần vùng nhằm cung cấp khung hỗ trợ hợp tác vùng thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở hạ lưu vực sông Mekong; Hợp phần xuyên biên giới nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong thực hiện quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới; và Hợp phần quốc gia do các quốc gia thành viên Ủy hội quản lý nhằm thực hiện nhằm tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại từng quốc gia

Thời gian vừa qua, Dự án quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong đã tạo điều kiện về mặt kỹ thuật cho việc thực hiện các Thủ tục pháp lý của Ủy hội, đặc biệt là việc lần đầu tiên thực hiện quá trình tham vấn của Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận đối với một đề xuất xây dựng công trình thủy điện dòng chính sông Mekong. Bên cạnh đó, Dự án cũng hỗ trợ việc thực hiện hợp tác thực hiện quản lý tài nguyên nước xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên, trong đó có 2 dự án giữa Việt Nam và Campuchia về quản lý tổng hợp tài nguyên nước xuyên biên giới tại lưu vực sông Se San và Đồng bằng châu thổ Mekong.

Tại Việt Nam, với mục tiêu nhằm tăng cường thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên nước ở hạ lưu vực sông Mekong phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững, một Dự án Hỗ trợ Kỹ thuật chuẩn bị dự án “Quản lý Tổng hợp Tài nguyên nước Mekong” đang được thực hiện nhằm Hỗ trợ xây dựng thể chế trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc thành lập Tổ chức lưu vực sông ở Tây Nguyên; và Tăng cường mạng lưới giám sát tài nguyên nước vùng xuyên biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào.

Cần những dự án khả thi để thúc đẩy nỗ lực đảm bảo nguồn nước cho sinh hoạt, canh tác trên lưu vực sông Mekong. Trong ảnh: Tuyến kinh Bảy Xã - nơi lũ về sớm nhất ở An Giang nhưng năm qua thấp thỏm vì đã hết tháng 7 mà nước vẫn thấp hơn mặt ruộng phía trên rất nhiều. Ảnh: Bình Nguyên

Đến cơ chế hợp tác hiệu quả

Như đã đề cập, Việt Nam là thành viên của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) được thành lâp̣ trên cở sở Hiêp̣ định về hơp̣ tác phát triển bền vững lưu vưc̣ sông Mekong năm 1995 (gọi tắt là Hiệp định Mekong 1995), đánh dấu sự thống nhất giữa các quốc gia thành viên trong việc thành lập một cơ quan chung để điều hành, quản lý và giám sát việc khai thác chung sông Mekong. Đây là khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc hợp tác khai thác chung tài nguyên nước sông Mekong nhằm thực hiện mục đích hợp tác và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong với mục tiêu cơ bản là hợp tác nhằm “phát triển mọi tiềm năng vì lợi ích bền vững của tất cả các quốc gia ven sông Mekong và ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước trong lưu vưc̣ sông Mekong”.

Việt Nam cũng là một trong những nước tham gia soạn thảo và ký kết những văn kiện liên quan đến sông Mekong như: Tuyên bố chung về nguyên tắc sử duṇg nước ở ha ̣lưu vực sông Mekong 1975 (gọi tắt là Tuyên bố chung 1975) mà mục tiêu của bản Tuyên bố chung năm 1975 về nguyên tắc sử dụng nước là: “Bảo đảm sao cho viêc̣ duy trì, phát triển và khai thác tài nguyên nước của lưu vực được tiến hành tốt nhất vì lợi ích của tất cả các quốc gia trong lưu vực ”; Tuyên bố Hua Hin 2010, khẳng  định môṭ cách rõ ràng tầm nhìn hiện tại của lưu vực sông Mekong: "Một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội và lành mạnh về môi trường”.

Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia và thúc đẩy nội dung về bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước trong các cơ chế hợp tác khu vực liên quan. Trong khuôn khổ hợp tác Mekong-Lan Thương, Việt Nam chủ động đưa nội dung hợp tác về nguồn nước thành một trong những lĩnh vực ưu tiên tại cơ chế hợp tác này; tích cực thúc đẩy hoạt động của Nhóm công tác nguồn nước và việc thành lập Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mekong-Lan Thương tại Trung Quốc.

Trong quá trình trao đổi về các dự án thủy điện dòng chính Mekong, là quốc gia hạ lưu, Việt Nam đã yêu cầu các quốc gia thượng lưu tuân thủ các quy định của Hiệp định Mekong và các văn bản liên quan. Trong khuôn khổ Ủy hội sông Mekong, Việt Nam đã phối hợp với các nước thành viên thúc đẩy để lần đầu tiên Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mekong ra được Tuyên bố về quá trình Tham vấn trước đối với dự án thủy điện Pak Beng (Lào). Tuyên bố với nội dung chính là kêu gọi Chính phủ Lào xử lý các tác động xuyên biên giới của Dự án và nhất trí xây dựng một Kế hoạch hành động chung.

Việc ra Tuyên bố chung về dự án thủy điện Pak Beng được các chuyên gia xem là một thành công lớn, trong đó có vai trò tích cực của Việt Nam. Lần đầu tiên, các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mekong quốc tế tế đã đạt được sự đồng thuận trong tham vấn cho một công trình dòng chính. Tuyên bố chung này không chỉ đạt được sự đồng thuận đối với riêng dự án Pak Beng mà còn mở ra các cơ chế vùng về phối hợp trao đổi thông tin, quan trắc giám sát và xây dựng quy chế vận hành liên hồ cho tất cả các công trình thủy điện dòng chính Mekong.

Việt Nam cũng đã chủ động phối hợp triển khai các nghiên cứu đánh giá tác động của thủy điện dòng chính như nghiên cứu của Ủy ban sông Mekong Việt Nam (có mời chuyên gia của Lào và Campuchia tham gia) có tên là “Nghiên cứu đánh giá tác động của các công trình thủy điện dòng chính Mekong đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”; nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong có tên là "Nghiên cứu chung về phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong, bao gồm cả các tác động của thủy điện dòng chính" hoàn thành vào cuối năm 2017.

Mô hình dự án đập thủy điện Pak Beng trên dòng chính sông Mekong thuộc lãnh thổ Lào. Ảnh: Pak Beng Hydropower Project

Các hoạt động tham vấn của Việt Nam về Dự án thủy điện Luang Prabang do Bộ Tài nguyên & Môi trường và Ủy ban sông Mekong Việt Nam chủ trì được thực hiện từ tháng 10-2019 đến tháng 4-2020, bao gồm: đánh giá tác động sơ bộ của Dự án thủy điện Luang Prabang, đặc biệt là các tác động xuyên biên giới có thể ảnh hưởng đến Việt Nam trên cơ sở tài liệu kỹ thuật về Dự án Luang Prabang do Lào nộp và Báo cáo kỹ thuật do Ban Thư ký Ủy hội và các chuyên gia quốc tế chuẩn bị; tổ chức các hội thảo tham vấn quốc gia; chuẩn bị ý kiến của Việt Nam trong tham gia tham vấn vùng và Phiên họp Ủy ban Liên hợp của Ủy hội sông Mekong quốc tế.


HỒ NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết