* Gia Bảo
(Xem Bài 1: Sức bật của một đô thị vùng
Bài 2: Những thách thức phải vượt qua)
Bài 3: Khai thác tốt các chính sách đòn bẩy để mở rộng đường băng cất cánh
Ngày 20-3-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 366/2009/QĐ-TTg (gọi tắt QĐ 366) về việc ban hành kế hoạch triển khai tiếp tục thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng TP Cần Thơ giai đoạn 2009- 2015. Theo đó, tập trung xây dựng và phát triển TP Cần Thơ trở thành thành phố Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cấp quốc gia, là đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020. Quyết định 366 ban hành kèm với kế hoạch, chỉ tiêu phát triển cụ thể và Thủ tướng Chính phủ cũng đồng thời giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành Trung ương phối hợp với TP Cần Thơ triển khai thực hiện. Đây tiếp tục là “đòn bẩy” trợ lực để thành phố cất cánh, dù hành trình đến đích sẽ phải đối mặt với không ít khó khăn
Đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng cơ sở
 |
Trường Đại học Cần Thơ sẽ trở thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành, tạo điều kiện đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho vùng ĐBSCL. (Trong Ảnh: Sinh viên đang học tập tại Trung tâm học liệu của Trường đại học Cần Thơ).
Ảnh: THU HÀ |
Theo QĐ 366, giai đoạn 2006 -2010, tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố đạt 80.000 tỉ đồng; bình quân khoảng 14.000 tỉ đồng/năm, tăng 27%/năm, trong đó vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 3,28%. Trong 3 năm qua (2006- 2008), tổng vốn đầu tư toàn xã hội của thành phố trên 34.891 tỉ đồng.
QĐ 366 xác định: “TP Cần Thơ là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng ĐBSCL”. Giai đoạn 2009- 2015, Cần Thơ có 66 danh mục dự án ưu tiên đầu tư, trong đó 20 dự án do Trung ương quản lý. Để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư, thành phố cần phải có giải pháp huy động vốn tích cực và phát huy nội lực là chủ yếu, đồng thời tăng cường huy động từ các thành phần kinh tế, nguồn FDI... Ưu tiên sử dụng vốn từ quỹ đất để phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng công nghiệp. Thành phố đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn phân bổ từ Trung ương. Song, nguồn vốn này hiện chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư của thành phố.
Thông tin từ Sở Kế hoạch- Đầu tư, thành phố hiện có 44 dự án (giao thông, đường ô tô đến trung tâm xã, thủy lợi, trường học, y tế...) sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), với tổng mức đầu tư trên 5.068 tỉ đồng. Trong khi nguồn vốn TPCP bổ sung cho thành phố giai đoạn 2006 -2010 chỉ hơn 1.935 tỉ đồng, chiếm 38% tổng mức đầu tư các dự án. Đến cuối tháng 3- 2009, tổng vốn đã giải ngân trên 1.114 tỉ đồng; chiếm 57,5% vốn TPCP phân bổ, riêng các công trình giao thông hơn 1.028 tỉ đồng. Ông Võ Thành Sang, Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư, cho biết: “Tổng vốn TPCP phân bổ cho thành phố cả giai đoạn 2006- 2010 hiện còn hơn 820,6 tỉ đồng (trong đó, ngành giao thông trên 690,1 tỉ đồng). Số vốn này không đủ thực hiện các công trình, dự án trong những tháng còn lại của năm 2009”. Theo ông Sang, Chính phủ đã có Công văn số 2092/TTg-KTN (ngày 2-12-2008) cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với một số gói thầu còn lại thuộc dự án đường Mậu Thân- sân bay Trà Nóc và tuyến đường nối thị xã Vị Thanh với TP Cần Thơ; đồng thời Công văn 147/TTg-KTN của Chính phủ bổ sung cầu Rạch Ngỗng vào dự án tuyến đường Mậu Thân- sân bay Trà Nóc nên tiến độ triển khai và giải ngân 2 dự án này rất lớn trong năm 2009. Trong khi đó, nguồn vốn TPCP Trung ương duyệt năm 2009 và tính cả vốn còn lại của năm 2008 để đầu tư cho các dự án đường ô tô đến trung tâm xã, công trình giao thông cho TP Cần Thơ chỉ đáp ứng được 32% tổng nhu cầu. Thành phố đã có văn bản xin Trung ương bổ sung thêm vốn TPCP năm 2009 để đầu tư cho công trình giao thông và đường ô tô đến trung tâm xã trên 1.681 tỉ đồng.
Ngoài 44 dự án giai đoạn 2006 -2010 sử dụng vốn TPCP, thành phố đã có văn bản đề nghị bổ sung thêm 33 dự án vào danh mục, tổng mức đầu tư hơn 3.509 tỉ đồng. Trong đó, 4 dự án giao thông qui mô lớn (2.458 tỉ đồng) như: mở rộng quốc lộ 91 (đoạn ngã tư bến xe- Trà Nóc), mở rộng đường Quang Trung- Cái Cui, đường Nguyễn Văn Cừ nối dài... Mặt khác, những công trình dự án về giao thông, hạ tầng do Trung ương và thành phố quản lý đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn khẳng định: “Hiện các tiêu chí của đô thị loại I, TP Cần Thơ đã đạt, hy vọng sẽ được công nhận vào cuối năm 2009. Ngay từ đầu năm, các công trình giao thông sử dụng nguồn vốn TPCP đã được chú trọng triển khai. Tiến độ giải ngân trong quí II/2009 sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, thành phố đang khẩn trương qui hoạch 3 KCN vừa được Chính phủ phê duyệt để đến năm 2010 có 1.600 ha đất sạch cho nhà đầu tư”. Chủ tịch Trần Thanh Mẫn yêu cầu các sở, ngành tiến hành rà soát các thủ tục đầu tư để giải quyết vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ. Mặt khác, thanh tra, kiểm tra năng lực của nhà đầu tư (tài chính và quản lý) để đôn đốc triển khai nhanh các dự án đã được phê duyệt.
Đổi mới tư duy để thích ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững
 |
Giờ thực hành của lớp sửa chữa ô tô tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Nông nghiệp Nam bộ. Ảnh: LG |
Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư- thương mại- du lịch TP Cần Thơ Nguyễn Trường Đảnh cho rằng: “Với vai trò là trung tâm, TP Cần Thơ cần phải khác so với các địa phương khác: chọn sản phẩm đặc thù và có chiến lược phát triển. Không thể “lúa- cá” mãi mà phải tính đến chuyện thu gom những sản phẩm này từ các địa phương trong vùng để tinh chế ra sản phẩm cao cấp hơn. Điều này đòi hỏi sự chủ động đổi mới công nghệ từ phía DN và thành phố cần có chính sách khuyến khích cụ thể. Ngoài ra, Cần Thơ có 60 km là bờ sông với 5 cồn nằm trên chiều dài sông Hậu. Nên chăng xây dựng những khu nghỉ dưỡng cho cả du khách ĐBSCL, quốc tế”. Theo ông Đảnh, không thể đào ao nuôi cá mãi để phá hoại môi trường sông Hậu. Trung tâm đang đề nghị thành phố cho thành lập quỹ xúc tiến đầu tư thuộc trung tâm. Có được quỹ này, trung tâm sẽ chủ động xã hội hóa xúc tiến đầu tư, kêu gọi DN, ngân hàng, tập đoàn kinh tế... đầu tư vào quỹ này để tạo sức bật mới cho thành phố.
Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, việc ban hành chính sách ưu đãi đầu tư riêng của thành phố đã được các sở, ngành tính toán 2 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa ra đời. Trước đây, TP Cần Thơ nằm trong các tỉnh, thành bị Trung ương “huýt còi” vì ban hành chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư như: miễn, giảm tiền thuê đất, thuế doanh nghiệp... trong KCN vượt khung so với qui định của Chính phủ. Do đó, thành phố phải năng động và có giải pháp huy động nguồn lực dài hơi. Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, đề xuất: “Để đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp, thành phố cần qui hoạch các trung tâm- cụm công nghiệp trực thuộc quận, huyện để thu hút DN vừa và nhỏ. Còn KCN tập trung do thành phố quản lý thì phát triển theo cơ chế thị trường, mời gọi nhà đầu tư có năng lực đầu tư hạ tầng KCN. Việc mời gọi đầu tư phải có kế hoạch cụ thể, không làm theo phong trào. Trong qúi I/2009, Ban quản lý đã có hoạt động xúc tiến ở Mỹ và đã mời gọi nhà đầu tư Trường Cơ khí Kỹ thuật cao tại KCN Trà Nóc, dự kiến khởi công trong quí II-2009”. Hiện nay, thành phố đã qui hoạch 6 cụm công nghiệp, trong đó đã qui hoạch chi tiết 4 cụm công nghiệp, các cụm công nghiệp đóng vai trò vệ tinh cho KCN trong phát triển, đồng thời tiếp nhận dự án sản xuất di dời từ các khu dân cư, khu đô thị.
Ngoài ra, TP Cần Thơ đang triển khai Chương trình phát triển NNCNC- một trong 2 chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp thành phố đến năm 2010 và tầm nhìn 2020. Các nhà khoa học cho rằng, đây là giải pháp hiệu quả để giải quyết vấn đề nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông nghiệp đang có xu hướng dôi dư ngày càng nhiều do quá trình đô thị hóa. Mặt khác, trong tương lai, diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm và việc đầu tư công nghệ để tăng thu nhập trên diện tích canh tác rất cần thiết, đồng thời thể hiện vai trò của thành phố trung tâm để cung cấp dịch vụ NNCNC cho toàn vùng ĐBSCL. TP Cần Thơ có quỹ đất- Công ty nông nghiệp Cờ Đỏ và Sông Hậu rất lý tưởng trong ứng dụng sản xuất NNCNC mà không nơi nào có được.
Bên cạnh những chính sách phát triển cho từng ngành, lĩnh vực, thành phố đang nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thu hút đầu tư với kế hoạch khá chi tiết. Điều này thể hiện sự quyết tâm làm mới chính mình của thành phố. Trong đó, việc công khai, minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục và nâng cao ý thức của cán bộ phục vụ trong bộ máy hành chính công được chú trọng thực hiện. Mới đây, UBND TP Cần Thơ đã có cuộc họp với các ngành chức năng để chuẩn bị cho việc ban hành Chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư tại thành phố và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Tuấn Anh khẳng định: “Cải thiện môi trường đâu tư là mục tiêu chiến lược và lâu dài của thành phố nhằm hướng đến sự phát triển bền vững về kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội”. Còn tiến sĩ Nguyễn Huỳnh Thanh, Viện phó Viện Kinh tế- Xã hội Cần Thơ, đề xuất: “Với vai trò trung tâm vùng, Cần Thơ có thể xây dựng đề án đào tạo 500 giám đốc DN cho giai đoạn từ nay đến 2010 để cung ứng cho cả vùng. Xây dựng vườn ươm DN và có chính sách thu hút nguồn nhân lực hợp lý”...
Năm 2010, cầu Cần Thơ hoàn thành, sân bay Cần Thơ mở đường bay quốc tế, các tuyến quốc lộ quan trọng qua địa bàn thành phố, đường nội ô kết nối đô thị Nam Cần Thơ, hạ tầng các KCN hoàn thành; Trường Đại học Cần Thơ trở thành trường Đại học trọng điểm quốc gia theo hướng phát triển đa ngành, cùng Trường Đại học quốc tế chất lượng cao... sẽ mở ra cho Cần Thơ nhiều tiềm năng phát triển, để trở thành một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo QĐ 366 đến năm 2010:
-GDP bình quân đạt 15,9%/năm. Trong đó, tăng trưởng của ngành dịch vụ đạt khoảng 15,8%/năm; công nghiệp - xây dựng 20,6%/năm; nông - lâm - ngư nghiệp 3,6%/năm.
- Cơ cấu kinh tế: dịch vụ chiếm 45,59%, công nghiệp xây dựng 40,77%, nông lâm ngư nghiệp 13,64%.
- Bình quân đầu người đạt 1.767 USD.
- Kim ngạch xuất khẩu khoảng 940 triệu USD.
- Thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.200 tỉ đồng, trong đó thu nội địa tăng bình quân trên 15%/năm.
-Giải quyết việc làm cho trên 43.000 lao động/năm. Lao động qua đào tạo đạt trên 40%. Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị giảm còn dưới 3%.
Giai đoạn 2011 2015:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 17,1%/năm.
- Cơ cấu kinh tế đến năm 2015: dịch vụ chiếm 42,32%; công nghiệp - xây dựng 51,35%; nông - lâm - ngư nghiệp 6,33%.
-Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 19,69%/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,389 tỉ USD vào năm 2015.
-Tổng vốn đầu tư xã hội khoảng 158.465 tỉ đồng.
-Lao động qua đào tạo ở các trình độ đạt 45%. |