28/04/2009 - 07:53

Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị

Thành phố Cần Thơ - Nhìn lại một chặng đường phát triển

* Gia Bảo

(Xem Bài 1: Sức bật của một đô thị vùng)

BÀI 2: Những thách thức phải vượt qua

Sự kiện Cần Thơ được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương có ý nghĩa rất quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển kinh tế của toàn vùng. Song, do xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, qui mô nền kinh tế nhỏ, nên trong quá trình phát triển, thành phố đã bộc lộ nhiều hạn chế. Đặc biệt, là thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút đầu tư chưa đủ mạnh, nhất là những dự án công nghiệp công nghệ cao. Do vậy, để vươn lên xứng tầm, TP Cần Thơ cần chủ động tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập...

Bất cập trong định hướng phát triển...

Cần Thơ là một trong những địa phương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hoạt động sớm nhất với tên gọi Meko, đồng thời KCN Trà Nóc I cũng nằm trong số KCN thành lập sớm nhất vùng ĐBSCL (năm 1995). Tuy nhiên, việc thu hút dự án FDI của thành phố còn nhiều hạn chế, nhất là dự án có hàm lượng công nghệ cao. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công Thương (cuối tháng 3-2009), Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Thanh Mẫn, nói: “Năm 2020, Cần Thơ sẽ là thành phố công nghiệp, nhưng công nghiệp công nghệ cao (CNCNC) chỉ mới đếm trên đầu ngón tay; sản phẩm công nghiệp chủ lực, thương hiệu mạnh khiêm tốn và chưa phát triển. Hằng năm, DN thành phố xuất khẩu 1 triệu tấn hàng hóa thông qua cảng TP Hồ Chí Minh, do cảng Cần Thơ chưa đáp ứng nhu cầu bởi luồng Định An chưa khai thông để tàu thuyền tải trọng lớn ra vào. Bình quân, cứ 1 tấn hàng hóa DN tốn thêm 10 USD chi phí vận chuyển, điều này cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của DN”.

Cọc, ống bê tông dự ứng lực của Công ty TNHH SX-KD-TM Tân Thuận Thành hiện chiếm lĩnh thị trường ĐBSCL. Ảnh: P.T.H 

Theo đánh giá của các vụ, cục thuộc Bộ Công Thương, hiện tại mạng lưới thương mại của TP Cần Thơ chưa phát triển tương xứng với vai trò trung tâm vùng, còn xét về sản xuất công nghiệp, thành phố đứng đầu, nhưng chưa tạo được hướng đi riêng với dòng sản phẩm chủ lực. Do vậy, để trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020 là việc không dễ dàng. Bởi hiện DN công nghiệp dân doanh chiếm hơn 60% giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố và đây là thành phần dễ “tổn thương” khi biến động về thị trường. Qua sơ kết 4 năm thực hiện NQ 45, thành phố đã nêu ra nhiều yếu kém như: thu hút vốn FDI chậm, công tác xã hội hóa trong đầu tư yếu, chưa có kênh huy động vốn phong phú và hiệu quả, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa chưa đạt mục tiêu đề ra, đô thị hóa chậm, môi trường đầu tư kém hấp dẫn, kết cấu hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ...

Bài toán nan giải về đất sạch, môi trường và nông nghiệp công nghệ cao

Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch TP Cần Thơ Nguyễn Trường Đảnh bức xúc: “Lực cản trong hoạt động xúc tiến đầu tư hiện nay của thành phố là thiếu chính sách ưu đãi, cơ chế đặc thù riêng dành cho đô thị cần phát triển nhanh. Thiếu dự án tầm cỡ, có sức lan tỏa cả vùng và thiếu đất sạch, nguồn nhân lực chất lượng cao...”. Theo ông Đảnh, giai đoạn 2008- 2010, trong 29 danh mục dự án kêu gọi đầu tư, nếu mời gọi được hết trong năm 2009 này, thành phố cũng không đủ khả năng cung cấp “đất sạch” kịp thời khi nhà đầu tư cần triển khai ngay dự án. Từ năm 2008 đến nay, rất nhiều đoàn DN đến thành phố khảo sát để tìm “đất sạch” từ 1- 2 ha xây dựng cao ốc văn phòng, Trung tâm Logistic... đành ra về do những khu đất “vàng” dọc theo sông Hậu đã nhường chỗ cho những KCN, khu đô thị...

Cũng phải thừa nhận rằng, công tác qui hoạch phát triển khu- cụm công nghiệp của thành phố chưa theo sát nhu cầu thực tiễn. Không có quỹ đất công để phát triển công nghiệp dẫn đến tình trạng thiếu “đất sạch” cho nhà đầu tư và trong cơn “khát” đầu tư rất dễ “hứng” ngành công nghiệp ô nhiễm. Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) đang là vấn đề nan giải của thành phố, nhiều dự án triển khai chậm do vướng GPMB, TĐC. Ngoài ra, năng lực của một số nhà thầu hạn chế về tài chính và khả năng quản lý cũng làm chậm tiến độ triển khai dự án đầu tư.

Hiện KCN Trà Nóc I và II đã lấp đầy, trong khi KCN Hưng Phú I và II khoảng 480 ha, nhưng mới GPMB được 30%, KCN Thốt Nốt 150 ha đã triển khai 110 ha, còn 40 ha đang GPMB... Trưởng Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp (BQL KCX&CN) Cần Thơ Võ Thanh Hùng cho biết: “Trong quí I-2009, các KCN thêm 16 dự án mới và 4 dự án mở rộng, vốn khoảng 124 triệu USD. Có lẽ đến cuối năm 2009 sẽ không có thêm dự án mới, do “đất sạch” không còn. Chúng tôi đang tập trung đầu tư hạ tầng KCN Hưng Phú I, hy vọng từ nay đến cuối năm sẽ có thêm 35 ha “đất sạch” nhưng cũng chưa thấm vào đâu so với nhu cầu”. Theo ông Hùng, nếu không giải quyết bài toán “đất sạch” thì cũng chẳng thể mời gọi đầu tư. Trong khi để có 1 ha đất công nghiệp phải mất 5 tỉ đồng... bài toán này làm nhiều DN ngán ngại!

Theo các chuyên gia, trong 5 năm nữa, công nghiệp chế biến vẫn đóng vai trò chủ lực trong sản xuất công nghiệp của thành phố. Bởi muốn mời gọi dự án CNCNC, thì điều kiện là công nghiệp phụ trợ của thành phố phải phát triển. Nhưng trên địa bàn chỉ có một vài DN tư nhân làm sản phẩm phụ trợ, do đầu tư nhiều rủi ro. Ngoài ra, do điều kiện về hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu. Trong số 134/ 184 dự án đang hoạt động tại các KCN tập trung đa phần hoạt động trên lĩnh vực chế biến thủy- hải sản đông lạnh, gạo... Thêm vào đó, KCN chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung đã làm phát sinh nhiều bất cập về môi trường. Theo phân tích của ông Nguyễn Trường Đảnh, Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư- Thương mại- Du lịch Cần Thơ, mời nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung không khó, nhưng cái khó là lấy nguồn kinh phí nào để chi trả cho đơn vị này khi vận hành nhà máy. Ngân sách thành phố không kham nổi, bởi chi phí vận hành nhà máy rất tốn kém do sử dụng toàn những hóa chất đắt tiền, nhất là việc xử lý nước thải của ngành thủy sản, dệt nhuộm... Còn kêu gọi DN đang hoạt động trong KCN đóng khoản chi phí này, thì bao nhiêu DN đồng ý tham gia? Rất nhiều vấn đề tưởng chừng như đơn giản, nhưng lại không dễ thực hiện. Dù đã có dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Trà Nóc với kinh phí hàng triệu Euro, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành hồ sơ, thủ tục liên quan.

  Ngành nông nghiệp thành phố đang triển khai chương trình nông nghiệp công nghệ cao. (Trong ảnh: Trồng dưa lê bằng màng phủ tại HTX rau an toàn Long Tuyền).

Còn trên lĩnh vực nông nghiệp, giai đoạn 2006-2010, nhu cầu vốn đầu tư cho toàn ngành khoảng 2.822 tỉ đồng, nhưng mức đầu tư từ ngân sách đang giảm dần (giảm 1%, xuống còn 8,2% so với giai đoạn 2000- 2005). Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp huy động từ xã hội ngày càng giảm. Trong tình hình khó khăn hiện nay, nguồn kinh phí đầu tư cho nông nghiệp từ ngân sách thành phố cũng bị cắt giảm tối đa. Song song đó, tinh giảm cán bộ quản lý mà công việc đòi hỏi cao hơn theo chiến lược phát triển NNCNC sẽ gây khó khăn cho ngành”. Hiện nay, tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm hơn 16% trong GDP thành phố nhưng đất nông nghiệp chiếm 84% diện tích đất tự nhiên, hơn 50% dân số và gần 47% lao động đang sống và làm việc có thu nhập chủ yếu từ khu vực kinh tế nông nghiệp- nông thôn. Thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị, nhiệm vụ của ngành nông nghiệp là “qui hoạch nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ NNCNC, coi trọng phát triển công nghệ sinh học và tạo giống mới; xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản...”. Tuy nhiên, theo qui hoạch sử dụng đất của thành phố đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp sẽ giảm khoảng 7.000 ha, nhiều nhất ở vùng đất ven sông Hậu, ven đô thị. Do vậy, sản xuất nông nghiệp của TP Cần Thơ phải chuyển hướng đầu tư để tạo ra các sản phẩm hàng hóa vừa đa dạng về chủng loại, vừa có chất lượng và sức cạnh tranh cao, nhưng điều đó chắc hẳn không dễ dàng gì.

Hụt hẫng nguồn nhân lực chất lượng cao

TP Cần Thơ có các viện, trường đóng trên địa bàn là lợi thế rất lớn trong việc hợp tác trên lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Song, như các tỉnh khác, TP Cần Thơ cũng vừa thừa- vừa thiếu nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ có trình độ kỹ thuật, tay nghề cao. Theo ông Nguyễn Hữu Đệ, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Cần Thơ, chính sách và mức lương không phải là nhân tố quyết định giữ chân người lao động, nhất là lao động bậc cao mà môi trường làm việc mới là yếu tố quan trọng. Nguồn nhân lực chất lượng cao là nền tảng quan trọng để thành phố mời gọi những dự án CNCNC phục vụ tiến trình chuyển lên thành phố công nghiệp hiện đại.

Theo thống kê, 3 năm qua (2006- 2008), thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 123.000 lao động, tăng bình quân 11,2%/năm. Đến năm 2008, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chỉ hơn 35%. Đơn cử các KCN Cần Thơ hiện có 32.898 lao động đang làm việc, nhưng theo thống kê của BQL KCX&CN Cần Thơ, trong số này chỉ gần 8% lao động có trình độ đại học, lao động phổ thông đến 82%, khoảng 10% là lao động trung cấp. Ông Đặng Xuân Trường, Tổng Giám đốc Công ty TNHH SXKD-TM Tân Thuận Thành (KCN Trà Nóc)- chuyên sản xuất ống bê tông dự ứng lực, sản phẩm cơ khí, gạch... bức xúc: “Thủ tục hành chính ở TP Cần Thơ tương đối thoáng, nhưng tôi ngại nhất là đội ngũ lao động. Khi thành lập DN, tuyển dụng rất khó, nhất là công nhân cơ khí bậc cao, kỹ sư cơ khí lại càng khó. Thêm vào đó, tác phong công nghiệp của lao động, nhất là lao động từ trung cấp trở xuống rất kém và ít có chí tiến thủ, đến tháng lĩnh lương xong là rủ rê tiệc tùng, chuyện ngày mai không quan tâm”. Đồng tình với quan điểm này, ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền Nam (KCN Trà Nóc II) cho biết, công ty hoạt động trên lĩnh vực chế biến thủy sản, nên tuyển phần lớn lao động phổ thông. Song, cũng không dễ dàng trong tuyển dụng, có trường hợp lao động không chịu ký hợp đồng để dễ chuyển sang đơn vị khác khi được đào tạo lành nghề, gây tốn kém không nhỏ cho DN.

Sự thiếu- thừa nguồn nhân lực còn thể hiện trên mối quan hệ cung- cầu vẫn chưa gặp nhau. Chất lượng đào tạo chưa theo kịp nhu cầu phát triển của DN, nên DN phải tự đào tạo công nhân để đáp ứng nhu cầu công việc. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, mối quan hệ giữa cơ quan đào tạo và DN còn lơi lỏng, thiếu ràng buộc trách nhiệm. DN đổ lỗi cho cơ quan đào tạo và ngược lại. Bà Nguyễn Mỹ Loan, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Cần Thơ, nói: “Học sinh tốt nghiệp của trường trên 84% có việc làm. Thời gian qua, cũng có DN gởi thông báo tuyển dụng lao động đến trường, nhưng số lượng này không nhiều”. Theo bà Loan, phải nhìn nhận rằng, DN ở Cần Thơ đa phần là DN vừa và nhỏ, việc hoạch định chiến lược phát triển chưa cụ thể nên cũng khó mà đặt hàng với cơ quan đào tạo theo kế hoạch 2-3 năm... Hiện nay, trường có 8 nghề bậc cao đẳng và 6 nghề trung cấp, đa phần là lĩnh vực thuộc khối công nghiệp (cơ khí, điện tử, công nghệ...) việc đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu giảng dạy cũng rất khó khăn. Theo kế hoạch, trường sẽ có 10.000 học sinh nghề bậc cao đẳng vào năm 2010, hiện trường có 1.400 học sinh hệ chính qui bậc trung học và cao đẳng...

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 366/2009/QĐ-TTg tiếp tục xây dựng TP Cần Thơ giai đoạn 2009 -2015 theo NQ 45 của Bộ Chính trị. Đây tiếp tục là đòn bẩy để Cần Thơ khẳng định vai trò trung tâm động lực của toàn vùng và thúc đẩy tiến trình hòa nhập vào sự phát triển chung của cả nước.

--------------------

Kỳ cuối: Khai thác tốt các chính sách đòn bẩy để mở rộng đường băng cất cánh

Chia sẻ bài viết