20/09/2020 - 06:46

Thạnh Lộc chung sức giảm nghèo 

Đảng ủy, chính quyền địa phương xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện các chính sách trợ giúp, đẩy mạnh vận động xã hội hóa chăm lo hộ nghèo, cận nghèo. Thạnh Lộc phấn đấu cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,87%, còn 0,22%; tỷ lệ hộ cận nghèo  giảm 0,81%, còn 7,36%.

Tổ hợp tác đan dây nhựa góp phần tạo việc làm, thu nhập lúc nông nhàn cho nhiều phụ nữ.

Tổ hợp tác đan dây nhựa góp phần tạo việc làm, thu nhập lúc nông nhàn cho nhiều phụ nữ.

Trong căn nhà Đại đoàn kết còn thơm mùi vôi mới, vợ chồng anh Lê Ngọc Vũ và chị Lê Thị Đua, hộ nghèo ở ấp Tân Thạnh, vừa đi làm mướn về, đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Anh Vũ kể: “Lúc trước, nhà lá hư dột, ẩm thấp. Mỗi lần mưa gió, vợ chồng tôi luôn lo lắng nhà bị sập. Khi được xã hỗ trợ 40 triệu đồng cất nhà mới, gia đình tôi góp 30 triệu đồng để căn nhà vững chắc hơn. Tuy cuộc sống còn khó khăn nhưng vợ chồng tôi an tâm làm ăn để chăm lo các con học hành đến nơi đến chốn”. Anh Vũ làm mướn, bốc vác, chị Đua làm cỏ, cắt lúa, tiền công nhật 180.000 đồng/người nhưng làm theo thời vụ nên thu nhập không ổn định. Lúc rảnh, anh Vũ chịu khó đi bắt cá, tép bán kiếm thêm thu nhập.

Gần 2 năm nay, hằng ngày, tại nhà chị Nguyễn Thùy Nương, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan dây nhựa ấp Thắng Lợi, nhiều chị em đến giao thành phẩm, nhận nguyên liệu về nhà gia công. Mấy năm trước, chị Nương tham gia lớp nghề đan dây nhựa tổ chức tại xã. Năm 2018, chị Nương chủ động hợp đồng gia công sản phẩm dây nhựa với Công ty TNHH Sản xuất thương mại và xuất nhập khẩu Phúc Gia Hưng (huyện Vĩnh Thạnh). Chị Nương cho biết: “Lúc mới thành lập mô hình có 5 chị, giờ trên 50 chị trong ấp tham gia. Hầu hết chị em làm mướn, mua bán nhỏ, tranh thủ lúc nông nhàn nhận gia công sản phẩm, thu nhập từ 100.000-150.000 đồng/ngày/người. Nghề này dễ học, dễ làm, cần nhất sự chịu khó, tỉ mỉ, thành phẩm đạt yêu cầu”. Theo chị Ngô Thị Diệu Yên, lúc trước, vợ chồng chị làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập cũng khá. Do gia cảnh, vợ chồng chị nghỉ làm về quê chăm sóc mẹ già. Chồng chị làm tại nhà máy xay xát, còn chị học nghề đan dây nhựa và gia công sản phẩm, kiếm 100.000-120.000 đồng/ngày. “Chúng tôi an tâm ổn định việc làm tại quê nhà” - chị Diệu Yên nói.           

Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, cho biết: Từ đầu năm, xã rà soát, phân loại 35 hộ nghèo để tìm cách hỗ trợ. Đối với hai nhóm hộ có và chưa có khả năng thoát nghèo, xã đề xuất trợ giúp kịp thời về nhà ở, vốn vay, nước sạch. Đồng thời, phân công cán bộ đoàn thể xã giúp đỡ các hộ nghèo tìm kiếm việc làm, vận dụng vốn vay phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Từ đầu năm đến nay, bên cạnh chi trợ cấp Tết Nguyên đán cho hộ nghèo, xã vận động 605 phần quà (trị giá 400.000-600.000 đồng/phần) cho hộ cận nghèo, khó khăn; cấp 1.004 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo; hỗ trợ 7,956 triệu đồng tiền điện cho 26 hộ nghèo; vận động nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 4 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo. Chung tay phòng, chống dịch COVID-19, toàn xã có 84 người nghèo và 1.054 người cận nghèo được hỗ trợ 853,5 triệu đồng. Dịp khai giảng năm học 2020-2021, xã Thạnh Lộc đã tiếp nhận quà của các ngành, các cấp và vận động hỗ trợ học sinh nghèo, khó khăn, tổng trị giá 31,769 triệu đồng.

Hiện nay, các hội, đoàn thể xã quản lý trên 22,596 tỉ đồng vốn vay ưu đãi đối với hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giúp phát triển sản xuất, mua bán nhỏ. Trong đó, Hội Nông dân xã quản lý trên 12,449 tỉ đồng, lồng ghép chương trình khuyến nông tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt. Bên cạnh đó, xã quan tâm công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; phối hợp tư vấn, giới thiệu khoảng 300 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở trong và ngoài huyện. 

Bên cạnh những kết quả khả quan, quá trình thực hiện giảm nghèo của xã Thạnh Lộc còn một số hạn chế. Đa số hộ nghèo thuộc đối tượng người già neo đơn, bảo trợ xã hội, không đất sản xuất, trình độ học vấn thấp. Ngoài ra, một bộ phận hộ nghèo còn có tư tưởng trông chờ các chính sách trợ giúp của Nhà nước, thiếu ý chí vươn lên thoát nghèo. Theo ông Nguyễn Văn Thành, từ nay đến cuối năm, xã phát huy mạnh mẽ tính dân chủ, công khai trong hoạt động giảm nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động thoát nghèo của người dân. Cùng với kịp thời trợ giúp hộ nghèo tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, xã tăng cường công tác khuyến nông, khuyến công, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo sử dụng hợp lý vốn vay, tổ chức sản xuất, quản lý chi tiêu gia đình; xây dựng, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, giúp hộ nghèo, cận nghèo tham gia sản xuất để tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm làm ăn của nông dân nòng cốt. Xã quan tâm phát huy hiệu quả chính sách trợ giúp và đẩy mạnh xã hội hóa..., để chăm lo tốt hơn đời sống hộ nghèo, cận nghèo.

Bài, ảnh: ANH PHƯƠNG

Chia sẻ bài viết