12/04/2023 - 14:02

Thanh khoản ngân hàng tiếp tục duy trì trạng thái tốt 

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II-2023 và cả năm 2023, có 88,7% tổ chức tín dụng (TCTD) kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2022. Đồng thời kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn.

Các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn. Ảnh: G.B

Thanh khoản cải thiện

Theo Vụ Dự báo, Thống kê (NHNN), kết quả điều tra xu hướng kinh doanh, các TCTD nhận định thanh khoản hệ thống ngân hàng quý I-2023 duy trì ở trạng thái “tốt” và đã có sự cải thiện rõ rệt so với quý IV-2022. Các TCTD cũng dự báo, thanh khoán quý II vả cả năm 2023 sẽ cải thiện hơn so với năm 2022. Các TCTD cũng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý II; trong đó, nhu cầu vay vốn được kỳ vọng “tăng” nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.  

Ở kỳ điều tra trước, các TCTD dự kiến tăng lãi suất biên trong quý I-2023 (có 32,7% dự kiến tăng), nhưng kết quả điều tra kỳ này cho thấy kết quả trái ngược, các TCTD vẫn giữ ổn định lãi suất biên và phí dịch vụ trong quý I. Theo đó, các TCTD dự báo mặt bằng lãi suất tăng nhẹ trong quý I và cả năm 2023 ở kỳ điều tra trước; nhưng trong khi kỳ điều tra này, các TCTD kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm nhẹ 0,08-0,1 điểm phần trăm trong quý II và giảm nhẹ 0,19-0,34 điểm phần trăm trong cả năm 2023.

Từ đầu tháng 3-2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành 2 lần, mức giảm từ 0,5-1%/năm/lần điều chỉnh để các TCTD có điều kiện giảm chi phí, nhằm giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. Và cũng từ đầu tháng 3-2023, một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn hạn; đồng thời đưa ra các gói tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp, giảm nhẹ lãi suất cho vay với khoản vay mới. Việc giảm lãi suất cho vay là điều kiện để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, viễn cảnh kinh tế toàn cầu các năm 2023-2024 có nhiều trở ngại, lạm phát tiếp tục ở mức cao và các quốc gia phát triển vẫn tiếp tục thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát cho đến giữa năm 2023. Những diễn biến gần đây cho thấy rằng, những bất ổn của tài chính toàn cầu, cùng với sự sụp đổ của một số ngân hàng trên thế giới có thể sẽ tác động đến điều hành chính sách tiền tệ trong nước.

Trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2023 mới đây, theo lãnh đạo NHNN, lạm phát quý I vẫn ở mức cao, chính sách tiền tệ của các quốc gia đã điều chỉnh giảm bớt sự thận trọng, nhưng vẫn đang theo hướng kiểm soát lạm phát. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cầu tiêu dùng trong nước và thị trường xuất khẩu, nên chính sách điều hành tiền tệ ngoài thận trọng, linh hoạt còn phải bám sát biến động về sự dịch chuyển dòng tiền giữa các quốc gia.

Lo ngại viễn cảnh bất định

Trong quý I-2023, các TCTD tiếp tục đánh giá các nhân tố nội tại và khách quan có tác động tích cực giúp cải thiện tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng. “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của đơn vị” cùng với “Điều kiện kinh doanh và tài chính của khách hàng” được kỳ vọng là những nhân tố khách quan quan trọng nhất giúp “cải thiện” tình hình kinh doanh của TCTD trong quý I-2023 và cả năm 2023.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các TCTD quý II-2023, về mặt bằng rủi ro (MBRR) tổng thể của các nhóm khách hàng được các TCTD nhận định tiếp tục tăng nhẹ trong quý I-2023 và dự báo xu hướng tăng nhẹ trong năm 2023 nhưng tốc độ tăng kỳ vọng chậm lại so với các năm trước. Trong đó, 36,5% TCTD dự báo MBRR “ổn định”, 21,2% dự báo “giảm” và 42,3% TCTD dự báo mức độ rủi ro chung của các nhóm khách hàng “tăng” trong năm 2023 so với năm 2022. Trong đó, cần quan tâm nhóm công ty cổ phần, TNHH, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Với những khó khăn của nền kinh tế hiện tại, huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý II-2023 và tăng 9,2% trong năm 2023 (điều chỉnh giảm nhẹ so với mức kỳ vọng 10% tại kỳ điều tra trước). Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4% trong quý II và tăng 13,1% trong năm 2023 (điều chỉnh giảm 0,6 điểm phần trăm so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước).

Cũng tại cuộc điều tra này, các TCTD nhận định “tăng nhẹ” tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý I nhưng kỳ vọng sẽ cải thiện hơn trong quý II-2023. Theo kết quả điều tra, tình hình kinh doanh của hệ thống ngân hàng, 66,7-79,6% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý II và cả năm 2023; 88,7% TCTD kỳ vọng lợi nhuận trong năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022 (thấp hơn tỷ lệ 95,3% ở kỳ trước). Bên cạnh đó, vẫn có 5,7% TCTD lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2023 và 5,7% TCTD ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Báo cáo điểm lại tháng 3-2023 của Ngân hàng Thế giới cũng nhận định về các viễn cảnh tài chính, tiền tệ của Việt Nam. Các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, cho rằng, tiếp sau những biện pháp thắt chặt các năm trước, chính sách tiền tệ cũng cần tiếp tục mục tiêu cân bằng lạm phát, ổn định tài chính và tăng trưởng. Nếu lạm phát cơ bản và toàn phần tiếp tục gia tăng, công tác phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ trở nên hết sức cần thiết. Trong bối cảnh đó, NHNN có thể cần tiếp tục thắt chặt tiền tệ để giảm áp lực lạm phát thông qua tiếp tục tăng lãi suất, nhưng tiếp tục tăng lãi suất có thể làm trầm trọng hơn các điểm yếu hiện có trong lĩnh vực tài chính. Do đó, việc duy trì tính thanh khoản cần thiết hỗ trợ các thị trường vốn chính là tối quan trọng để tránh lạm phát bùng lên.

Theo các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới, nhìn ra bên ngoài, viễn cảnh chính sách tiền tệ tiếp tục bị thắt chặt, nhất là ở Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển, có thể làm cho suy giảm kinh tế toàn cầu trở nên trầm trọng hơn, khiến dòng vốn đầu tư tiếp tục rút khỏi các quốc gia thị trường mới nổi, bao gồm cả Việt Nam. Các cấp có thẩm quyền cần điều chỉnh cách thức can thiệp tỷ giá để tránh hao hụt dự trữ, qua các phương án nhằm nâng cao độ linh hoạt của tỷ giá và tiếp tục thắt chặt thanh khoản trong nước. Trong 3 phương án trên, phương án tăng nhịp độ hạ tỷ giá trung tâm để đối phó với áp lực neo danh nghĩa cần được cân nhắc. Song song với các bước đó là nhu cầu các quyết định chính sách tiền tệ cần được truyền thông rõ ràng và mang tính dự báo để làm giảm bất định và xáo trộn trên thị trường tài chính, qua đó giúp neo kỳ vọng lạm phát…

Tính đến cuối tháng 3-2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tăng 2,06% so với cuối năm 2022. Trong khi mục tiêu đề ra của NHNN tăng trưởng tín dụng năm 2023 tăng 14-15% và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trưởng. Như vậy, dư địa tăng trưởng tín dụng còn rất nhiều, nhưng còn thuộc năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết