13/08/2008 - 22:42

Tháng tám trên quê hương Bác Tôn

Những ngày trung tuần tháng tám, trong không khí tưng bừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng tôi trở về cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên). Chiếc phà Ô Môi vừa cập bến, hình ảnh một cù lao xanh biếc, những con đường nhựa thẳng tắp hiện ra trước mắt. Cù lao Ông Hổ đang khoác lên mình chiếc áo mới, mà bên trong nó là sự thịnh vượng, sung túc của xứ cù lao nằm giữa sông Hậu này.

ĐỔI THAY TRÊN XỨ CÙ LAO

Đã 71 tuổi, cũng ngần ấy thời gian chú Đỗ Văn Trư (Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Mỹ Hòa Hưng) lớn lên trên đất cù lao. Chú là một trong số ít những bậc cao niên từng chứng kiến những thăng trầm xứ cù lao này. Chú nhớ lại: “Chỉ 15 năm trước, khi lên khỏi bến phà Ô Môi là đụng phải những con đường sinh lầy, đi lại khó khăn. Đêm đến cả cù lao tối om vì không có điện. Còn giờ đường nhựa thẳng tắp, xe 4 bánh có thể đi về các ấp. Bà con hăng hái lao động giúp nhau thoát nghèo làm cho vùng đất này ngày một trù phú”. Để chứng minh lời mình, chú Trư đưa chúng tôi về ấp Mỹ An II. Đây là một ấp trung tâm của cù lao Ông Hổ. Nơi đây, ngày xưa sản xuất kém phát triển, đời sống khó khăn, nhưng giờ đã xuất hiện những mô hình sản xuất hiệu quả, như: vườn cây ăn trái, rau an toàn... cho thu nhập rất cao. Chính sự phát triển kinh tế từng hộ gia đình đã giúp cho bộ mặt nông thôn tại đây thay đổi toàn diện. Con đường về Mỹ An giờ đã được nhựa hóa rất kiên cố, hai bên là hàng rào dâm bụt xanh mát, xen lẫn giữa màu xanh là những ngôi nhà ngói khá khang trang. Chú Đỗ Văn Trư cho biết: “Từ khi có chủ trương “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, bà con tại Mỹ An II đã chung tay xây dựng quê hương giúp cho nơi đây ngày càng sung túc, ấm no”.

Đền thờ Chủ tịch Tôn Đức Thắng. 

Khi kinh tế ổn định, người dân Mỹ An II không chỉ nghĩ đến bản thân mà còn tập trung xây dựng một xã hội văn hóa, có tính cộng đồng cao như hoạt động giúp nhau thoát nghèo, mô hình bồ lúa tình thương của chú Nguyễn Văn Thương... có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn. Anh Huỳnh Văn Cường, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Mỹ An II, tự hào: “Mấy năm nay, bà con trong ấp làm ăn khá giả, đời sống được nâng cao nên mạnh dạn đề xuất cũng như đóng góp để xây dựng Mỹ An II thành ấp tiên tiến. Toàn ấp có 804 hộ thì đã có 639 hộ được công nhận gia đình văn hóa”. Không dừng lại ở đó, bà con trong ấp còn biết khai thác tiềm năng du lịch để làm giàu bằng cách duy trì những ngôi nhà sàn truyền thống phục vụ du lịch cộng đồng khi khách đến tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Đến nay, ấp đã có một nhà du lịch cộng đồng, 3 ngôi nhà do các công ty lữ hành An Giang đầu tư và 11 ngôi nhà sàn của bà con sẵn sàng phục vụ du lịch nghỉ dưỡng cùng nhiều vườn trái cây sinh thái.

Có thể nói, Mỹ An II là hình ảnh tiêu biểu cho sự thay đổi của xứ cù lao này. Vì tại các ấp khác như Mỹ An, Mỹ Hiệp, Mỹ Long 2... đến đâu cũng thấy nhà ngói, vườn cây ăn trái, đường nhựa... Ông Lê Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, nói: “Trong 2 năm qua, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, toàn xã đã thực hiện 21 công trình xây dựng cơ bản trị giá trên 18 tỉ đồng. Những công trình này giúp cho cơ sở hạ tầng cù lao ngày một hoàn thiện hơn, tạo điều kiện phát triển các mặt đời sống của nhân dân, tạo động lực để xây dựng quê hương”.

CHUNG TAY XÂY DỰNG CÙ LAO

Giờ đây, đến cù lao Ông Hổ, ở đâu cũng nghe bà con bàn chuyện làm ăn. Con cá, vườn cây, vườn rau... là những chủ đề nóng bỏng được mang ra bàn bạc đầu tiên. Bà con kể về những triệu phú nông dân, những người đã trải qua thời cơ cực để rồi vươn lên làm giàu. Anh Trần Văn Tầm, ấp Mỹ An II, là một ví dụ. Ngồi bên vườn xoài cát đang độ cho trái, anh Tầm Kể: “Hơn 15 năm trước, gia đình tôi phải chạy gạo từng bữa, sản xuất thì vụ trúng, vụ thất nên cực khổ lắm. Nhưng đã là con em quê hương Bác Tôn thì phải sống thế nào cho xứng đáng. Vậy là tôi lao vào lao động, tích góp. Nếu mình giàu thì sẽ có cơ hội để giúp người khác cùng giàu”. Sau nhiều năm lao động tích góp, anh Tầm mua được khoảng 1ha đất sản xuất. Nhờ áp dụng mô hình trồng rau an toàn, làm lúa chất lượng cao mà gia đình anh ngày càng khấm khá, hằng năm, thu nhập hơn 100 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, anh quyết định dành 5 công để làm vườn cây ăn trái. Vậy là sau 4 năm, anh đã có một vườn xoài bắt đầu cho trái. Anh Tầm tâm sự: “Cũng nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất của địa phương, cùng với việc triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất giúp cho bà con nông dân luôn đạt hiệu quả kinh tế cao”.

Cũng xuất thân từ nghèo khó, bà Huỳnh Thị Tuyết, ấp Mỹ An, cũng là một điển hình tiêu biểu cho ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống tại cù lao Ông Hổ. Bà Tuyết cho biết: “Tôi một mình nuôi 3 con và có thời gian nhà cửa bị sạt lở phải di dời. Qua tìm hiểu các cách làm ăn, tôi quyết định chọn nghề ươm cây màu giống là phù hợp”. Với số vốn chỉ khoảng ba triệu đồng, bà Tuyết chịu khó học hỏi kinh nghiệm ươm các loại giống màu, như: bầu, bí, cải, cà phổi, đu đủ... trong sách báo nên chẳng mấy chốc bà đã thành thạo nghề. Bà lại chịu khó đi “tiếp thị” tại các hộ làm rẫy nên đơn đặt hàng cứ ngày một tăng lên, không chỉ trong xã mà còn sang các địa phương khác. Nhờ đó, gia đình bà có việc làm quanh năm. Sau 10 năm ươm cây giống, nhờ chịu khó và tiết kiệm bà Tuyết đã tích lũy mua được 7.000m2 đất lúa 3 vụ và còn thuê thêm 8.000m2 đất lúa để sản xuất, nên thu nhập gia đình trên 100 triệu đồng/năm.

 Đường giao thông trên quê hương Bác Tôn.

Giờ đây, tại cù lao Ông Hổ, chuyện nông dân thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm không còn là chuyện hiếm. Theo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng ủy xã Mỹ Hòa Hưng, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ cho thấy: Bình quân 1 ha đất sản xuất trên địa bàn xã đạt giá trị 117 triệu đồng/năm. Kết quả này chứng minh những mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi ở vùng cù lao Ông Hổ đã và đang tạo ra bước nhảy vọt về thu nhập cho nông dân, từ đó thúc đẩy kinh tế- xã hội của xã phát triển toàn diện hơn. Ông Lê Văn Lắm, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Sự năng động và nhạy bén trong sản xuất, kinh doanh đã giúp nhiều hộ thoát nghèo vươn lên khá giàu. Đặc biệt là 120 nông dân giỏi 3 cấp được công nhận trên địa bàn xã Mỹ Hòa Hưng đã và đang là lực lượng nòng cốt và nhân rộng ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa, trồng màu, chăn nuôi của địa phương”.

Kinh tế phát triển, đời sống được nâng lên, người dân tại cù lao Ông Hổ tích cực đóng góp sức mình xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn. Trong đó, việc giúp nhau thoát nghèo, tương trợ nhau trong hoàn cảnh khó khăn luôn được bà con trên cù lao thực hiện rất tốt. Như mô hình bồ lúa tình thương do chú Nguyễn Văn Thương và nhiều bậc cao niên khác vận động hình thành để giúp người nghèo. Mô hình này đã được duy trì 10 năm nay là hình ảnh tiêu biểu cho tình người trên cù lao Ông Hổ. Chú Đỗ Văn Trư cho biết: “Bồ lúa lúc nào cũng được các mạnh thường quân đóng góp duy trì từ 200 đến 300 giạ lúa để giúp những hộ nghèo trong vùng. Nhờ đó mà nhiều hộ bị mất mùa, thiếu ăn qua khỏi giai đoạn thắt ngặt”.

Là những người dân sống trên quê hương của Bác Tôn ai cũng tự hào và ý thức được trách nhiệm cùng xây dựng quê hương. Khi đời sống kinh tế ổn định, bà con đã chăm lo phát triển các mặt văn hóa khác. Trong đó việc xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa được xem là một phần trong việc xây dựng quê hương Bác Tôn. Sau nhiều năm, phát động xây dựng đời sống văn hóa, đến nay, toàn xã có 3.522 gia đình văn hóa, 8 ấp văn hóa và 1 ấp tiên tiến, đồng thời nhiều năm liền Mỹ Hòa Hưng giữ vững xã danh hiệu xã văn hóa. Ông Ngô Công Danh, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Hòa Hưng, cho biết: “Những thành công đó là nền tảng để địa phương tiếp tục phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất và phát triển văn hóa - xã hội rộng khắp trong thời gian tới đây. Tất cả người dân Mỹ Hòa Hưng cùng chung sức để xây dựng quê hương Bác Tôn ngày càng giàu đẹp”.

Tháng tám này, người dân cù lao Ông Hổ tưng bừng tổ chức kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn. Mỗi người dân trên cù lao Ông Hổ đều tự hào và có cách riêng để tri ân công lao của Bác Tôn đóng góp cho quê hương, đất nước. Chú Nguyễn Văn Thương, ấp Mỹ An II, cho biết: “Bà con trên cù lao này rất vinh dự là những người con của quê hương Bác Tôn. Chúng tôi phải sống thế nào cho xứng đáng với vinh dự đó. Hằng năm, gia đình tôi đều tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Người, nhưng năm nay là 120 năm nên sẽ làm lớn hơn. Các con tôi đã chuẩn bị làm cổng hoa, treo cờ, để cùng chính quyền tổ chức ngày sinh Người thật ý nghĩa”. Còn ông Nguyễn Văn Tri, Trưởng BQL Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cho biết: “Kỷ niệm 120 năm ngày sinh Bác Tôn năm nay, tỉnh An Giang đã đầu tư hơn 10 tỉ đồng để thực hiện 20 hạng mục công trình trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới tại khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong đó có mô hình nhà làm việc của Bác Tôn tại chiến khu Việt Bắc, trùng tu sửa chữa nhà trưng bày, xây dựng nhà nghỉ mát phục vụ khách tham quan, xây dựng hàng rào... Các công trình đã hoàn thành giúp người dân khi đến tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng sẽ hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Người. Đồng thời, nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan du lịch và giáo dục truyền thống hết sức ý nghĩa đối với thế hệ mai sau”.

Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN

Chia sẻ bài viết