17/05/2015 - 08:40

THÁNG NĂM, VỀ TRƯỜNG DỤC THANH

Nhớ thầy Nguyễn Tất Thành

XUÂN NHI

Tháng năm vào hè, hoa phượng đỏ rực trên những con đường của Phan Thiết. Chúng tôi đổ dốc cầu Phan Thiết, đi ngược về mé hữu ngạn sông Cà Ty đến trường Dục Thanh- nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành, tức Chủ tịch Hồ Chí Minh, từng dạy học trong khoảng thời gian 1910-1911.

Khu di tích Trường Dục Thanh tọa lạc tại số 39 Trưng Nhị, phường Đức Nghĩa, thành phố Phan Thiết. Trường được xây dựng năm 1907. Ý nghĩa của tên Trường Dục Thanh là "Giáo dục thế hệ thanh thiếu niên thức dậy ý thức dân tộc", được xem là ngôi trường tiến bộ vang danh khắp nơi. Tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành được ông Nghè Trương Gia Mô- vốn là bạn đồng liêu cũ của cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Bác Hồ) - giới thiệu đến Phan Thiết dạy học tại trường Dục Thanh. Thầy Nguyễn Tất Thành dạy lớp nhì, chủ yếu là dạy chữ Quốc ngữ và Hán văn, ngoài ra, còn kiêm nhiệm dạy môn thể dục. Trong những giờ học ngoại khóa hay những lúc rảnh, thầy Nguyễn Tất Thành còn dẫn học sinh du ngoạn cảnh đẹp ở Phan Thiết như bãi biển Thương Chánh, động làng Thiềng, ?ình làng Đức Nghĩa… Thầy giáo Thành đã để lại tình cảm yêu thương, quyến luyến của các đồng nghiệp, học sinh và nhân dân Bình Thuận trong những ngày lưu lại đây.

Trường Dục Thanh.

Ngày nay, du khách đến tham quan Trường Dục Thanh sẽ được chiêm ngưỡng ngôi trường được phục dựng từ nguyên bản của ngôi trường cũ – vốn bị thời gian tàn phá. Nhà Ngư, Ngọa Du Sào, cây khế Bác Hồ, giếng nước với cảnh quan được bố trí rất hài hòa.

Từ phía bờ sông Cà Ty đi vào là cổng trường với dáng vẻ cổ kính, được làm bằng gỗ gõ sừng (một loại danh mộc của Bình Thuận), mái ngói âm dương phục chế hình thuyền. Vào cổng, đi qua một khoảng sân rộng lát gạch tàu đỏ, hai bên là những hoa kiểng đẹp như cà đam, kim quít, sứ đỏ, dâm bụt. Nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành giảng dạy là một căn phòng lớn, rộng rãi, thoáng đãng. Phòng có ba dãy bàn ghế, bên trên vách có một tấm bảng đen rộng. Đứng trong không gian yên ắng của lớp học, nghe lòng bồi hồi bao cảm xúc, liên tưởng về quá khứ xa xưa. Chính tại nơi đây hơn 100 năm trước, Bác Hồ - khi ấy là một thanh niên vừa tròn 20 tuổi, ngoài giảng dạy chữ Quốc ngữ cho học sinh, còn giáo dục, hun đúc lòng yêu nước cho các em. Phía bên phải phòng học là Nhà Ngư (nơi để các ngư cụ của gia đình cụ Nguyễn Thông) và từ năm 1908 trở đi dùng làm nơi nội trú của thầy giáo và học sinh nhà trường. Phía sau phòng học và Nhà Ngư là Ngọa Du Sào - nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành đọc sách báo, soạn bài. Sau Ngọa Du Sào là giếng nước cùng vườn cây xanh tươi hoa lá... Trong vườn có cây khế, gia đình cụ Nguyễn Thông trồng cách đây hơn 100 năm. Thời gian dạy học ở Trường, thầy giáo Nguyễn Tất Thành thường tưới nước chăm sóc cây khế này.

Trường Dục Thanh do ông Nguyễn Quý Anh làm Giám Hiệu, có bốn lớp học, số học sinh từ Sài Gòn ra, từ Đà Nẵng, Hội An vào và từ nhiều nơi khác ở Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ đến, do các thân sĩ gửi gắm con em trọ học. Chương trình giảng dạy của trường Dục Thanh do Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội biên khảo, chú giải, được gửi vào Phan Thiết. Lúc đông nhất trường có khoảng sáu mươi học sinh các lớp tư, ba, nhì, nhất và bảy thầy giáo giảng dạy các môn: Hán văn, Pháp văn, Quốc văn. Nội quy của trường rất nghiêm ngặt. Buổi sáng, hằng ngày vào học từ lúc 6 giờ, chiều tan học lúc 17 giờ, sau khi tập thể dục xong, học sinh xếp hàng thật ngay ngắn đi vào lớp. Vào lớp, tất cả học sinh xếp tay vòng trước ngực hát bài ca ái quốc, dựa theo Bài thơ "Quốc Hồn Ca" do Phan Chu Trinh viết vào năm 1907. Đây bài học mỗi học trò phải thuộc lòng.

Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh vào Sài Gòn với giấy thông hành tên Văn Ba, rồi sau đó Người xuống Bến Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước.

***

Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh Bình Thuận) Nguyễn Văn Quỳ cho biết: Qua hơn 30 năm hoạt động, Khu Di tích Dục Thanh đã đón hơn 4 triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bên cạnh đó, Khu Di tích còn là nơi tổ chức các buổi sinh hoạt truyền thống nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, lễ dâng hương, dâng hoa, lễ báo công, lễ kết nạp Ðảng, kết nạp Ðoàn, kết nạp Ðội, lễ tuyên dương khen thưởng... của địa phương. Hiện di tích Trường Dục Thanh thành phố Phan Thiết đã được tỉnh Bình Thuận phục dựng theo mô tả của các học trò cũ của trường, là một địa điểm văn hóa du lịch của cả nước. Phần di tích cũ còn lại nguyên vẹn gồm có cây khế mà ngày xưa Bác Hồ đã chăm sóc và giếng nước mỗi ngày Người lấy nước tưới cây. Bên cạnh đó Khu Di tích Dục Thanh được công nhận là Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Khu Bảo tàng hiện trưng bày trên 890 tài liệu, hiện vật, hình ảnh có giá trị về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Khu di tích Dục Thanh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia vào năm 1986.

Chia sẻ bài viết