27/01/2008 - 09:29

Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2008) (kỳ 2)

Để giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống vào đầu tháng 11-1972, Nixon dùng thủ đoạn lùi bước trong thương lượng với ta và xuống thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Đầu tháng 10- 1972, phái đoàn Mỹ đến Paris để nối lại cuộc đàm phán đã bị gián đoạn từ tháng 3-1972. Trong cuộc tiếp xúc riêng với đại diện Mỹ ngày 8-10-1972, ta đã đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam” và đề nghị thảo luận để đi đến ký kết. Ngày 17-10-1972, văn kiện Hiệp định được hoàn tất và hai bên đã thỏa thuận đến ngày 31-10-1972 sẽ ký chính thức. Trước khi ký, ngày 22-10-1972, Nixon tuyên bố ngừng mọi hoạt động chống phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20.

Thỏa thuận xong, Mỹ dây dưa trì hoãn việc ký kết. Họ đòi ta phải thảo luận thêm, đòi xem xét lại và thay đổi một số điều khoản quan trọng nhằm có lợi cho họ. Mỹ trì hoãn ký kết Hiệp định còn nhằm có thêm thời gian chuyên chở vũ khí, đạn dược, phương tiện chiến tranh cho quân đội Sài Gòn để chúng có thể đứng vững sau khi Mỹ rút quân.

Để ép ta nhân nhượng và ký một hiệp định do Mỹ đưa ra, Nixon âm mưu giành một thắng lợi quân sự quyết định. Cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972 là nhằm mục đích đó. Nhưng cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 của Mỹ đã bị quân đội và nhân dân Việt Nam anh hùng, thông minh, dũng cảm đánh bại ngay trên bầu trời Hà Nội, lập nên một Điện Biên Phủ trên không. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội, đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng dậy nổi, buộc chúng phải chấp nhận thất bại, nối lại đàm phán tại Paris.

Sau khi buộc phải chấm dứt hoàn toàn các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống miền Bắc, Mỹ cử đại diện đến Paris để nối lại cuộc đàm phán. Đứng trên tư thế người chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ nội dung cơ bản của dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận. Qua nhiều cuộc trao đổi, ngày 13-1-1973, bản dự thảo Hiệp định cơ bản được thông qua.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-1-1973 giữa đại diện hai Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ, được ký chính thức ngày 27-1-1973 giữa bốn Bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự Hội nghị (Việt Nam dân chủ cộng hòa, Hoa Kỳ, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hòa) tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế Kléber (Paris). Hiệp định Paris có hiệu lực từ ngày ký chính thức.

Ngày 2-3-1973, Hội nghị quốc tế về Việt Nam được triệu tập tại Paris, gồm đại biểu của các nước Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp, bốn bên tham gia ký Hiệp định và bốn nước trong Ủy ban giám sát và kiểm soát quốc tế (Ba Lan, Canada, Hungary, Indonesia), với sự có mặt của Tổng Thư ký LHQ. Tất cả các nước tham dự Hội nghị đã ký vào bản Định ước công nhận về mặt pháp lý quốc tế Hiệp định Paris về Việt Nam và bảo đảm cho Hiệp định được thi hành nghiêm chỉnh.

Ngày 29-3-1973, Bộ Chỉ huy Mỹ ở Sài Gòn làm lễ cuốn cờ. Đơn vị cuối cùng của quân viễn chinh Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam dưới sự kiểm soát của sĩ quan Việt Nam dân chủ cộng hòa trong Ủy ban Liên hợp quân sự bốn bên.

Trong thời gian khoảng 5 năm, Hiệp định Paris đã trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, hàng nghìn cuộc mít tinh chống chiến tranh, ủng hộ Việt Nam. Trong các phiên họp chung công khai cũng như các cuộc tiếp xúc riêng, phía Việt Nam không bỏ qua bất cứ vấn đề quan trọng nào có liên quan đến cuộc chiến tranh ở Đông Dương, nhưng tập trung mũi nhọn đấu tranh vào hai vấn đề mấu chốt nhất là đòi rút hết quân Mỹ và quân 5 nước thân Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương khỏi miền Nam, đòi họ tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam. Phía Mỹ, trước sau vẫn nêu quan điểm “có đi có lại”, đòi hai bên (cả quân đội miền Bắc có mặt tại miền Nam) “cùng rút quân”.

Hiệp định Paris về Việt Nam là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của nhân dân ta ở cả hai miền đất nước, đã tạo ra bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Với Hiệp định Paris, ta đã “đánh cho Mỹ cút”, một thắng lợi lịch sử quan trọng tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”.

III. Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA HIỆP ĐỊNH PARIS VỀ VIỆT NAM

 Ngày 20-3-1973, quân đội Mỹ cuốn cờ về nước.

1. Hiệp định Paris buộc Mỹ và các nước phải công nhận chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam.

Mỹ phải rút hết quân và cam kết chấm dứt mọi sự dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam. Lực lượng quân sự, chính trị ở miền Nam của ta vẫn được duy trì, bảo đảm điều kiện cho cách mạng ở miền Nam Việt Nam vững bước tiến lên. Với Hiệp định Paris, so sánh lực lượng của ta và địch trên chiến trường đã thay đổi căn bản, hoàn toàn có lợi cho ta. Đây là điều kiện quan trọng cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam hơn hai năm sau.

2. Hiệp định Paris là cột mốc đánh dấu thắng lợi to lớn, oanh liệt trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Đế quốc Mỹ âm mưu tiến hành áp đặt chủ nghĩa thực dân mới trên đất nước ta bằng cuộc chiến tranh phi nghĩa hòng đè bẹp ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do của nhân dân. Xâm lược Việt Nam là sai lầm lịch sử lớn nhất của nước Mỹ trong hơn hai trăm năm tồn tại và Mỹ đã phải gánh chịu thất bại thảm hại nhất, đắt giá nhất cho sai lầm lịch sử đó.

Trong lịch sử chống ngoại xâm hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam ta, đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ - một đất nước có tiềm lực kinh tế, quân sự đứng đầu thế giới - là một cột mốc đánh dấu thắng lợi to lớn, oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng này, đưa dân tộc Việt Nam ta lên hàng ngũ dân tộc tiên phong trên thế giới, đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ, đánh bại chủ nghĩa thực dân cũ và mới, là ngọn cờ chiến đấu của phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ, hòa bình và chủ nghĩa xã hội.

3. Hiệp định Paris khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, sáng tạo và tầm vóc thời đại trong đường lối chiến lược, sách lược của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ký Hiệp định Paris là thắng lợi của Đảng ta trong việc nắm vững và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đây cũng là thắng lợi của tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần quốc tế vô sản và đoàn kết các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Đảng ta đã nhận định, đánh giá đúng bối cảnh quốc tế cũng như hoàn cảnh cụ thể và sức mạnh nội tại của đất nước ta; hiểu đúng chiến lược của các nước lớn và dự đoán hiểu đúng xu thế vận động phát triển của thời đại. Đảng ta tài tình, sáng suốt trong nghệ thuật kết hợp đấu tranh ngoại giao với đấu tranh chính trị, quân sự. Đảng ta đã phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, nắm vững và giương cao ngọn cờ nhân nghĩa, đạo lý, tôn trọng hòa hiếu giữa các dân tộc.

Ký Hiệp định Paris là thắng lợi của đường lối ngoại giao cách mạng Việt Nam, dưới ánh sáng tư tưởng ngoại giao dân tộc và cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

4. Hiệp định Paris khẳng định sự trưởng thành vượt bậc và những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao cách mạng Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, khi phải đương đầu với kẻ thù có sức mạnh vật chất về kinh tế, quân sự hơn chúng ta rất nhiều lần, Đảng ta đã có đường lối, chiến lược, sách lược đấu tranh thích hợp, phối hợp cả ba lực lượng, cả ba thứ quân, trên ba mặt trận đấu tranh chính trị, quân sự và ngoại giao. Trong đó, mặt trận ngoại giao có vị trí rất quan trọng. Hoạt động ngoại giao của ta đã thu hút sức mạnh tinh thần, vật chất của các lực lượng cách mạng thế giới ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam, tranh thủ tình cảm, thiện chí của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ đối với sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta. Đường lối, chiến lược, sách lược ngoại giao của ta, kiên trì nguyên tắc, giữ vững lập trường chính nghĩa, kiên quyết, khôn khéo, biết nhân nhượng đúng lúc, biết lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ địch để phân hóa, cô lập lực lượng đối phương; biết tạo ra thời cơ, nắm bắt đúng thời cơ, giành thắng lợi từng bước, từng phần trong đàm phán, cuối cùng mở đường cho giải pháp đúng đắn; giữ vững tinh thần độc lập tự chủ, không để một nước thứ ba nào can thiệp, chi phối.

5. Hiệp định Paris là thắng lợi của các nước xã hội chủ nghĩa, các lực lượng hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Hiệp định Paris được ký kết là kết quả của sự giúp đỡ, ủng hộ vô tư trên tinh thần quốc tế vô sản cao cả của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em và các lực lượng cách mạng thế giới. Thắng lợi này là niềm vui chung lớn lao nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, của nhân dân Mỹ, của bạn bè quốc tế. Thắng lợi này khẳng định sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết