26/01/2008 - 11:37

Thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973 - 27/1/2008) (kỳ 1)

L.T.S - Cách đây 35 năm, ngày 27-1-1973, sau một chặng đường đàm phán kéo dài suốt 18 năm, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết. Thắng lợi này đã tạo ra một bước ngoặt mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta: “đánh cho Mỹ cút”, tạo thời cơ thuận lợi để nhân dân ta tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày ký kết Hiệp định Paris, Báo Cần Thơ trân trọng giới thiệu với bạn đọc tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương về sự kiện lịch sử này.

I. BỐI CẢNH LỊCH SỬ CỦA VIỆC ĐÀM PHÁN ĐI ĐẾN KÝ KẾT HIỆP ĐỊNH PARIS

Vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, hệ thống xã hội chủ nghĩa trên thế giới phát triển ở giai đoạn đỉnh cao, thế và lực hùng mạnh, thành quả cách mạng đạt được vĩ đại. Các dòng thác cách mạng của nhân dân thế giới, tiêu biểu là phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược; đoàn kết với Việt Nam, bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trở thành nhiệm vụ của mỗi nước và của chính nhân dân Mỹ. Tất cả các lực lượng trên thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ và chủ nghĩa xã hội hậu thuẫn, ủng hộ, chi viện, giúp đỡ cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam chống Mỹ xâm lược.

Sa lầy trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, hao người, tốn của ở Việt Nam, nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhiều người trong chính giới và nhân dân Mỹ nhận ra tính chất phi nghĩa và xu hướng tất yếu thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Làn sóng bão táp của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đòi chấm dứt chiến tranh, quân đội Mỹ và chư hầu rút hết ra khỏi Việt Nam đã cô lập các thế lực hiếu chiến, đẩy chính quyền Mỹ lâm vào bị động, lúng túng. Xu thế phản đối chiến tranh diễn ra ngay trong lòng nước Mỹ, từ nhà trường, bến cảng, đường phố... đến diễn đàn Quốc hội Mỹ và ngay tại thủ đô các nước đồng minh, chư hầu của Mỹ.

Năm 1968, nước Mỹ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống. Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa là Nixon đã lừa bịp cử tri Mỹ, đưa vấn đề “cải thiện kinh tế” và “hòa bình” ở Việt Nam vào cương lĩnh tranh cử. Do thất bại trong chiến tranh cục bộ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân ở miền Bắc của Việt Nam, Tổng thống Mỹ đương nhiệm Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom và đàm phán hòa bình; chấp nhận vai trò của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, nhằm tìm kiếm “thành tích ngoại giao”, tạo thêm điều kiện cho ứng cử viên Humphrey của đảng Dân chủ hy vọng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống. Sau khi thắng cử và nhậm chức Tổng thống, Nixon đưa ra chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, thay thế chiến lược “chiến tranh cục bộ” đã bị phá sản và đẩy mạnh cuộc chiến tranh ở Việt Nam, ảo tưởng giành chiến thắng trên chiến trường, ép buộc Việt Nam chấp thuận “hòa bình kiểu Mỹ” trên bàn đàm phán tại Paris, đặt tiền đề thực hiện tham vọng tái đắc cử nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ vào năm 1972 và kết thúc chiến tranh Việt Nam như Mỹ tham vọng.

Cũng trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiếp tục thu được những thành tựu cách mạng to lớn trong việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ ở miền Nam. Miền Bắc khôi phục và phát triển kinh tế, tăng cường chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Miền Nam, quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi to lớn trên chiến trường, phối hợp với chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của miền Bắc, đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, tạo so sánh, tương quan lực lượng chiến trường có lợi cho cách mạng nước ta, tạo vị thế và sức mạnh của chúng ta trên bàn đàm phán hòa bình tại Paris.

Tại bán đảo Đông Dương, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia kề vai, sát cánh, đoàn kết, ủng hộ lẫn nhau. Sự lớn mạnh của lực lượng cách mạng ở cả ba nước đã đẩy nước Mỹ đến quyết định chiến lược phiêu lưu, đưa quân vào Campuchia. Từ đây, nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia là một lực lượng, chiến đấu vì mục tiêu chung, với một kẻ thù chung và liên tiếp thu được những thắng lợi có ý nghĩa to lớn, làm cho Mỹ ngày càng sa lầy, ở vào thế thất bại không thể tránh khỏi.

II. QUÁ TRÌNH ĐÀM PHÁN VÀ KÝ KẾT

Quá trình đàm phán để đi đến ký kết Hiệp định Paris trải qua một chặng đường dài suốt 18 năm. Đó là cuộc đấu tranh kiên trì, bền bỉ từ Hiệp định Genève năm 1954, đến việc ký Hiệp định Paris, ngày 27-1-1973.

Sau năm 1954, thực hiện âm mưu xâm lược nước ta và áp đặt chủ nghĩa thực dân mới ở Đông Dương, Mỹ hất cẳng Pháp, can thiệp vào Việt Nam, xé bỏ Hiệp định Genève, ủng hộ, giúp đỡ Ngô Đình Diệm lập chính quyền tay sai ở miền Nam Việt Nam. Chính quyền Diệm-Nhu đã dồn dân lập ấp chiến lược, khủng bố dã man những người kháng chiến, gây lòng hận thù trên khắp miền Nam. Năm 1960, nhân dân miền Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đứng lên đồng khởi làm tan rã từng mảng lớn chính quyền ngụy. Lực lượng cách mạng lớn mạnh nhanh chóng và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được thành lập. Trước tình thế đó, Mỹ đã tăng cường viện trợ kinh tế, phương tiện chiến tranh, tăng cường cố vấn, thực hiện cuộc “chiến tranh đặc biệt”. Cuộc chiến tranh này của Mỹ-ngụy nhanh chóng bị quân, dân miền Nam đoàn kết đánh bại. Năm 1964, Mỹ cho quân đổ bộ vào miền Nam thực hiện “chiến tranh cục bộ” và phát động không quân đánh phá miền Bắc. Thắng lợi của quân và dân miền Bắc bắn rơi nhiều máy bay, phá hủy nhiều tàu chiến, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân Mỹ; cùng với thắng lợi của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam mà đỉnh cao là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân - Xuân 1968 đã giáng đòn sấm sét vào quân Mỹ- ngụy, tạo thế và lực mới cho cách mạng miền Nam, phá sản hoàn toàn chiến lược “chiến tranh cục bộ”, buộc Tổng thống Johnson ra tuyên bố hạn chế ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris.

Ngày 13-5-1968, diễn ra cuộc đàm phán chính thức hai bên, giữa đại diện Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và đại diện Chính phủ Hoa Kỳ, họp phiên đầu tiên ở Paris. Phái đoàn Mỹ do Harriman đứng đầu. Phái đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Xuân Thủy đứng đầu, khẳng định lập trường không thay đổi của Việt Nam là: trước tiên Mỹ phải chấm dứt không điều kiện các cuộc ném bom bắn phá và mọi hoạt động chiến tranh khác chống nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, sau đó mới bàn các vấn đề có liên quan hai bên.

 Bà Nguyễn Thị Bình - Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (hàng đầu thứ ba, từ trái sang) - ký Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế - Paris, 27-1-1973.
Ảnh: TƯ LIỆU 
Hội nghị Hai bên ở Paris sau nhiều phiên họp trong năm 1968 vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản, nhưng đã mở đầu cho một thời kỳ Việt Nam tiến công trực diện Mỹ về ngoại giao trên bàn hội nghị. Trong quá trình đấu tranh đó, Phái đoàn ta luôn nêu cao tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta; lên án tội ác chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam, hành động Mỹ phá hoại Hiệp định Genève; đòi Mỹ rút quân và chư hầu ra khỏi Việt Nam; chấm dứt hoàn toàn và không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam; từ bỏ ngụy quân Sài Gòn; đáp ứng lập trường của Việt Nam dân chủ cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Trước quan điểm đúng đắn, thái độ kiên quyết của phái đoàn ta, những thiệt hại nặng nề trên chiến trường và tình hình nước Mỹ trước ngày bầu Tổng thống, ngày 1-11-1968, Johnson tuyên bố ngừng ném bom bắn phá và mọi hành động chiến tranh khác chống Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấp nhận họp Hội nghị Paris để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam. Sau sự kiện này, cuộc đấu tranh giữa ta và Mỹ xoay quanh vấn đề hình thức, thành phần hội nghị và đã đi đến thống nhất Hội nghị Bốn bên bao gồm: Việt Nam dân chủ cộng hòa, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (sau đó là Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam), Hoa Kỳ và Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn).

Ngày 18-1-1969 diễn ra cuộc họp trù bị. Ngày 25-1-1969, Hội nghị Bốn bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên tại Paris. Tham dự hai cuộc họp trên, ngoài Trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa và Hoa Kỳ, còn có Trưởng đoàn Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam và Trưởng đoàn Việt Nam cộng hòa. Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt được dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam (10-1972), Hội nghị Bốn bên trải qua nhiều phiên họp chung công khai và nhiều cuộc tiếp xúc riêng. Lập trường Bốn bên, mà thực chất là của hai bên, Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn thương lượng đến mức nhiều lúc phải gián đoạn thương lượng.

Trong hai năm 1970- 1971, trên chiến trường cả ta và địch đều tìm mọi cách vượt qua những khó khăn, xoay chuyển tình thế, cố giành thắng lợi quân sự có ý nghĩa chiến lược để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả. Những thắng lợi quân sự của ta trong các chiến dịch đường 9- Nam Lào, Đông Bắc và Đông Nam Campuchia trong năm 1971; các chiến dịch tiến công Trị - Thiên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Bình Định, Khu 8 Nam bộ... trong năm 1972 đã làm quân Mỹ- ngụy bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán.

(Còn tiếp)

Chia sẻ bài viết