Tháng đầu hè, Đà Nẵng rộn ràng với nhiều hoạt động lễ hội mà mong chờ nhất là 3 đêm bắn pháo hoa quốc tế, trong đó có đêm chung kết hứa hẹn viên mãn.
Cầu Trần Thị Lý mang dáng dấp cánh buồm no gió vươn ra biển. Ảnh: DU MIÊN
Đà Nẵng vốn quá quen thuộc với du khách Việt Nam và thế giới bởi là thành phố du lịch nằm giữa hai miền di sản, với những con người lịch thiệp và là “thành phố đáng sống”. Dù vậy, Đà Nẵng vẫn luôn có những cái mới để thỏa lòng du khách.
Nhắc tới Đà Nẵng, bên cạnh những danh thắng, người ta nhắc đến những cây cầu. Đó không chỉ đơn thuần là những công trình giao thông, tạo sự thông thương của đôi bờ dọc sông Hàn, mà còn là những kiến trúc độc đáo góp phần tạo nên diện mạo đô thị phồn hoa. Mỗi cây cầu mang một dáng dấp riêng. Trong đó, cầu Trần Thị Lý được xây dựng trên nền cây cầu đầu tiên bắt qua sông Hàn thời Pháp, có tên là De Lattre. Cây cầu dây văng được thiết kế độc đáo: tháp nghiêng mười hai độ “cân” hệ thống ba mặt dây văng được bố trí xoắn và rẽ nhánh tạo thành hình cánh buồm căng gió vươn ra biển. Nhờ đó, cầu Trần Thị Lý trở thành một trong những cầu dây văng đẹp nhất Việt Nam bởi sự mềm mại và uyển chuyển. Nổi tiếng hơn là cầu Rồng mang dáng dấp rồng thời Lý. Cây cầu này ngoài thiết kế hình dáng độc đáo, có khả năng phun nước, phun lửa, là điểm nhấn cho du lịch Đà Nẵng. Trong khi đó, cầu sông Hàn lại được thiết kế quay ngang 90 độ để tàu bè lưu thông (nay chức năng này chỉ mang tính biểu diễn vì tàu lớn không còn đi vào khu vực này nữa). Hoành tráng nhất là cầu dây văng Thuận Phước. Nhìn từ góc nào cũng thấy vẻ đẹp hùng vĩ, vững chãi. Về đêm, chiếc cầu bừng sáng lộng lẫy in hình trên nền trời bao la.
Rất nhiều người tới Đà Nẵng và thích đi dạo dọc đôi bờ sông Hàn thơ mộng để chiêm ngưỡng vẻ đẹp những cây cầu, nhất vào ban đêm, mỗi cây là một dấu ấn mang niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Bởi thế, chủ đề của Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2018 mang chủ đề “Huyền thoại những cây cầu”. Trước đây, lễ hội này chỉ gói gọn trong vài ngày. Trong vài năm trở lại đây được kéo dãn từ cuối tháng tư đến cuối tháng sáu hằng năm để thu hút nhiều du khách. Đây là sự kiện được mong đợi, tạo nên sản phẩm du lịch độc đáo chỉ riêng có của Đà Nẵng, như Đà Lạt có lễ hội hoa vậy.
Pháo hoa luôn mãn nhãn người xem cả về âm thanh và ánh sáng. Ảnh: DU MIÊN
Gắn với lễ hội pháo hoa là hàng loạt các sự kiện diễn ra tại nhiều nơi. Trong đó, ấn tượng nhất có lẽ là Lễ hội Ẩm thực Đà Nẵng 2018 kéo dài suốt lễ hội pháo hoa, diễn ra ngay trung tâm thành phố. Đặc biệt, trong tháng đầu tiên của mùa hè, có đến ba đêm bắn pháo hoa; trong đó có đêm chung kết tranh tài của ba đội có thành tích tốt nhất từ các đêm thi trước. Đó cũng là đêm được mong chờ nhất, hơn cả đêm khai mạc lễ hội.
|
Ngày 30-6: Chung kết 3 đội
Giá vé dao động từ 300.000 – 2.000.000 đồng tùy vị trí, đêm diễn trên khán đài 21.000 chỗ ngồi được bố trí dọc bờ sông Hàn.
Du khách có đặt mua vé xem pháo hoa các đêm diễn thông qua website chính thức của lễ hội để được chuyển vé về tận nhà hoặc mua trực tiếp tại các quầy vé của Ban tổ chức.
|
Dù là đêm diễn nào, pháo hoa vẫn đủ làm mãn nhãn người xem, bởi các đội thi thường là các “đại gia” pháo hoa quốc tế. Họ tham dự không chỉ để biểu diễn tranh tài mà còn để quảng bá hình ảnh quốc gia. Phần thi diễn của từng đội truyền tải một câu chuyện bằng âm nhạc và ánh sáng; xóa đi ranh giới ngôn ngữ giữa đội thi và người xem. Du khách háo hức đến khán đài từ rất sớm để tránh kẹt xe và chọn chỗ ngồi tốt, thậm chí dầm mình trong mưa để xem từng quả pháo bông tỏa sáng trên bầu trời Đà Nẵng. Diễn ra hằng năm và nhiều đêm nhưng khán đài lễ hội pháo hoa luôn chật kín người. Các phương tiện đường không, đường sắt, đường bộ hoạt động hết công suất để đưa khách từ mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới đến với Đà Nẵng để thưởng lãm vẻ đẹp của thành phố lãng mạn bên sông Hàn, của thiên nhiên miền biển xinh đẹp và cũng để thưởng lãm ánh sáng đầy sắc màu, âm thanh sống động của lễ hội pháo hoa độc đáo trong những ngày mùa hè.
DU MIÊN