 |
Tôm sú trúng mùa nhưng người nuôi tôm ở Sóc Trăng vẫn không vui vì giá bán thấp. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG |
Mùa tôm chính vụ 2008, giá tôm sú nguyên liệu giảm mạnh, trong khi đó, giá thức ăn thủy sản trên thị trường tăng 15-30%. Vì thế, chỉ có khoảng 50% người nuôi tôm sú ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có lời... Hiện nay, các tỉnh có nuôi tôm sú ở ĐBSCL chỉ đạo ngừng việc thả nuôi tôm mới, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống... để đảm bảo vụ nuôi tôm sú chính vụ năm 2009 thắng lợi như mong muốn.
* Chi phí tăng, giá tôm giảm, nhiều người lỗ
Hiện giá tôm sú loại 20 con/kg chỉ còn 110.000- 130.000 đồng/kg; loại 30 con/kg giá bán tại ao chỉ còn 70.000 - 85.000 đồng/kg, loại 40 con/kg chỉ còn 55.000 - 60.000 đồng/kg. Các mức giá này giảm từ 20.000 - 40.000 đồng/kg so với cùng thời điểm năm trước. Trong khi đó, chi phí tăng từ 15-30% so với cùng kỳ năm trước. Theo tính toán của ngành thủy sản tỉnh Trà Vinh, sau khi trừ chi phí, mỗi mô hình nuôi tôm đạt lợi nhuận khoảng 20 - 25 triệu đồng/ha, giảm 5 - 15 triệu đồng/ha so với năm trước. Riêng đối với nuôi công nghiệp, giảm từ 20- 50 triệu đồng/ha...
Ở vụ tôm sú năm 2008, toàn tỉnh Sóc Trăng thả nuôi gần 48.000 ha, nhưng có đến gần 15.000 ha bị thiệt hại. Số còn lại đến nay đã thu hoạch được gần 19.000ha với năng suất bình quân ước đạt 1,2 tấn/ha. Năng suất tôm nuôi năm nay tuy không phải là thấp, nhưng chỉ có khoảng 51% số hộ thu hoạch có lãi, còn lại phần lớn là huề vốn hoặc lỗ. Nguyên nhân chủ yếu là do chi phí đầu vào năm nay tăng mạnh (nhất là giá thức ăn) nhưng giá tôm thương phẩm lại sụt giảm. Giá tôm cỡ 30 con/kg đầu vụ dao động 95.000 -100.000 đồng/kg trong thời ngắn đã giảm liên tục, đến nay chỉ còn khoảng 70.000đồng/kg. Ông Đinh Thiên Cần, một “đại gia” nuôi tôm ở xã Liêu Tú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Năm nay giá tôm giảm mạnh chưa từng thấy. Lúc thu hoạch 10 ao đầu tiên (mỗi ao 4-5.000m2) tôi bán được giá 89.000 đồng/kg loại 30 con, nhưng sau đó thì rớt dần mà vẫn phải bán vì càng neo càng tốn thức ăn, trong khi giá tôm theo dự báo chưa biết bao giờ mới tăng lên”. Hiện nay, nhiều diện tích tôm nuôi theo mô hình công nghiệp đã vào giai đoạn thu hoạch, khả năng thua lỗ của người nuôi tôm là rất lớn nếu giá thu mua không được cải thiện. Thực tế cho thấy, tại vùng nuôi tôm công nghiệp ven sông Mỹ Thanh, đã có không ít “đại gia” nuôi tôm lỗ từ vài tỉ đến cả chục tỉ đồng.
Tại Trà Vinh, ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Do môi trường nước những tháng đầu năm không ổn định và bị ô nhiễm, chất lượng con giống kém đã làm ảnh hưởng đến việc nuôi tôm sú làm cho 16.280 hộ có tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó 9.072 hộ bị mất trắng khoảng 720,6 triệu con giống (chiếm 36% giống thả nuôi), với diện tích 9.516 ha (chiếm 36,7% diện tích thả nuôi); 7.208 hộ có tôm nuôi từ 2 - 3 tháng tuổi bị thiệt hại phải thu hoạch sớm, với số lượng giống khoảng 467,6 triệu con (chiếm 21,6%), ước giá trị thiệt hại con giống và chi phí cải tạo ao, đìa trên 60 tỉ đồng”. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 20.200 ha nuôi tôm sú trên tổng diện tích 26.500 ha, năng suất bình quân chỉ đạt 690 kg/ha, giảm khoảng 50 kg/ha so với năng suất vụ nuôi tôm năm trước. Năm nay, do giá thức ăn, con giống, chi phí nhân công và các chi phí khác phục vụ cho nuôi tôm sú đều tăng từ 15 - 30% so năm trước, trong khi giá tôm thương phẩm lại giảm mạnh, nên người nuôi tôm không có lãi bằng năm trước. Với một số hộ nuôi gặp con giống tôm sú kém chất lượng, chăm sóc không tốt thậm chí còn thua lỗ nặng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến nay chỉ có khoảng 50% số hộ nuôi có lãi, 50% còn lại một phần nhỏ huề vốn còn lại là bị thua lỗ.
* Thận trọng với việc thả nuôi mới
Theo dự báo của ngành NN&PTNT, trong những năm tới, nghề nuôi tôm sú ở ĐBSCL tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức về cạnh tranh thị trường, chi phí sản xuất tăng, dịch bệnh... Chính vì thế, đầu tháng 9-2008, các tỉnh có nuôi tôm sú ở ĐBSCL đã ra thông báo tạm thời ngừng nhập con giống, ngừng thả nuôi con giống... để hạn chế thấp nhất mức rủi ro cho người nuôi tôm ở ĐBSCL.
Tại Sóc Trăng, Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng đã có Thông báo số 608/CV.NN.08. Theo đó, những ngày cuối tháng 8-2008, điều kiện về môi trường, thời tiết đã có những biến động theo chiều hướng bất lợi cho sự phát triển của con tôm sú. Cụ thể: độ mặn trên một số kênh rạch chính tại các vùng nuôi tôm như: Dù Tho, Chàng Ré, Nhu Gia, Thạnh Mỹ, Trà Niên, Giồng Dú... đã giảm xuống còn 0 và các chỉ tiêu về độ pH, độ kiềm... đều không đạt tiêu chuẩn. Chính vì thế, tỉnh này chỉ đạo ngừng nhập tôm giống vào tỉnh kể từ ngày 15-9. Riêng đối với giống tôm thẻ chân trắng vẫn được tiếp tục nhập đến hết ngày 30-11-2008 và vùng nuôi cũng được mở rộng hơn theo dự án bổ sung quy hoạch ngành thủy sản đến 2020. Tuy là đối tượng nuôi mới, nhưng cũng đã có 103ha tôm thẻ chân trắng được thả nuôi và trong số này đã có 28ha thu hoạch, năng suất bình quân 8-10 tấn/ha. Nhiều diện tích nuôi tôm công nghiệp sau khi thu hoạch đang chuẩn bị thả lại tôm thẻ chân trắng vì hiệu quả hơn so với tôm sú.
Tại Bến Tre, từ ngày 15-9, UBND tỉnh chỉ đạo, tất cả tổ chức, cá nhân phải tạm ngưng việc sản xuất giống tôm biển (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), tạm ngưng việc di nhập giống tôm biển từ ngoài vào tỉnh với bất cứ mục đích gì, tạm ngưng thả giống tôm biển để nuôi với mọi hình thức cho đến khi UBND tỉnh ban hành chỉ thị mới. Đối với các cơ sở sản xuất giống trong tỉnh đảm bảo đủ điều kiện sản xuất giống sạch bệnh, có hợp đồng cung ứng giống ra ngoài tỉnh và được Sở NN&PTNT cho phép thì được tiếp tục sản xuất để bán ra ngoài tỉnh theo hợp đồng. Trong thời gian gián đoạn, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện ven biển hướng dẫn quy trình, đối tượng nuôi thay thế để cải tạo môi trường và tăng thu nhập cho người dân; hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao đầm nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường cho vụ nuôi tôm biển năm 2009. Tăng cường công tác quan trắc môi trường, theo dõi diễn biến thời tiết... kịp thời tham mưu UBND tỉnh về thời gian cho phép sản xuất, di nhập giống và thả nuôi tôm biển ở từng vùng nuôi và hình thức nuôi cụ thể...
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, cho biết: Lãnh đạo ngành nông nghiệp yêu cầu Ban Chỉ đạo nuôi tôm vùng ngập mặn tập trung theo dõi diễn biến tình hình môi trường nước trong những tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 để có kế hoạch cụ thể về lịch thời vụ thả nuôi tôm sú năm 2009. Khuyến khích nông dân sau khi thu hoạch xong, tập trung sên vét, cải tạo ao thật tốt; hướng dẫn nông dân tập trung đầu tư đào ao mở rộng diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh. Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh chỉ đạo Phòng NN&PTNT các huyện phối hợp các ngành chức năng và địa phương hướng dẫn nông dân nuôi tôm theo mô hình quản lý cộng đồng; công bố vùng qui hoạch và phát động nông dân tập trung đào mới ao, đìa và mở rộng 1.830 ha nuôi tôm thẻ chân trắng khuyến khích nông dân có ý thức trong việc chọn con giống tốt thả nuôi, tuyên truyền cho nông dân chủ động công tác bảo vệ môi trường, kết hợp với các ngành chức năng giám sát chặt trong quản lý vùng nuôi tập trung. Phối hợp hướng dẫn nông dân về kỹ thuật quản lý vùng nuôi; triển khai tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; quản lý tốt lịch thời vụ thả giống, chất lượng con giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản nhằm góp phần hạn chế rủi ro, đạt thắng lợi trong vụ nuôi tôm năm 2009.
PV-CTV