24/02/2020 - 15:49

Tham vọng “Thung lũng Silicon” phiên bản châu Âu 

Nhận thấy thua kém Mỹ và Trung Quốc về mảng công nghệ, châu Âu mới đây tung ra kế hoạch hành động nhằm cạnh tranh với Thung lũng Silicon ở xứ cờ hoa.

Các lãnh đạo EU tại cuộc họp báo công bố dự án.  Ảnh: AFP

Trên nền kinh tế kỹ thuật số, châu Âu gần như vắng bóng. Apple, trụ sở tại Mỹ, và Samsung đến từ Hàn Quốc đang tạo ra những chiếc điện thoại được yêu mến nhất tại châu Âu. Facebook thì sở hữu mạng xã hội phổ biến nhất, Google thống trị công cụ tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến, trong khi Amazon kiểm soát thương mại điện tử. Các hãng châu Âu điều hành hoạt động thương mại của mình bằng cơ sở hạ tầng đám mây từ Amazon và Microsoft. Mạng không dây ở lục địa này chủ yếu sử dụng những thiết bị của “gã khổng lồ” Trung Quốc Huawei.

Trước thực tế trên, Liên minh châu Âu (EU) hôm 19-2 đã công bố kế hoạch tạo ra thị trường dữ liệu chung để giúp các công ty tại đây cạnh tranh trong đợt sáng tạo công nghệ kế tiếp và kiềm chế sức mạnh của những “ông lớn” về dữ liệu như Facebook và Google. Bằng cách tận dụng lượng dữ liệu to lớn bên trong khối, EU muốn tạo ra làn sóng phát triển mới trong các lĩnh vực như vận tải và chăm sóc sức khỏe, đồng thời cũng mở ra sân chơi bình đẳng cho những hãng nhỏ hơn hiện không đủ sức cạnh tranh với các tập đoàn lớn của Mỹ và Trung Quốc.

“Chúng tôi đã bỏ lỡ trận chiến đầu tiên. Nhưng nay châu Âu có những công cụ cần thiết để giành chiến thắng ở giai đoạn tới”- Ủy viên phụ trách chính sách công nghiệp châu Âu Thierry Breton nhấn mạnh trong cuộc họp báo tại Brussels (Bỉ). Ngoài ra, “lục địa già” cũng có những công cụ khác. Châu Âu đang điều tra Google, Facebook và Amazon về phương thức sử dụng dữ liệu và đã phạt Google 8,9 tỉ USD kể từ năm 2017 do vi phạm luật cạnh tranh. Những quy định về việc bảo vệ dữ liệu của châu Âu có hiệu lực năm 2018 đã đặt ra tiêu chuẩn toàn cầu mới.

Bên cạnh chiến lược về dữ liệu, Brussels cũng công bố “sách trắng” về trí tuệ nhân tạo (AI), đề xuất một số quy tắc chưa từng có trước đây nhằm kiểm soát việc sử dụng công nghệ này. Trong đó, châu Âu muốn tạm thời cấm áp dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt tại những nơi công cộng. Tài liệu trên đề nghị sắp tới các công ty hoạt động tại châu Âu sẽ phải đảm bảo hệ thống AI của họ không thiên vị và liên quan đến hoạt động giám sát con người. Những hệ thống AI trong các lĩnh vực “rủi ro cao” như sức khỏe, vận tải... sẽ bị kiểm tra độc lập và chứng thực trước khi áp dụng tại 27 quốc gia EU.

Kế hoạch đầy tham vọng trên cho thấy giới lãnh đạo châu Âu ngày càng lo ngại các nước trong khu vực phụ thuộc quá nhiều vào những dịch vụ của các công ty bên ngoài. Tuy nhiên, những đề xuất này được cho nghiêng về “chỉ ra bệnh” hơn là đề ra những hướng điều trị cụ thể. Ủy ban châu Âu khẳng định sẽ bắt đầu giai đoạn tư vấn trong năm nay trước khi có những đề xuất pháp lý cụ thể.

Ngoài ra, việc kiềm chế những “ông lớn” công nghệ thế giới để nuôi dưỡng các doanh nghiệp châu Âu cũng có thể dẫn đến xung đột thương mại với Mỹ. Các công ty đóng vai trò “gác cổng” giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng như Amazon, Apple, Facebook và Google sẽ bị “soi” nhiều hơn. Khi đó, trọng tâm điều tra sẽ nhắm vào dữ liệu mà những tập đoàn này nắm giữ vốn có thể mang về lợi thế cho họ “một cách không công bằng” trước các đối thủ.

Các chuyên gia cũng không mấy lạc quan về dự án đầu tàu công nghệ của EU. Kevin Allison tại tổ chức Eurasia (Đức) nhận định kế hoạch của châu Âu sẽ gặp vô vàn khó khăn trước sự cạnh tranh của các công ty Mỹ và Trung Quốc, bởi những đối thủ này sở hữu kinh nghiệm và nguồn lực mạnh hơn. Guntram Wolff- Giám đốc tổ chức nghiên cứu kinh tế Bruegel (Bỉ)- thì cho rằng vấn đề đầu tư, thực thi pháp luật và khởi nghiệp lâu nay đều không phải là những thế mạnh của EU. 

HẠNH NGUYÊN (Theo CNN, NY Times)

 

 

Chia sẻ bài viết