02/10/2008 - 21:10

Thắm tình quân dân

• ANH DŨNG

Hàng năm, khi nhiệm vụ huấn luyện của các cơ quan, đơn vị cơ bản hoàn thành, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) thành phố thành lập đoàn công tác lên đường hành quân dã ngoại, đến với bà con ở những vùng nông thôn ngoại thành để làm công tác vận động quần chúng. Mỗi lần hành quân là mỗi lần các chiến sĩ được về với nhân dân trong niềm vui và bao kỷ niệm sâu sắc, thắm tình quân dân...

*Cùng ăn, cùng ở, cùng làm

Chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô cất nhà tình nghĩa cho gia đình chú Chín Nuôi, ở ấp 2, xã Thới Hưng. Ảnh: ANH DŨNG

Sáng ngày 20-9 vừa qua, khi trời còn mờ sương, đoàn công tác của Bộ CHQS thành phố gồm 61 cán bộ, chiến sĩ đã lên đường hành quân dã ngoại về xã Thới Hưng (huyện Cờ Đỏ) để làm công tác vận động quần chúng. Thật xúc động, đoàn công tác vừa hành quân đến địa phận của xã, tự bao giờ hàng trăm học sinh, thanh niên và bà con đã ra đứng hai bên đường, cầm cờ hoa vẫy chào các chiến sĩ; tất cả phấn khởi, tay bắt, mặt mừng như đón những người con đi xa lâu ngày trở về quê hương. Nhiều băng rôn đỏ thắm mang dòng chữ “Nhiệt liệt chào mừng đoàn cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS thành phố về làm công tác vận động quần chúng” treo ngang đường thể hiện sự mến khách và tạo ấn tượng tốt đẹp trong buổi đầu đoàn công tác đặt chân tới nơi đây. Cùng có mặt đón đoàn, ông Nguyễn Văn Hai, 65 tuổi, một người dân ở ấp 2, phấn khởi nói: “Hay tin bộ đội về đóng quân trên địa bàn ấp để giúp bà con, gia đình tui đã dọn dẹp sẵn tất cả chỗ ăn nghỉ mấy hôm trước để đón bộ đội tới ở”.

Trước sự đón tiếp trọng thị, mến khách của chính quyền và bà con, Đại tá Nguyễn Văn Ánh, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS thành phố, Chỉ huy trưởng đoàn công tác, xúc động nói: “Chúng tôi thật vui vì chính quyền và bà con đã tổ chức đón đoàn mến khách và chân tình đến vậy. Những ngày tới, chúng tôi sẽ ráng hết sức mình để đền đáp công ơn của bà con”. Trưa hôm ấy, trong không khí ấm nồng tình quân dân, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở của các cán bộ, chiến sĩ, Đại tá Nguyễn Văn Ánh cùng các đồng chí trong Ban Chỉ huy đoàn công tác đã tranh thủ thời gian đến hỏi thăm sức khoẻ, chuyện làm ăn của từng gia đình ở ấp 2 và động viên chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống của bà con; còn các em nhỏ thì tròn xoe đôi mắt nghe các chiến sĩ giảng bài và kể chuyện những tháng ngày rèn luyện trong quân ngũ.

Sáng hôm sau, khi những hạt sương mai còn long lanh trên đầu ngọn cỏ, các chiến sĩ đã chia nhau từng nhóm tiến hành tu sửa, đắp đường, phát quang bụi rậm, làm cỏ, san lấp ổ gà trên tuyến đường dọc kinh Tư Đầy tại ấp 2. Tham gia lao động với chiến sĩ còn có cán bộ các đoàn thể của xã, ấp và bà con. Không khí lao động thật vui vẻ, nhộn nhịp. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát của quân và dân hòa quyện với nhau rộn vang một khúc đường. Chỉ hơn 2 giờ ra quân tu sửa, cả tuyến đường dọc kinh Tư Đầy dài hơn 1,5 km trước đây lầy lội, cỏ cây mọc um tùm đã phẳng phiu, quang đãng như vừa được thay áo mới. Chị Nguyễn Thị Thẩn, một người dân có nhà trên tuyến đường, phấn khởi nói: “Tuyến đường này vào mùa mưa thường lầy lội, đi lại rất khó khăn. Lần này có bộ đội về giúp, đường sạch đẹp hơn, bà con ai cũng mừng”.

Gần trưa, men theo con đường đất nhỏ, băng qua một cánh đồng, tôi tìm đến nhà chú Chín Nuôi, một gia đình chính sách ở cuối ấp 2. Tại đây, 10 chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô đang giúp gia đình chú cất nhà tình nghĩa. Đã 82 tuổi, dáng vẻ gầy yếu, đi lại khó khăn nhưng được các chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô đến giúp đỡ cất nhà, chú mừng đến nỗi đứng ngồi không yên. Từ sáng tới giờ chú cứ xách thùng nước đá và ly nước đi lại rót nước cho từng chiến sĩ. Chú Chín Nuôi nói: “Mừng, mừng quá cháu ơi! Được Nhà nước hỗ trợ 34 triệu đồng, hôm nay lại được các chú bộ đội Tây Đô giúp đỡ ngày công cất nhà, tui mừng không sao ngủ được”. Trời càng về trưa, nắng càng gay gắt, nhưng trên “công trường” cất nhà tình nghĩa của chú Chín Nuôi các chiến sĩ vẫn hăng say, ai nấy mặt đỏ hây, lưng áo ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn hì hục đào hố cột, đóng cừ, ban nền... Trung sĩ Huỳnh Minh Giàu, chiến sĩ Trung đội Hỏa lực, vui vẻ nói: “Mỗi lần hành quân dã ngoại, lao động giúp dân như thế này càng rèn luyện thêm ý chí và giúp tụi em hiểu hết truyền thống, ý nghĩa tình quân dân. Bởi vậy, tụi em rất mong muốn giúp dân thật nhiều, thật nhiều anh ạ”. Thấy nhà chú Chín Nuôi có bộ đội đến giúp cất nhà, ông Sáu Huyện, 70 tuổi, người hàng xóm cũng bế cháu ngoại sang góp chuyện vui. Ông Sáu Huyện nhận xét: “Tưởng các chú bộ đội Tây Đô chỉ đánh giặc giỏi, ai ngờ cất nhà cũng êm quá ta!”. Nghe vậy, Binh nhất Đặng Minh Đức, đang lom khom ban nền ngước lên lau vội mấy giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt trẻ trung, đáp lại: “Qua nhiều lần hành quân dã ngoại về giúp dân cất nhà, tụi cháu học được nghề xây dựng đấy chú Sáu ơi!”.

Trên đường trở về Ban Chỉ huy đoàn công tác, tôi ghé nhà chị Lê Thị Luối, ở ấp 2. Tại đây, 4 chiến sĩ đang khiêng gạch, trộn hồ tiếp gia đình chị Luối xây thêm chái nhà phía sau hè. Chị Luối nói: “Tội nghiệp mấy chú bộ đội, đi làm đường từ sáng tới giờ đã mệt, vừa về thấy gia đình đang cất nhà lại xông vô giúp liền. Mấy ngày ăn ở trong nhà, các chú lễ phép, siêng năng hết sức; hễ đi đâu thì thôi, còn về tới nhà thấy gia đình đang làm việc gì cũng đều xông vô làm tiếp, nhiệt tình như con cháu trong nhà vậy”.

Đại tá Nguyễn Văn Ánh, Chỉ huy trưởng đoàn công tác, cho biết: “Bên cạnh tập trung tổ chức lao động thực hiện các công trình xã hội, khi về ăn ở trong các gia đình, các chiến sĩ luôn có ý thức giúp bà con những công việc trong gia đình, được bà con tin tưởng, yêu mến”.

*Bộ đội trị bệnh hay lắm!

Các bác sĩ Ban Quân y Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố khám bệnh miễn phí cho người dân xã Thới Hưng.

Đó là lời nhận xét rất chân tình của bà Trần Thị Sỏi, 76 tuổi, ở ấp 2, xã Thới Hưng. Đầu tháng 3-2008 bệnh tai biến làm bà Sỏi bị bại liệt cả người, không thể đi lại được, phải nằm một chỗ. Gia đình đã đưa bà đi chữa trị nhiều nơi, tốn hàng chục triệu đồng nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Khi hành quân về đây, hay tin bà Sỏi bị căn bệnh hiểm nghèo, Ban Chỉ huy đoàn công tác đã quyết định cử Thiếu tá Nguyễn Văn Tiến, Bác sĩ Bệnh xá Bộ CHQS thành phố, đến nhà trực tiếp khám và chữa trị. Sau 10 ngày điều trị bằng phương pháp đông tây y kết hợp, Thiếu tá Tiến đã giúp bà Sỏi cử động được chân tay và từng bước hồi phục. Hôm tôi đến thăm, bà Sỏi xúc động không cầm nổi nước mắt, sụt sùi nói: “Nhờ có các bác sĩ bộ đội cứu giúp, bây giờ sức khoẻ của tôi đã khá hơn trước. Gia đình tôi mang ơn bộ đội nhiều lắm!”.

Không chỉ riêng bà Sỏi, ngày 27-9, Bộ CHQS thành phố còn tổ chức đoàn khám bệnh 30 bác sĩ gồm Ban Quân y, các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố và Công ty cổ phần Dược Hậu Giang đến xã Thới Hưng khám cấp thuốc miễn phí cho 500 bệnh nhân thuộc gia đình chính sách, gia đình nghèo. Hôm ấy, mới 7 giờ sáng rất nhiều bà con đã có mặt tại hội trường xã Thới Hưng, nơi đặt phòng khám dã chiến để được khám bệnh. Thật xúc động, trong đám đông ngồi chờ đó có cả những cụ già yếu không thể tự đi lại được, được người thân dìu đến để khám bệnh. Bà Huỳnh Thị Út, 69 tuổi, ở ấp 2, đang ngồi cùng chồng mình là ông Lê Hồng Thanh, 72 tuổi ở ghế đá trước sân chờ bác sĩ khám, nói: “Tội nghiệp ổng quá, mắc phải bệnh tai biến, 8 năm nay đi đâu cũng phải có người dìu. Gia đình đã tốn rất nhiều tiền để trị nhưng bệnh tình cũng không khỏi. Hôm qua, được cán bộ xã đến nhà phát phiếu khám bệnh miễn phí gia đình mừng lắm, sáng nay tôi nghỉ đi ruộng chở ổng ra đây khám bệnh”.

Trong phòng dã chiến rộng 100 mét vuông, các bác sĩ ngồi ở hai dãy bàn người khám bệnh, người kê toa, người hướng dẫn cách phòng tránh bệnh cho bà con rất tất bật, không có thời gian rảnh tay. Đại úy Lê Văn Thắng, Bác sĩ điều trị Bệnh xá Bộ CHQS thành phố, nói: “Bà con ở nông thôn do điều kiện kinh tế, đi lại khó khăn, khi bị bệnh thường không được chữa trị, hoặc chữa trị không đến nơi, đến chốn nên bệnh tình ngày càng nặng thêm. Vì thế, mỗi lần về tổ chức khám bệnh cho bà con, chúng tôi luôn khám kỹ để phát hiện bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con cách phòng bệnh thật chu đáo”. Vì sự tận tụy và tinh thần trách nhiệm cao của người thầy thuốc mang quân hàm, nhiều năm qua, Đại úy Lê Văn Thắng được coi là “thần y” trong những lần Bộ CHQS thành phố tổ chức đoàn về khám bệnh cho dân và khám ở đâu anh cũng được bà con tin yêu, quý mến. Ông Đào Mít, 81 tuổi, người dân tộc Khmer, ở ấp 8, vừa được Đại úy Lê Văn Thắng khám bệnh, đứng dậy cầm toa thuốc lom khom bước ra “quầy dược” để nhận thuốc, tấm tắc khen: “Chú Thắng tính tình vui vẻ, khám bệnh cũng rất kỹ càng. Được chú Thắng khám bệnh, kê toa tôi tin tưởng bệnh đau thần kinh tọa của tôi sẽ bớt”.

Công việc khám bệnh và cấp thuốc cho bà con kết thúc khi trời đã xế trưa. Các bác sĩ ai cũng thấm mệt nhưng khuôn mặt lộ rõ niềm vui, vì đã làm được một việc hiếu nghĩa với bà con nơi đây.

Đồng chí Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hưng, nói: “Trong thời gian hành quân về đây, các chiến sĩ Bộ CHQS thành phố đã giúp nhân dân địa phương rất nhiều việc có ý nghĩa. Nhờ có các anh, bây giờ các tuyến đường của xã, ấp sạch đẹp, đi lại dễ dàng hơn; nhiều bà con đã được hiểu và chấp hành pháp luật tốt hơn. Bà con Thới Hưng biết ơn các anh rất nhiều. Mong rằng sẽ có nhiều đợt bộ đội về giúp Thới Hưng hơn nữa”.

***

Tôi rời Thới Hưng khi đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ giữa các chiến sĩ và thanh niên của địa phương đã diễn ra tại Trường THPT Trần Ngọc Hoằng. Những lời ca, tiếng hát của chiến sĩ và thanh niên địa phương lần lượt ngân vang theo điệu nhạc và tiếng vỗ tay tán thưởng của khán giả đã xua tan không khí tĩnh mịch của vùng thôn quê. Những việc làm của các chiến sĩ Bộ CHQS thành phố trong đợt hành quân đã để lại tình cảm nồng ấm, ấn tượng khó phai trong lòng mỗi người dân nơi đây và tình cảm ấy sẽ mãi mãi bền chặt, không bao giờ kết thúc.

Chia sẻ bài viết