04/03/2012 - 09:41

Thăm lại căn cứ Lò Mo

Chú Ba Đủ bên miếng ruộng giữa căn cứ
Lò Mo xưa.

Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm nhưng trong trí nhớ của chú Ba vẫn như mới hôm qua.

Năm 1974- 1975, chú Ba, tên thật là Trần Văn Đủ, là Bí thư chi bộ xã Trường Thành, Huyện ủy viên huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Vào thời điểm giai đoạn cuối chiến tranh cục bộ sắp chuyển sang Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1970) của giặc Mỹ. Địch tăng cường càn quét mở liên tục những cuộc hành quân lớn nhỏ, lấn chiếm vào vùng sâu, xa. Lấn chiếm tới đâu chúng đóng đồn bót tới đó. Xã Trường Thành nằm về phía Tây của TP Cần Thơ - thủ phủ của quân đoàn IV ngụy và sân bay Trà Nóc. Để bảo vệ vững chắc đầu não, giặc ra sức lùng sục khắp nơi cố đẩy lùi quân cách mạng đi càng xa càng tốt. Ta có chủ trương bám chặt địa bàn, củng cố lực lượng sẵn sàng tấn công vào đầu não của giặc khi có lệnh. Lò Mo được Huyện ủy Ô Môn chọn làm căn cứ cách mạng. Đây là căn cứ trong nách của giặc vì bốn phía có 4 đồn lớn mỗi đồn có cả đại đội như: đồn Đầu Trâu phía Đông, đồn Bông Giếng phía Nam, đồn Ông Vịnh phía Tây, đồn Ba Đá phía Bắc. Đồn này cách đồn kia không quá 1 cây rưỡi số. Nếu như ta bửa củi có thể lính gác trên đồn nghe thấy.

Để hoạt động ở đây cán bộ, chiến sĩ phải tuân thủ 3 điều cấm kỵ: không gây khói, không tiếng động, không dấu chân. Muốn bửa củi phải đợi máy bay bay ngang qua, lợi dụng tiếng ồn, nương theo mà bửa củi. Không còn một người dân ở đây. Tới mùa bà con gieo sạ, gặt hái rồi đi. Khi bà con ngang qua đồn bót, lính chận xét nghiêm ngặt chỉ cho mang theo 3 bữa gạo nấu cơm, nhúng ướt một phần gạo phải nấu ăn liền. Ý định của giặc kềm kẹp bao vây chặt cho bộ đội cách mạng không có ăn, phải đói. Vậy mà, nhân dân Trường Thành lòn lỏi bằng nhiều cách giúp cho bộ đội luôn đủ ăn để đánh giặc.

Cơ quan Huyện ủy Ô Môn, Huyện đội Ô Môn, Dân y, chi bộ xã Trường Thành... đóng ở đây. Từng lúc có những đơn vị trên xuống gồm Tiểu đoàn 8 đặc công, tiểu đoàn 6 pháo binh mật danh là K51 hoặc một bộ phận của Trung đoàn 21, trung đoàn 10 về đây triển khai kế hoạch tấn công sân bay Trà Nóc- Cần Thơ. Thời gian 1973-1974, đồng chí Trần Nam Trung, Khu ủy viên Khu Tây Nam Bộ còn về đây trực tiếp chỉ đạo. Tỉnh Cần Thơ có đồng chí Bảy Mạnh (Trần Minh Sơn), Trần Nam Phú, Trưởng An ninh tỉnh Cần Thơ, Phạm Ngọc Bé, Phó An ninh tỉnh cũng thường xuyên ở đây. Căn cứ Lò Mo là nơi điều nghiên trận địa, bàn kế hoạch chỉ đạo cho các cuộc tấn công vào đầu não giặc. Đây cũng là nơi cấp lãnh đạo cách mạng và bộ đội nghỉ ngơi, còn là kho dự trữ lương thực cho các đơn vị chiến đấu như: Tiểu đoàn Tây Đô, Chủ lực Miền, đơn vị Địa phương quân... Lúa dự trữ luôn có trên dưới 2 ngàn giạ, đủ để cung ứng kịp thời cho cán bộ, bộ đội dùng cả năm. Căn cứ Lò Mo giữ vững an toàn mãi đến đầu tháng giêng năm 1975, sư đoàn 9 và sư đoàn 21 của ngụy càn vô, khi đó bộ đội của ta đã bung ra đi đánh các nơi, không còn ai ở đây. Địch càn vô đốt và phá hủy gần cả ngàn giạ lúa.

Chú Ba giải thích sự an toàn ở Lò Mo: căn cứ của ta ở trong nách giặc “nơi nguy hiểm là nơi an toàn”, địa thế ở Lò Mo ngoài sông rạch chằng chịt, còn có vườn cây rậm rạp liên tiếp nhau tạo nên một thế liên hoàn che mắt giặc; tiếp đó là công sự, cách bố phòng bãi mìn, rào chắn rất phức tạp, nếu như giặc càn vô cũng rất khó khăn, thương vong không ít, chưa nói đến việc ta chặn đánh. Điều quan trọng nhất là cán bộ, chiến sĩ là được dân thương, dân đùm bọc. Lò Mo đã từng hứng chịu nhiều đợt máy bay giặc phun thuốc độc hóa học khai hoang tiêu diệt màu xanh trên mặt đất. Nhưng với sức chịu đựng bền bỉ của đất, của người, chỉ qua một năm màu xanh lại phục hồi.

***

Từ UBND xã Trường Thành qua cầu ngọn rạch Cầu Nhiếm rẽ phải một đổi là đến rạch Lò Mo. Căn cứ Lò Mo xưa giờ nằm trên 2 ấp: Trường Tây, Trường Thạnh, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ. Lò Mo hôm nay là một vùng quê thanh bình, rợp bóng cây ăn trái: nhãn, vú sữa, măng cụt, sầu riêng, lúa oằn bông trĩu hạt, đường sá, cầu cống tráng xi măng liên tiếp sạch đẹp, nhà nhà khang trang giàu khá. Ghé thăm nhà ông Võ Văn Điền ở ấp Trường Tây sẽ thấy rõ điều đó. Ông Điền có 7 công rưỡi vườn vú sữa và sầu riêng. Sầu riêng sửa soạn ra bông, còn vú sữa trái oằn cây. Ông Điền hồ hởi nói: “Tôi trồng 2 giống vú sữa: Lò Rèn và Cà Na. Đã bán một đợt Tết rồi, nửa tháng tới bán tiếp. Thương lái vô vườn có bao nhiêu cân hết ráo. Mỗi ký 8.000 đồng, mỗi năm tôi thu hoạch cây trái non trăm triệu đồng. Lúa trúng lắm. Vụ này mỗi công được khoảng 50 giạ (10 tấn/ha) trở lên. Cần cù siêng năng và ứng dụng khoa học vào đồng ruộng, nhân dân Lò Mo đang phất lên...”.

Chúng tôi đi thăm một khoảng ruộng ngẫu nhiên. Lúa đang vào thời kỳ trổ rộ, so bông như đũa giắt trong ống thấy mê. Chú Ba Đủ chỉ tay vô khu vườn nói: “Đây là nơi Huyện ủy Ô Môn đóng, phía bên kia là cơ quan dân y...”. Trong đôi mắt nhấp nháy của chú như sáng lên hình ảnh như mới hôm nào còn đồng đội, đồng chí bên nhau, chia nhau từng miếng cơm, điếu thuốc... Chia nhau cả sự sống chết để giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Bà con trong xóm hỏi chú Ba: “Chừng nào đo đạc dựng bia di tích căn cứ Lò Mo hả chú Ba?”. Chú Ba nói: “Được biết nhân dân Lò Mo trông chờ dựng bia di tích để nhớ một thời oanh liệt của nhân dân Trường Thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ! Để đời sau nhớ một quá khứ bi hùng trên vùng đất Trường Thành!”.

Đồng chí Nguyễn Quít, Bí thư Đảng ủy xã Trường Thành cho biết việc dựng bia đã có nhiều lần đề nghị về trên, chờ trên xem xét.

Tâm nguyện cán bộ và nhân dân Trường Thành: căn cứ Lò Mo xứng đáng được xây dựng khu di tích thời chiến tranh chống Mỹ.

Hửng nắng tháng giêng, gió thoảng đưa hương hoa trái làm cho lòng người ngây ngất trên một vùng quê yên bình, thịnh vượng.

NHẬT HỒNG

Chia sẻ bài viết