31/03/2016 - 20:15

Té nước giải nhiệt tháng tư

Tháng tư được dự báo rất nóng, nhiệt độ có thể lên đến 37- 390C. Với tiết trời như thế, chơi "té nước" là chọn lựa thích hợp, vừa để giải nhiệt, vừa hòa nhập vào nền văn hóa đậm chất tín ngưỡng tôn giáo của người dân bản địa các quốc gia Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar. Một lần vui Tết té nước sẽ để lại những kỷ niệm khó quên cho du khách.

Té nước là một trong nhiều hoạt động tín ngưỡng, văn hóa trong Tết cổ truyền Songkran (Thái Lan), Chôl Chnăm Thmây (Campuchia), Bunpimay (Lào), Thingyang (Myanmar) diễn ra vào trung tuần tháng tư dương lịch hằng năm. Khi du lịch phát triển, té nước trở thành "đặc sản" để thu hút khách du lịch. Và cũng từ đó, Tết cổ truyền của các quốc gia Phật giáo Nam tông đều được du khách Việt gọi chung là lễ té nước cho dễ nhớ. Lễ té nước thường diễn ra sôi động nhất ở các cố đô, thủ đô và các thành phố lớn, nhất là các khu phố Tây tại các thành phố du lịch.

Người dân ở các quốc gia theo Phật giáo Nam tông cho rằng, té nước dịp năm mới là để gột rửa những xui rủi, không may của năm cũ; thay vào đó, may mắn sẽ tràn ngập năm mới. Ban đầu, người ta chỉ rưới nhẹ nước ngâm các loại hoa thơm lên người nhau. Khi trở thành hoạt động đường phố ngày Tết, té nước trở nên sôi động hơn. Người ta dùng cả thau nước, súng nhựa bắn nước, thậm chí là vòi xịt để té nước vào nhau một cách vui vẻ. Tất nhiên, đó là nước sạch nên du khách không nên ngần ngại mà cứ vui chơi hết mình. Hoạt động té nước trên đường phố thường diễn ra vào buổi trưa và kéo dài 4-6 giờ liên tục. Đó cũng là thời điểm oi bức nên té nước vào nhau không chỉ là lời chúc phúc nhiệt thành của người bản địa với nhau và với du khách mà còn thú vị bởi chức năng…giải nhiệt!

 Người dân Lào chơi té nước đón năm mới.

Để sẵn sàng cho cuộc chơi, du khách cần chuẩn bị kỹ lưỡng. Nên dùng túi nhựa chuyên dụng để bảo vệ máy ảnh hoặc sử dụng máy ảnh chịu nước; dùng túi nhựa bảo vệ các thiết bị điện tử mang theo người; đặc biệt là giữ chắc tiền bạc, giấy tờ tùy thân mang theo người vì vận động, di chuyển nhiều rất dễ bị rớt mất. Ở các vùng này không có tình trạng móc túi, cướp giật nên du khách khá an tâm khi hòa mình vào không khí lễ hội.

Tết cổ truyền của các quốc gia Phật giáo Nam tông như Campuchia, Lào, Thái Lan và Myanmar diễn ra trong 3 ngày (từ 13 đến 15- 4 dương lịch).

Ban ngày, hoạt động tín ngưỡng và sinh hoạt tập thể thường diễn ra tại chùa. Người dân vào chùa tắm Phật, cúng dường, xây tháp cát… Người trẻ tham gia các trò chơi tập thể do nhà chùa tổ chức. Đến giờ té nước, từng đoàn người kéo nhau ra đường và tung nước, bột màu vào nhau.

Ban đêm, các khu phố trung tâm là vui nhất, nhất là các khu phố Tây. Sân khấu nhạc mọc lên khắp nơi, phục vụ người dân và du khách. Các phố sinh động với điệu múa lâm-thôn, lam-vông…

Ở Thái Lan và Campuchia, nhất là tại các phố Tây, ngoài té nước, người ta còn ném bột màu vào nhau, tạo một không gian vui nhộn và đầy màu sắc. Nếu như té nước chỉ diễn ra vào buổi trưa nắng gắt thì ném bột màu lại diễn ra bất cứ lúc nào, nhất là vào ban đêm khi phố đã lên đèn. Bột màu, phấn thơm được bán tại quầy tạp hóa, cửa hàng tiện ích dọc các con phố. Mọi người đều chuẩn bị cho mình vài túi nhỏ bột màu, phấn thơm để tung vào đám đông, bôi lên mặt, lên người khách qua lại. Dù bạn không trực tiếp tham gia mà ngồi ở các quán xá thưởng thức không khí lễ hội thì cũng đừng ngạc nhiên khi có người bất ngờ tung bột màu lên người bạn kèm theo lời chúc mừng năm mới đầy thân thiện.

Trong 4 quốc gia Phật giáo Nam tông gần Việt Nam, có đến 3 quốc gia rất thuận tiện cho du khách Việt cả về phương tiện hàng không lẫn đường bộ là Thái Lan, Campuchia và Lào. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ di chuyển bằng xe khách hoặc 1- 2 giờ ngồi máy bay, du khách đã đặt chân đến thủ đô, thành phố lớn của các quốc gia này. Thay vì phải chờ kỳ nghỉ lễ dài dịp 30- 4 năm nay, nhiều người lại chọn du lịch thời điểm trung tuần tháng tư để chơi té nước. Với sự lựa chọn này, du khách vừa tránh được sự đông đúc và cả "chặt chém" tại một số khu du lịch trong nước dịp lễ, vừa trải nghiệm một nền văn hóa khác vào thời điểm vui nhất, sôi động nhất trong năm.

Tại Cần Thơ và một số tỉnh ĐBSCL có xe đi thẳng Phnôm Pênh. Từ đây, du khách nối chuyến tiếp theo đi tiếp Siem Reap (Campuchia) hoặc Bangkok (Thái Lan), Vientaine (Lào). Tại TP Hồ Chí Minh, có xe đi thẳng cả các tuyến Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok và Champasak, Vientiane. Giá vé dao động từ vài trăm ngàn đến 1,5 triệu đồng tùy tuyến đường và thương hiệu xe.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết