23/07/2022 - 10:39

Tay hòm chìa khóa thời “bão giá” 

Xoay xở các khoản chi tiêu, nhất là đảm bảo dinh dưỡng cho bữa cơm gia đình giữa thời “bão giá” là một trong những vấn đề đang được chị em quan tâm. “Cái khó ló cái khôn”, nhiều người đã chủ động sắp xếp lại sinh hoạt, mua sắm hay tìm thêm việc làm để tăng thu nhập, giúp gia đình vượt qua khó khăn trước mắt.

Nhiều gia đình linh hoạt, tổ chức bữa cơm đảm bảo dinh dưỡng cho các thành viên dù vật giá leo thang.

Nhiều gia đình linh hoạt, tổ chức bữa cơm đảm bảo dinh dưỡng cho các thành viên dù vật giá leo thang.

Gia đình chị Nguyễn Thị Kim Dung ở ấp Thạnh Trung, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, có 5 người, gồm vợ chồng, hai con nhỏ và cha già hơn 80 tuổi. Chồng chị làm công nhân nhà máy xay lúa gần nhà. Chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp kiêm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Tổng thu nhập của hai vợ chồng tầm hơn 8 triệu đồng/tháng. Lúc trước, thỉnh thoảng có thiếu hụt nhưng chị cố gắng vun vén. Cuộc sống thêm phần chật vật khi ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là gần đây, giá cả nhiều mặt hàng đều tăng. “Tôi phải suy nghĩ nhiều cách để sinh hoạt gia đình không bị xáo trộn, nhất là lo 3 bữa cơm đầy đủ dinh dưỡng cho các thành viên, vì nhà tôi vừa có người già, vừa có trẻ nhỏ” - chị Kim Dung tâm sự.

Chị Kim Dung bắt đầu điều chỉnh lại những thói quen gia đình. Cả nhà chị không còn ăn sáng hay uống cà phê ở chợ, hàng quán nữa. Hằng ngày, chị tranh thủ dậy sớm nấu điểm tâm cho các thành viên để giảm chi phí. Bữa cơm gia đình cũng được chị vén khéo hơn. Để tăng thu nhập, sau giờ tan ca ở nhà máy, chị và ông xã mở thêm cơ sở rửa xe tại nhà cho các mối quen trong xóm. Bài toán về chi tiêu, nhất là đảm bảo bữa cơm gia đình được vợ chồng chị Kim Dung giải quyết rất linh hoạt.

Nhà chị Võ Thị Phương Thảo ở phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, cũng có 5 thành viên, gồm vợ chồng, hai trẻ nhỏ đang học mầm non và bà nội hơn 80 tuổi. Chị Thảo kể: “Cả hai vợ chồng đi làm, thu nhập hằng tháng gộp lại cũng tầm hơn 15 triệu đồng. Trước cơn “bão giá”, tôi phải tính toán thật kỹ cho từng buổi chợ. Ngoài khẩu phần ăn của bà nội và các con vẫn giữ nguyên, bữa cơm của vợ chồng tôi, mỗi thứ bớt lại một chút, hướng tới tiêu chí vừa đủ dinh dưỡng chứ không phung phí như trước. Ngoài ra, ở nhà tôi cũng tự làm dưa muối; tìm mối mua rau củ tận vườn với số lượng lớn, vừa để dùng vừa chia lại cho chị em trong xóm với giá hữu nghị, coi như lấy công làm lời”. Chồng chị Thảo sau giờ làm việc cũng xin giữ xe cho quán cà phê gần nhà để “góp củi” cho vợ thổi cơm.

Chuyện giá cả tăng vọt, phải sắp xếp lại sinh hoạt, chi tiêu hằng ngày không là vấn đề riêng của gia đình nào. Chị Hồng Loan ở quận Ninh Kiều, bày tỏ: “Vợ chồng tôi đều làm nhân viên văn phòng, thu nhập ổn định hơn 20 triệu đồng tháng, có một con nhỏ. Trước giờ, vợ chồng vẫn có thói quen ăn sáng ở bên ngoài cho tiện, lại có thể chọn món theo sở thích. Chồng tôi khá cầu kỳ trong ăn uống, bữa cơm gia đình phải có đầy đủ 3 món canh, mặn, xào. Nhưng gần đây, giá cả sinh hoạt tăng, vợ chồng tôi phải suy nghĩ, cân đối lại chi tiêu. Thay vì ăn sáng bên ngoài mỗi ngày, gia đình chỉ dùng điểm tâm quán vào dịp cuối tuần, còn lại thì vợ chồng tự nấu tại nhà. Tôi cũng rủ chồng đi chợ cùng vài lần, để cho ảnh thấy tuy rằng thu nhập của vợ chồng thuộc mức khá, nhưng chi phí tăng vọt cũng ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình. Con tôi chuẩn bị vào cấp 3, sẽ có nhiều thứ cần chi tiêu, nên những gì tiết kiệm được thì chúng tôi hết sức cố gắng”.

Mặc dù việc sắp xếp lại sinh hoạt và chi tiêu lúc ban đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng theo các gia đình, chỉ qua một thời gian ngắn, các thành viên sẽ dần quen. Đặc biệt, việc cùng đi chợ, chuẩn bị bữa ăn, giúp các ông chồng, con cái thấu hiểu và cảm thông với các mẹ nhiều hơn. Điều quan trọng là, các gia đình linh hoạt thích ứng, chủ động làm những người tiêu dùng thông minh trước thời “bão giá” để dù trong hoàn cảnh nào, gian bếp của ngôi nhà cũng “đỏ lửa”, bữa cơm gia đình luôn đầy ắp yêu thương, ấm áp…

Bài, ảnh: ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết