 |
Các tay vợt Tây Ban Nha nâng chiếc cúp Davis. Ảnh: Getty |
3 trận thắng và 1 trận thua trước các tay vợt Argentina (trận đơn giữa Ferrer và Monaco không cần diễn ra) đã mang lại chức vô địch Davis Cup thứ năm trong vòng 12 năm cho Tây Ban Nha. Trong vòng ba năm gần đây, sự thống trị ở môn quần vợt cũng gần giống như cách mà Tây Ban Nha áp đảo thế giới ở môn bóng đá, vô địch châu Âu và thế giới.
Rafael Nadal đã kết thúc năm thất bát của mình bằng những rung cảm thật sự khi anh “hồi sinh” trở lại đánh bại tay vợt Juan Martin Del Porto ở trận đấu quyết định, giúp Tây Ban Nha giành chiếc cúp Davis lần thứ năm hôm 11-12. Sau khi để thua Jan Monaco trong trận đánh đơn hôm 9-12, nhà vô địch 10 Grand Slam đã nỗ lực để khuất phục Del Potro, tước mất mọi công sức của Argentina trên chặng đường tìm kiếm danh hiệu đầu tiên sau 4 lần vào tới trận chung kết cúp Davis.
Với chiến thắng này, Nadal cùng đồng đội đang đưa quần vợt Tây Ban Nha vươn tới đỉnh cao của thế giới. Thời điểm tháng 9-2010, Tây Ban Nha có 2 vận động viên quần vợt nằm trong tốp 10 là Nadal và Verdasco, 2 tay vợt trong tốp 20 là Ferrer và Almagro và 3 người trong tốp 30 là Montanes, Ferrero và Lopez. Không có quốc gia nào sánh kịp với Tây Ban Nha về số lượng và chất lượng trong làng banh nỉ. Cũng trong thời điểm này, quần vợt Mỹ đang suy thoái kéo dài. 8 năm qua, Mỹ không có nhà vô địch Grand Slam của nam, thỉnh thoảng mới có một người ngoi lên được tốp 10 là Roddick hoặc là Fish.
Sức mạnh của các tay vợt Tây Ban Nha đặc biệt vượt trội so với phần còn lại của thế giới khi họ thi đấu trên sân đất nện. Nhiều người cho rằng ở một đất nước mà hơn 90% số sân quần vợt là đất nện thì việc sản sinh ra những chuyên gia trên mặt sân màu đỏ này là đương nhiên. Các tay vợt Tây Ban Nha nói chung có nền tảng thể lực siêu việt. Nadal và Ferrer vẫn là những người khỏe nhất hiện tại, khi tay vợt hàng số một thế giới Novak Djokovic đang dính chấn thương, còn cựu số một thế giới Roger Ferderer đang bước sang bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Sau sự thống trị của Mỹ giai đoạn 1968-1972 với 5 chức vô địch nhờ các tay vợt trứ danh ngày đó như Arthur Ashe, Clark Graebner, Stan Smith, Bob Lutz, Cliff Richey, Erik van Dillen, Frank và Tom Gorman Froehling, một cường quốc quần vợt mới thực sự đang nổi lên. Bởi Úc phải mất 21 năm (1973-2003) mới giành được 6 chiếc cúp trong tổng số 19 lần vô địch, Anh có 9 chức vô địch nhưng lần gần nhất là năm 1936, Pháp cũng có 9 lần vô địch nhưng chỉ 3 lần giành được kể từ năm 1968, và Thụy Điển mất 20 năm để giành 5 cúp đầu tiên rồi thêm 4 năm để bổ sung 2 cái nữa.
THÁI BÌNH (Tổng hợp)