23/12/2023 - 12:41

Chuyển đổi số ngành Y tế

Tất cả vì lợi ích của bệnh nhân 

Y tế được xác định là một trong những ngành ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Thời gian qua, ngành Y tế cả nước đã nhập cuộc chuyển đổi số và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, một số nơi còn gặp nhiều khó khăn, nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số chưa đáp ứng yêu cầu. Ðể hỗ trợ ngành Y tế tăng tốc chuyển đổi số cần sự quan tâm toàn diện và đồng bộ hơn.

Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế (thứ 2, bên phải) tham quan hệ thống trang thiết bị hiện đại của BV Đa khoa Hòa Hảo - Medic Cần Thơ. Thời gian qua, BV ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối với các chuyên gia, nâng cao hiệu quả hội chẩn trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, cận lâm sàng cho người bệnh.

Bước tiến nhảy vọt

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương, cho biết: “Sau hơn 20 năm ứng dụng công nghệ thông tin, hiện nay có thể thấy, mọi chỗ, mọi nơi của BV đều có dấu ấn chuyển đổi số. BV ngày càng tiệm cận với công nghệ số hiện đại, ứng dụng nhiều phần mềm tiên tiến trong quản lý điều hành, tài chính, viện phí, các phần mềm quản lý về xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, kết nối hội chẩn giữa các bác sĩ lâm sàng và cận lâm sàng lựa chọn phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh…”. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, thầy thuốc và bệnh nhân cũng kết nối chặt chẽ hơn. BV có trung tâm chăm sóc khách hàng, triển khai các ứng dụng giúp bệnh nhân lựa chọn bác sĩ chuyên khoa, sắp lịch hẹn tự động; tạo hồ sơ lưu trữ thông tin sức khỏe, tiền sử bệnh tật, phác đồ điều trị của bệnh nhân.

Theo PGS.TS Vũ Xuân Phú, lượng bệnh và các dịch vụ kỹ thuật tại BV đồng thời tăng, công tác quản lý điều hành BV, quản lý tài chính, thông tin báo cáo,… đều ứng dụng công nghệ thông tin, hoạt động thông suốt. BV còn quản lý chương trình lao quốc gia, triển khai ở khắp 63 tỉnh, thành trong cả nước với các phần mềm cập nhật dữ liệu bệnh nhân, tình trạng, mức độ bệnh, phác đồ điều trị và sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia (Bộ Y tế), cho biết, từ lâu, ngành Y tế nước ta đã vận dụng công nghệ thông tin, nhưng giai đoạn hiện nay, có những bước tiến nhảy vọt trong tất cả các lĩnh vực, từ công tác quản lý đến chuyên môn khám, chữa bệnh. Một trong những thành tựu nổi bật năm 2023 của chuyển đổi số ngành Y tế là ứng dụng chương trình khám chữa bệnh từ xa Telehealth, đã được triển khai ở 25 tỉnh thành, tiến tới sẽ mở rộng trong cả nước. Qua đó, kết nối, phát huy nguồn lực cán bộ y tế và các cơ sở y tế, tổ chức hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa cho người dân khắp mọi miền. Người bệnh ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa được kết nối, tiếp cận với các chuyên gia tuyến Trung ương để chữa bệnh đạt hiệu quả, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho đội ngũ cán bộ y tế, rút ngắn khoảng cách giữa y tế các tuyến.

Chuyển đổi số toàn diện

Theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế cần được ưu tiên chuyển đổi số hàng đầu. Thời gian qua, các đơn vị, địa phương đã nỗ lực, ưu tiên nhiều nguồn lực triển khai chuyển đổi số y tế. Ðến nay, công cuộc chuyển đổi số y tế đã đạt được các kết quả tích cực, thay đổi nhận thức, kiến tạo thể chế, phát triển hạ tầng số, phát triển các nền tảng số, an toàn, an ninh mạng…

Trong chương trình truyền hình trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi số Y tế - Tất cả vì người bệnh” do Báo Sức khỏe và Ðời sống phối hợp với Văn phòng Bộ Y tế tổ chức, ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, cho biết, để chuyển đổi số đạt hiệu quả, ngành Y tế cần triển khai triệt để và toàn diện 4 nhóm ứng dụng. Trước hết, là ứng dụng phần mềm quản lý thông tin BV; thứ 2 là bệnh án điện tử, số hóa thông tin sức khỏe người dân giúp BV quản lý được toàn diện dữ liệu bệnh nhân trong quy trình khám bệnh, nhất là điều trị nội trú. Thứ 3, về mặt xét nghiệm, tận dụng hiệu quả các kết quả xét nghiệm, liên thông nội viện và các cơ sở y tế. Thứ 4, vận hành hệ thống lưu trữ và chuyển tải hình ảnh y khoa.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, đây là 4 hệ thống ứng dụng cốt lõi mà các BV cần triển khai đồng bộ và kết nối liên thông dữ liệu hiệu quả. Bên cạnh đó, BV cũng triển khai các hệ thống phụ trợ như hỗ trợ người dân đặt lịch khám tại nhà; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tích hợp các thiết bị y tế thông minh trong quản lý, giám sát thông tin sức khỏe người bệnh trong các phòng bệnh nặng;…

Theo Bộ Y tế, chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 phải xây dựng được nền y tế thông minh với 3 nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Theo đánh giá của Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, hiện nay nhiều BV chậm chuyển đổi số, do nhiều yếu tố như BV chưa quan tâm hoặc còn loay hoay, chưa biết làm thế nào cho đúng, cán bộ thiếu chuyên môn nghiệp vụ, chưa có nguồn lực đầu tư cho chuyển đổi số…

Trong Hội nghị chuyển đổi số năm 2023, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, chuyển đổi số là trọng tâm công tác của ngành Y tế, ưu tiên nguồn lực công nghệ thông tin để đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, nâng cao năng lực ngành y. Hiện nay, nhiều chính sách pháp luật và các văn bản hướng dẫn cụ thể đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành Y tế thuận lợi triển khai chuyển đổi số.

BV Đa khoa TP Cần Thơ vận dụng hệ thống lưu trữ hình ảnh chẩn đoán y khoa, giúp cán bộ y tế thuận tiện liên thông kết quả chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân.

Chẳng hạn, Thông tư 54/2017/TT-BYT, về Bộ tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám chữa bệnh giúp các BV đánh giá tổng thể, xác định các mức ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai phù hợp cả về mô hình và điều kiện thực tiễn của đơn vị. Thông tư 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử giúp BV triển khai bệnh án đúng các quy định hướng dẫn của Bộ Y tế, tiền đề thuận lợi để thời gian tới thống nhất, đồng bộ dữ liệu bệnh nhân trong cả nước. Thông tư 04/2022/TT-BYT về việc kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử,… giúp cơ sở y tế đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong việc kê đơn, cấp thuốc. Ðồng thời, giảm tình trạng lạm dụng thuốc, giảm rủi ro tương tác thuốc, đảm bảo an toàn cho người bệnh…

Bên cạnh đó, Quyết định 2955/QÐ-BYT phê duyệt kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số y tế thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định 4 nền tảng số về y tế cần được đẩy mạnh gồm: nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử, nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, nền tảng quản lý tiêm chủng và nền tảng quản lý trạm y tế.

Mục tiêu đặt ra cho ngành Y tế là mỗi người dân cần có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử, giúp người thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân liên tục, toàn diện. Thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt giữa các tuyến giúp việc chẩn đoán và phối hợp điều trị tốt hơn. Khi thông tin về khám chữa bệnh của người bệnh minh bạch, giúp cho việc quản lý chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dễ dàng hơn, hạn chế lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Như vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, để khởi tạo gần 100 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử cho tổng dân số toàn quốc, đặt ra trọng trách rất lớn cho hệ thống y tế cơ sở, nhất là mạng lưới trạm y tế. Vì thế, ngành Y tế tranh thủ kết nối với các bộ, ngành, để tận dụng, tích hợp và liên thông các kho dữ liệu điện tử. Ngoài ra, với những thay đổi về kết cấu giá dịch vụ y tế bao gồm cả chi phí công nghệ thông tin, giúp các BV chủ động nguồn lực, có điều kiện đầu tư hạ tầng, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn.

Theo ông Nguyễn Trường Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Y tế Quốc gia, muốn hướng tới nền y tế thông minh, cần phải đồng bộ các thông tin dữ liệu để hoạch định chính sách, ra quyết định kịp thời, dự báo đánh giá, xây dựng các chiến lược phát triển phù hợp từng giai đoạn. Ngành Y tế cũng rất cần sự đồng hành của các đơn vị bộ, ngành để công cuộc chuyển đổi số ngày càng hoàn thiện và toàn diện.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết