08/11/2019 - 15:50

Tập trung xử lý rác thải, bảo vệ môi trường 

TP Cần Thơ - trung tâm vùng ĐBSCL, không chỉ phát triển nhanh về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề mà còn phát triển nhanh về dân số, các khu dân cư và thu hút lượng lao động ở các địa phương trong vùng ĐBSCL… Do đó, các hoạt động sản xuất, sinh hoạt thải ra môi trường lượng chất thải khá lớn. Ngành chức năng TP Cần Thơ phải tập trung xử lý để giữ đô thị sáng, xanh, sạch, đẹp…

Xử lý rác thải tồn đọng

Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ (thứ 3, từ phải sang) kiểm tra quá trình đốt rác tại Nhà máy xử lý rác Ecotech (phường Phước Thới, quận Ô Môn).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ, mỗi ngày TP Cần Thơ có khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom, tỷ lệ thu gom đạt từ 85-90% lượng rác thải hằng ngày. Phần còn lại người dân tự chôn lấp hoặc đốt rác... Trước đây (từ năm 2018 về trước), lượng rác được thu gom, vận chuyển đến các nhà máy xử lý rác tại quận Ô Môn, huyện Cờ Đỏ và lò đốt rác ở quận Thốt Nốt. Các cơ sở này xử lý rác theo hình thức đốt, chôn lấp nhưng đã quá tải, đến nay lượng rác thải này còn tồn đọng hàng chục ngàn tấn ở các cơ sở.

Mới đây, trong đợt kiểm tra tình hình xử lý rác thải tại Nhà máy xử lý rác Ecotech (phường Phước Thới, quận Ô Môn), ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ yêu cầu đơn vị xử lý rác quản lý tốt môi trường xung quanh, tránh rò rỉ nước thải ra bên ngoài; khu vực chứa xỉ lò cần gom gọn, tránh sử dụng nhiều diện tích mặt đất, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm… Đồng thời, giao Sở TN&MT, Sở Xây dựng phối hợp đơn vị chức năng theo dõi việc xử lý rác thải tại các nhà máy đốt rác trên địa bàn thành phố; kiểm tra việc xử lý, đốt rác có đảm bảo vệ sinh môi trường và đúng tiêu chuẩn theo quy định; tham mưu, đề xuất thành phố đóng cửa các lò đốt rác không đảm bảo vệ sinh môi trường, không đạt tiêu chuẩn xả thải theo quy định; kiểm tra lại lượng rác còn tồn đọng tại các bãi rác, lò đốt để tiến hành xử lý… 

Nhà máy xử lý rác Ecotech tọa lạc tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, diện tích 2,43ha, gồm 11 lò đốt rác và các khu xử lý nước thải, xỉ lò… do Công ty TNHH Một thành viên Ecotech Cần Thơ làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, 11 lò xử lý khoảng 300 tấn rác thải/ngày theo hình thức đốt rác. Tuy nhiên, đến nay lượng rác thải vẫn còn tồn đọng tại nhà máy trên 35.000 tấn được che đậy bằng bạt nilông. Nguyên nhân, do những năm trước nhà máy xử lý không kịp lượng rác thải cung cấp hằng ngày. Gần đây, đại điện Công ty TNHH Một thành viên Ecotech Cần Thơ cũng đề xuất được tiếp tục xử lý, đốt trên 35.000 tấn rác thải này. Nhưng, qua cuộc khảo sát, kiểm tra của lãnh đạo TP Cần Thơ và Sở TN&MT tại khu vực đốt rác, bãi chứa tro xỉ và khu xử lý nước thải thì việc xử lý rác thải của nhà máy được đánh giá đạt chất lượng chưa cao, lượng tro xỉ thải ra còn nhiều, các chất thải là vỏ trái dừa chưa đốt được...

TP Cần Thơ đang có chủ trương xử lý dứt điểm lượng rác thải còn tồn đọng tại các bãi rác phường Phước Thới (quận Ô Môn) và bãi rác Đông Thắng (huyện Cờ Đỏ), nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu vực nêu trên. Theo Sở TN&MT TP Cần Thơ, Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai) đang hỗ trợ thành phố xử lý, đốt lượng rác còn tồn đọng, chôn lấp tại bãi rác Đông Thắng khá thành công và đảm bảo vệ sinh môi trường. Lượng rác tồn đọng được nhà máy đốt phát điện thử nghiệm là 2.500 tấn, với khối lượng bình quân mỗi ngày từ 50-100 tấn. Thời gian để vận chuyển toàn bộ lượng rác trên dự kiến kéo dài khoảng 2 tháng và lượng rác được vận chuyển đến, nhà máy tổ chức sàng lọc, trộn lẫn với lượng rác thải mới để đưa vào đốt. Quy trình đốt thử nghiệm đảm bảo các chỉ tiêu về phát thải và tuân thủ đúng theo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trong đó, chi phí bốc dỡ và xử lý đốt rác cũ do nhà máy phụ trách, còn chi phí vận chuyển rác cũ từ bãi rác Đông Thắng về nhà máy do thành phố chi trả.

Ông Chen Wei, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Môi trường EB Cần Thơ, cho biết: “Sau khi Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ vận hành tròn một năm, chúng tôi quyết định khởi động kế hoạch xử lý, đốt rác tồn đọng của TP Cần Thơ với mong muốn góp phần cùng thành phố bảo vệ môi trường, xử lý rác thải sinh hoạt còn tồn đọng. Việc làm này nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ từ các cấp lãnh đạo của TP Cần Thơ”.

Dự kiến đến khoảng giữa tháng 11-2019, việc đốt thí điểm 2.500 tấn rác trên sẽ hoàn thành. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ xây dựng phương án để tiếp tục đốt khối lượng rác thải còn lại của bãi rác Đông Thắng và 35.000 tấn rác tồn đọng tại bãi rác quận Ô Môn…

Tăng cường bảo vệ môi trường

Nhà máy xử lý rác Ecotech tiếp nhận và dự trữ rác để đốt.

Thời gian qua, ngành TN&MT đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện thành công cuộc cách mạng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước nói chung, của TP Cần Thơ nói riêng. Một trong những kết quả quan trọng nhất là sự phối hợp với các ngành, các cấp tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về bảo vệ môi trường. Việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ với tổng diện tích 53ha, đã đánh dấu sự cải tiến của TP Cần Thơ trong việc xử lý chất thải, bảo vệ môi trường. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Tháng 11-2018, nhà máy đưa vào hoạt động và đến nay xử lý trên 430 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, tạo ra khoảng 150.000Kwh điện năng để hòa vào lưới điện quốc gia. Số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% sẽ được tận dụng chế tạo vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng… đã mang lại hiệu quả tiện ích và an toàn vệ sinh môi trường.

Để hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố, hằng năm, Sở TN&MT TP Cần Thơ  tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực TN&MT trên địa bàn. Từ đầu năm đến nay, sở đã thực hiện 20 cuộc thanh tra (8 cuộc theo kế hoạch, 12 cuộc đột xuất) về bảo vệ môi trường, đất đai, tài nguyên nước đối với 66 cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong đó phát hiện 16 trường hợp vi phạm đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 681,434 triệu đồng. Ngoài ra, Sở TN&MT tham mưu UBND thành phố xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường đối với 5 trường hợp, với số tiền 249 triệu đồng; tham mưu, trình UBND thành phố cấp 20 giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và 5 giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, 16 hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; trình UBND thành phố cấp 1 giấy phép khai thác khoáng sản và gia hạn 1 giấy phép, đồng thời tiến hành thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn thành phố theo quy định, với tổng số tiền 1,3 tỉ đồng...

Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: “Để góp phần bảo vệ nguồn TN&MT, Sở TN&MT TP Cần Thơ sẽ phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện tăng cường thanh tra, kiểm tra các hoạt động khai thác cát trên sông Hậu, việc chấp hành sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường ở các cơ sở sản xuất có liên quan môi trường trên địa bàn TP Cần Thơ… Đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa ô nhiễm, khắc phục các khu vực ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố và đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy sức mạnh đoàn kết toàn xã hội trong sự nghiệp bảo vệ môi trường…”.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

 

Chia sẻ bài viết