03/10/2018 - 20:58

Tập trung nhiều giải pháp phòng ngừa cháy, nổ 

Cuối tháng 9-2018, Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH). Những báo cáo, ý kiến tại Hội nghị cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC và CNCH vẫn còn một số hạn chế, khó khăn; đặc biệt là gần đây, tình hình cháy, nổ liên tục diễn biến phức tạp, xảy ra một số vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại... gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Dự báo tình hình cháy, nổ tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi cần có những giải pháp phòng ngừa hiệu quả…

Lực lượng Cảnh sát PCCC quận Ninh Kiều tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH.

Vẫn tồn tại nguy cơ

Sau vụ cháy Chung cư Carina Plaza tại TP Hồ Chí Minh ngày 23-3-2018 làm 13 người chết, 51 người bị thương, Bộ Công an ban hành Công điện 01/CĐ-BCA-V11 ngày 10-4-2018 về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH. Ngay sau khi nhận Công điện, tất cả Công an tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức đợt kiểm tra đối với nhà chung cư, nhà cao tầng, siêu thị, các cơ sở tập trung đông người có nguy cơ cháy, nổ cao.

Báo cáo tại hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện Công điện, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, kết luận: Công tác quy hoạch đô thị tại các tỉnh, thành phố còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, chưa có sự gắn kết quy hoạch phát triển của địa phương với quy hoạch tổng thể về PCCC và CNCH. Một số địa phương còn tình trạng cấp phép xây dựng công trình nhưng chưa thẩm duyệt thiết kế về PCCC; đưa công trình vào sử dụng nhưng chưa nghiệm thu. Một số công trình nhà ở xã hội, nhà tái định cư do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quản lý tồn tại nhiều vi phạm về PCCC nhưng chậm trễ sửa chữa, khắc phục do thiếu kinh phí.

Những năm gần đây, việc đầu tư, xây dựng các công trình chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… được quan tâm và phát triển mạnh trên địa bàn TP Cần Thơ. Các công trình trên đều được trang bị hệ thống PCCC. Tuy nhiên, hiện hạ tầng PCCC thành phố chưa có tính đồng bộ. Theo Luật PCCC ban hành năm 2013, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2014, những công trình trên phải được thông qua chế độ thẩm duyệt thiết kế về PCCC. Vì thế, những chợ, công trình công cộng xây dựng trước đó không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn PCCC theo quy định hiện nay.

Bên cạnh đó, TP Cần Thơ hiện có khoảng 3.265 cơ sở thuộc diện quản lý công tác PCCC đang hoạt động. Nhu cầu sử dụng điện năng, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và đời sống của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các hộ dân ngày một tăng cao; trong khi đó, hệ thống lưới điện thành phố, nhất là các khu dân cư chậm nâng cấp, cải tạo, sửa chữa, nhiều nơi trong tình trạng quá tải. Hiện thành phố còn nhiều khu nhà ở xuống cấp nghiêm trọng hoặc làm bằng các vật liệu dễ cháy, tiềm ẩn nguy cơ gây cháy cao; các khu phố thương mại chật hẹp, kinh doanh nhiều loại vật tư hàng hóa dễ cháy; nhiều cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sử dụng các hóa chất, dung môi có nguy cơ cháy, nổ cao, chưa được quy hoạch bảo đảm an toàn về PCCC. 

Nhiều giải pháp phòng ngừa

Từ thực tế trên, ngành quản lý và lực lượng PCCC đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị tại hội nghị trực tuyến. Vấn đề được quan tâm là sớm có điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về PCCC phù hợp điều kiện đất nước đang phát triển. 

Thời gian qua, TP Cần Thơ triển khai nhiều mô hình PCCC, góp phần phòng cháy hiệu quả. Có thể kể mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” thực hiện tại các gia đình đến các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ quan doanh nghiệp. Việc tổ chức xây dựng, phát triển và nhân rộng mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” được lãnh đạo Bộ Công an, TP Cần Thơ, các ngành, các cấp trong thành phố đánh giá cao. Đây là sáng kiến mới, cách làm hay, sáng tạo trong công tác PCCC, có ý nghĩa to lớn và mang lại hiệu quả thiết thực trong phong trào toàn dân tham gia PCCC.

Đối với mô hình “Cụm dân cư an toàn về PCCC” tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố, cụm dân cư được chọn xây dựng mô hình này là khu vực tập trung đông dân cư được giới hạn trong một khu vực, ấp thuộc các phường, xã, thị trấn. Phòng Cảnh sát PCCC quản lý địa bàn có trách nhiệm phối hợp chính quyền các phường, xã, thị trấn thuộc địa bàn quản lý lựa chọn cụm dân cư để xây dựng mô hình, đề ra các tiêu chí về PCCC cần đạt để trở thành “Cụm dân cư an toàn về PCCC”, định kỳ kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác PCCC tại các cụm dân cư. Việc triển khai xây dựng mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác PCCC tại các khu dân cư trên địa bàn thành phố.

Cùng với các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC (4-10), hằng năm, lực lượng Cảnh sát PCCC trên địa bàn thành phố thường xuyên tổ chức phương án thực tập chữa cháy và CNCH cho các cơ quan, doanh nghiệp, trung tâm thương mại... Phương án thực tập được đơn vị chuyên môn xây dựng, thẩm duyệt tùy quy mô, tính chất, tình hình thực tế các đơn vị, cơ sở, giúp cơ sở chấp hành quy định pháp luật về PCCC. Qua đó, cơ sở, đơn vị tổ chức thực tập có dịp kiểm tra, vận hành hệ thống PCCC tại chỗ. Đối với người lao động, dân cư tại chỗ cũng học hỏi, thực hành kỹ năng chữa cháy, thoát nạn khi có cháy xảy ra.

Bài, ảnh: THẢO MỘC 

Chia sẻ bài viết