14/05/2019 - 09:02

Tập trung nguồn lực ngăn ngừa, dập tắt bệnh dịch tả heo châu Phi 

Bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện tại 29 tỉnh, thành trên nước ta và đang là nỗi lo ngại của tất cả các chủ trang trại, doanh nghiệp, người chăn nuôi heo trên cả nước. Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương đang tập trung triển khai các giải pháp phòng tránh, dập dịch.

TP Cần Thơ chưa xuất hiện DTHCP nhưng vẫn không tránh khỏi lo ngại khi dịch bệnh này đã lan đến một địa phương ở ĐBSCL. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch xâm nhập là điều hết sức cấp bách hiện nay.

Lây lan nhanh, trên diện rộng 

Báo cáo của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP tại hội nghị trực tuyến “Đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống DTHCP” được tổ chức vào ngày 13-5-2019, cho thấy: DTHCP là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm, có thể gây chết 100% số heo mắc bệnh và hiện chưa có thuốc điều trị cũng như vắc-xin phòng bệnh. Trong khi đó, nhiều năm qua, DTHCP đã lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới, nhất là tại các nước có chung đường biên giới với Việt Nam. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước…

TP Cần Thơ tham gia hội nghị trực tuyến “Đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống DTHCP” và đưa ra giải pháp ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập.

Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP, cho biết: “Ở Việt Nam, lịch sử chăn nuôi heo từ trước đến nay chưa bao giờ dịch bệnh xuất hiện, phát triển nhanh trên diện rộng như bệnh DTHCP như hiện nay. Đây là dịch bệnh mà Việt Nam phải thiệt hại kinh tế lớn nhất từ trước đến nay trong ngành chăn nuôi, đồng thời tốn kém nhiều chi phí để xử lý, phòng tránh bệnh dịch…”.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết vi-rút DTHCP có sức đề kháng cao, có thể tồn tại lâu dài ở môi trường và trong các sản phẩm thịt, như: xúc xích, giăm bông, salami từ vài chục ngày đến 1.000 ngày ở thịt đông lạnh. Các nghiên cứu về việc lây lan của DTHCP cho thấy, vi-rút DTHCP không lây lan sang người. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: “Vi-rút DTHCP cũng có khả năng chịu được nhiệt độ ở mức 560C trong 70 phút, 700C trong 20 phút và 1000C trong 1 phút; có thể tồn tại trong môi trường có độ pH từ 3,5 đến 11,5 và ở các dụng cụ chăn nuôi, phương tiện vận chuyển, quần áo của người chăn nuôi trong nhiều ngày”. Ngoài ra, theo ông Phùng Đức Tiến, dịch bệnh này lây lan nhanh, ở phạm vi rộng là do đường lây truyền của vi-rút DTHCP rất phức tạp, nhất là trong điều kiện mật độ chăn nuôi cao, vệ sinh thú y và an toàn sinh học không tốt; việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ heo bệnh, heo nghi mắc bệnh vẫn còn xảy ra; sử dụng thực phẩm dư thừa trong chăn nuôi còn phổ biến…

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến về phòng, chống bệnh DTHCP, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT cùng các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần tập trung, quyết liệt hơn nữa công tác phòng chống, dập dịch, hạn chế tình trạng lây lan sang địa phương khác... Đồng thời các cấp, các ngành, các địa phương phải tập trung phòng chống và xem  đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật liên quan đến thú y; thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng tránh, ngăn chặn bệnh dịch xâm nhập địa bàn chưa có dịch… Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ban cán sự Đảng của Bộ NN&PTNT phối hợp với Chính phủ hoàn thiện dự thảo gửi Ban Bí thư về việc đẩy nhanh các biện pháp phòng chống bệnh DTHCP; tham mưu với Chính phủ các biện pháp phù hợp điều kiện thực tế, khả năng của kinh tế để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo phát triển chăn nuôi heo an toàn, bền vững. Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát phương tiện vận chuyển heo, sản phẩm heo, nhằm dập tắt và hạn chế bệnh DTHCP lây lan…

Mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia, Bộ NN&PTNT đã quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; lãnh đạo Bộ, Cục thú y và các đơn vị trực thuộc thường xuyên thành lập đoàn công tác đến các địa phương có bệnh DTHCP, địa phương có nguy cơ xuất hiện dịch để kiểm tra, hướng dẫn và đôn đốc biện pháp phòng ngừa, xử lý… nhưng đến ngày 12-5-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 2.296 xã ở 204 huyện của 29 tỉnh, thành trên cả nước, với tổng heo bệnh và tiêu hủy trên 1,2 triệu con, chiếm khoảng 4% tổng đàn heo cả nước. Thời gian qua cũng đã có 29 xã thuộc 12 tỉnh, thành có dịch đã qua 30 ngày dập tắt, nhưng sau đó lại phát sinh dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi khác trong cùng xã. Báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP cho biết, đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 55 xã thuộc 36 huyện của 16 tỉnh, thành khác đã qua 30 ngày không phát sinh thêm heo mắc bệnh.

Dồn sức cho công tác phòng ngừa

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh DTHCP, ngay sau khi bệnh dịch xảy ra tại các nước lân cận, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo cụ thể và sát sao công tác phòng tránh; Bộ NN&PTNT, các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành đã vào cuộc, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng tránh. Qua đó, hàng trăm văn bản chỉ đạo được ban hành, thành lập đoàn công tác đến các địa phương hỗ trợ công tác phòng tránh, xử lý kịp thời khi dịch bệnh xảy ra…

Tại TP Cần Thơ, hiện nay có trên 124.300 con heo, với 5.216 hộ chăn nuôi và 10 trang trại chăn nuôi tập trung. Theo đánh giá của Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, thành phố có tổng đàn heo thấp, khả năng cung cấp khoảng 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Để đáp ứng lượng thịt heo theo nhu cầu, thành phố phải nhập khoảng 15% sản phẩm thịt heo từ các tỉnh: An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai, Trà Vinh, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh… Để chủ động ngăn chặn bệnh DTHCP xâm nhập, Sở NN&PTNT thành phố phối hợp cùng các sở, ngành chức năng, các quận, huyện thực hiện nghiêm túc công tác phòng tránh, như: tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi theo hướng an toàn chất lượng, an toàn sinh học; tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi; tổ chức thanh, kiểm tra kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y; chuẩn bị vật tư, hóa chất, trang thiết bị xử lý khi dịch bệnh xuất hiện…

Công tác kiểm tra, ngăn ngừa bệnh DTHCP được TP Cần Thơ quan tâm và kiểm tra thực tế tại cơ sở chăn nuôi.

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, giá heo hơi giữa miền Bắc, miền Trung và miền Nam chênh lệch khá lớn. Vì vậy, lượng heo thịt nhập từ miền Trung vào TP Cần Thơ tăng cao. Đồng thời, TP Cần Thơ là trung tâm vùng ĐBSCL - đầu mối phân phối sản phẩm heo, thịt heo trong vùng, do đó nguy cơ xâm nhập bệnh DTHCP rất cao. Công tác kiểm dịch động vật tại các trạm kiểm dịch tại đầu mối giao thông được Sở đặc biệt quan tâm. Thành phố hiện có 2 trạm kiểm dịch động vật hoạt động 24/24 giờ. Từ khi bệnh DTHCP xuất hiện ở nước ta, lực lượng làm nhiệm vụ tại 2 trạm nêu trên đã kiểm dịch gần 37.000 con heo thịt, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm, xử lý theo quy định nếu phát hiện heo có bệnh, nghi có bệnh… Hiện nay, bệnh DTHCP không xuất hiện trên địa bàn TP Cần Thơ, nhưng chúng tôi không lơ là trong công tác phòng, tránh, ngăn ngừa bệnh dịch xuất hiện…”.

Theo nhận định của Bộ NN&PTNT, thời gian tới, nguy cơ bệnh DTHCP lây lan rất cao, diễn biến rất phức tạp, bệnh có khả năng lây lan sang các địa phương chưa có dịch, đặc biệt nguy hiểm hơn là bệnh có khả năng xâm nhiễm vào các trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn, gây hậu quả khó lường… Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành chức năng, các đơn vị trực thuộc, 63 tỉnh, thành trên cả nước thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo phòng tránh bệnh DTHCP của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; huy động, bổ sung thêm lực lượng địa phương thực hiện công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xâm nhập và xử lý kịp thời nếu ổ dịch xuất hiện; tăng cường tổ chức tiêu độc, vệ sinh, sát trùng điểm dịch xuất hiện; bố trí thành lập thêm các trạm kiểm dịch động vật, ngăn chặn dịch bệnh lây lan; hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp tổ chức vùng nuôi, chuỗi sản xuất thịt heo an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học…

Tại Hội nghị, Bộ NN&PTNT đề nghị Ban Cán sự Đảng Chính phủ đề xuất Ban Bí thư sớm xem xét, ban hành chỉ thị để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTHCP...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết