26/10/2008 - 20:46

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 ở TP Cần Thơ tiếp tục giảm

Tập trung bình ổn thị trường cuối năm

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ: tháng 9 – 2008, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở TP Cần Thơ giảm 0,61% so với tháng trước. Sang tháng 10 – 2008, chỉ số CPI tiếp tục giảm 0,12% so với tháng 9. Như vậy, CPI ở TP Cần Thơ đã hai lần đảo chiều giảm giá trong vòng 2 năm qua. Dù mức độ giảm không nhiều, nhưng người tiêu dùng, nhất là những người lao động có thu nhập thấp đón nhận những thông tin này với tâm trạng phấn khởi.

* Người tiêu dùng nhẹ lo tăng giá

Trong tháng 10, khi giá xăng dầu trên thế giới liên tục có biến động giảm, thì thị trường xăng dầu trong nước cũng giảm theo. Đây là một tín hiệu vui cho người tiêu dùng trong nước. Cụ thể: từ ngày 1-10, giá dầu lửa giảm 1.000 đồng/lít. Ngày 8- 10, giá bán lẻ các loại xăng A92, A90 giảm 500 đồng/lít, xăng A95 giảm 1.000 đồng/lít. Đến ngày 17-10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục giảm thêm 500 đồng/lít, riêng dầu Diesel giảm 300 đồng/lít. Và đến này 18-10, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tiếp tục giảm 500 đồng/lít, dầu Diesel giảm 700 đồng/lít. Những đợt giảm giá xăng dầu trong tháng 10, có nhiều ý kiến cho rằng tốc độ giảm chưa “ép phê” so với tốc độ giảm tương ứng của giá dầu trên thế giới, người tiêu dùng còn phải chịu thiệt về mức độ giảm nhỏ giọt này.

Hàng hóa ổn định giá, người tiêu dùng càng an tâm hơn. 

Ông Huỳnh Văn Mười, ở khu vực 3, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bày tỏ: “Xăng dầu là mặt hàng khá nhạy cảm. Từ trước đến nay, sự biến động tăng hoặc giảm của mặt hàng này trên thị trường thường kéo theo biến động tăng hoặc giảm tương ứng của nhiều loại hàng hóa khác. Chính vì thế, khi nghe nói xăng dầu giảm giá, dù ít hay nhiều, không chỉ mình tôi mà nhiều người rất phấn khởi. Tôi hy vọng rằng, các lần giảm giá lần này của mặt hàng xăng dầu, giá cả hàng hóa trên thị trường sẽ giảm theo”. Còn chị Bùi Thị Trang, ở đường Nguyễn Văn Cừ, cho biết: “Mừng nhất là giá gạo đã giảm khá nhiều so với trước đây, hằng ngày, tôi mua bán rau cải, tiền lời đâu có bao nhiêu, lại phải lo đủ thứ. Giá cả hàng hóa giảm, những người dân lao động như gia đình tôi càng yên tâm hơn”.

Theo Cục Thống kê TP Cần Thơ, chỉ số CPI tháng 10-2008, giảm 0,12% so với tháng trước. Theo nhận định của Cục Thống kê thành phố, nguyên nhân khiến CPI tháng này giảm là kết quả của quá trình thực hiện tổng lực các biện pháp nhằm kềm chế lạm phát của Chính phủ. Trước hết là giá xăng dầu giảm đã kéo theo cước vận chuyển hàng hóa giảm và nhiều mặt hàng khác như heo hơi, lúa, ga, thực phẩm rau quả... cũng giảm giá. Trong 10 nhóm hàng hóa được đưa vào chỉ số giá tiêu dùng, có 4 nhóm mặt hàng giảm giá. Đó là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (giảm 0,46%; trong đó nhóm lương thực giảm 0,95%), nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng (giảm 0,3%), nhóm y tế và dược phẩm giảm 0,03%) và nhóm phương tiện đi lại và bưu điện (giảm 0,18%). Các nhóm hàng hóa khác tăng nhưng chỉ với tỷ lệ từ 0,18 – 3,28% so với tháng trước.

* Tiếp tục tăng cường các biện pháp bình ổn thị trường

Tháng 10- 2008, giá cả hàng hóa ở TP Cần Thơ giảm nhưng sức mua của người dân không tăng. Theo số liệu tổng hợp từ Cục Thống kê TP Cần Thơ, mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 10 của thành phố đạt khoảng 1.593,7 tỉ đồng, giảm 3,76% so với tháng trước. Nguyên nhân của tình trạng này được ngành chức năng nhìn nhận: Chủ yếu là do thu nhập của người tiêu dùng bị giảm sút do áp lực tăng giá và lạm phát. Một nguyên nhân khác là do người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu. Chị Đào Thị Bảo Trân, ở đường Trần Hưng Đạo, TP Cần Thơ, cho biết: “Ngay những tháng đầu năm, giá cả hàng hóa trên thị trường tăng chóng mặt. Trong khi đó, lương của công nhân, cán bộ viên chức thì không tăng hoặc tăng rất ít. Chính vì thế, tiết kiệm trong chi tiêu hằng ngày luôn được các bà nội trợ đặt lên hàng đầu”. Bên cạnh đó, việc thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu công nên sức mua từ các đơn vị nhà nước cũng giảm.

Thông thường vào tháng 11 là thời điểm các cơ sở sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng bắt đầu khởi động thị trường hàng hóa cuối năm. Chính vì thế, theo Cục Thống kê TP Cần Thơ dự báo, tháng 11 tới, giá lúa gạo sẽ tăng trở lại; vật phẩm văn hóa giáo dục, hàng nhựa, thuốc y tế... có xu hướng tăng; giá vật liệu xây dựng đứng ở mức cao; xăng – dầu có thể giảm do giá thị trường thế giới liên tục giảm. Và trong tháng 11-2008, doanh thu bán hàng hóa và dịch vụ của thành phố sẽ chỉ tăng khoảng 5% so với tháng 10-2008.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, giá cả hàng hóa trên thị trường đang tiến triển theo xu hướng có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, đặc biệt là khủng hoảng thị trường tài chính Mỹ sẽ có tác động không nhỏ đối với giá cả hàng hóa trên thị trường. Trước tình hình này, một trong những công tác trọng tâm trong tháng 11 được UBND TP Cần Thơ chỉ đạo: thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả, tình hình cung cầu hàng hóa trên thị trường, có giải pháp kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ các mặt hàng thiết yếu; chuẩn bị nguồn hàng, chủ động phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2009. Ngoài ra, các ngành chức năng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát hàng lậu, hàng kém chất lượng, kiểm tra thực hiện niêm yết và bán đúng giá niêm yết các loại hàng hóa, góp phần bình ổn thị trường.

Bài, ảnh: ĐÔNG TRIỀU

Chia sẻ bài viết