05/11/2013 - 22:06

Tạo sức bật trong xây dựng nông thôn mới

Thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở TP Cần Thơ tập trung tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Trong công tác này, các xã xác định thực hiện mô hình Cánh đồng lớn (CĐL) là bước đột phá, tạo cơ hội để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, tạo tiền đề huy động vốn từ nhân dân xây dựng XDNTM thành công.

* Đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình XDNTM TP Cần Thơ, hiện thành phố có 8 xã đạt từ 14-19 tiêu chí, 18 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 10 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí theo Bộ Tiêu chí TP Cần Thơ về XDNTM. Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ, cho biết: "Trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách còn hạn hẹp, làm thế nào để huy động sức dân đóng góp vào XDNTM được thành phố đặc biệt quan tâm. Trong đó, TP Cần Thơ xác định, hoàn thành tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí 13), nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho người dân là bước đột phá thúc đẩy hoàn thành các tiêu chí khác. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp gắn XDNTM với phát triển mô hình CĐL nhằm tiết giảm tối đa chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho nông dân". Đến nay, hầu hết các xã XDNTM trên địa bàn thành phố đều có xây dựng CĐL với diện tích trên 25.760ha, thu hút gần 16.430 nông hộ tham gia…

Lãnh đạo thành phố tham quan mô hình CĐL ở ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh.

Theo các chuyên gia đầu ngành, mô hình CĐL là phương thức sản xuất tiên tiến nhất hiện nay và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lồng ghép thực hiện các tiêu chí XDNTM. Tiến sĩ Vũ Anh Pháp, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, phân tích: CĐL là nền tảng XDNTM vì nó giải quyết các bài toán về tích tụ ruộng đất, vốn sản xuất, tăng cường liên kết "4 nhà" và từng bước nâng cao năng lực cho nông dân về quản lý, ứng dụng thành thạo khoa học công nghệ, am hiểu thị trường... Ngoài ra, CĐL còn là cơ sở vững chắc để thực hiện các tiêu chí quan trọng trong XDNTM, như: giao thông (tiêu chí số 2), thủy lợi (tiêu chí số 3), thu nhập (tiêu chí số 10), hộ nghèo (tiêu chí số 11), hình thức tổ chức sản xuất (tiêu chí 13)...

Thực tế triển khai từ vụ hè thu 2011 đến nay cho thấy, mô hình CĐL giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo nên được nông dân ủng hộ và tự nguyện đăng ký tham gia. Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Sản xuất nông nghiệp của xã chủ yếu là độc canh cây lúa. Do đó, ngành nông nghiệp hướng tới xây dựng những cánh đồng lúa chất lượng cao, quy mô lớn nhằm phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Trong đó, liên kết sản xuất theo mô hình CĐL gắn XDNTM là giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tiễn và tình hình sản xuất lúa tại địa phương. Chính hiệu quả kinh tế mang lại đã thu hút đông đảo nông dân hăng hái tham gia mô hình". Theo thống kê từ Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, năng suất lúa trong CĐL tăng trung bình từ 0,2-0,79 tấn/ha, lợi nhuận cao hơn từ 4,2-4,4 triệu đồng/ha so với nông dân sản xuất ngoài mô hình...

* Cần trợ lực

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp thành phố, dù được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp-nông dân nhưng số lượng doanh nghiệp tham gia mô hình CĐL còn hạn chế. Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty TNHH Trung An, cho biết: "Nhận thức được vai trò của mô hình CĐL đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và XDNTM nói riêng, thời gian qua chúng tôi nỗ lực nhân rộng mô hình. Tuy nhiên, tham gia mô hình, trong khi người nông dân ngày càng nhàn rỗi thì áp lực lại đè nặng lên vai của doanh nghiệp. Hình thức gieo sạ đồng loạt, đặt ra vấn đề khi thu hoạch lúa cũng tập trung tương ứng, doanh nghiệp phải đầu tư vốn rất lớn cho hệ thống kho bãi, lò sấy...". Một số doanh nghiệp phản ánh, nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể mở rộng diện tích bao tiêu là do các cánh đồng còn manh mún trong khi mạng lưới kênh rạch lại chằng chịt, doanh nghiệp không thể nào đủ phương tiện thu mua lúa kịp thời cho nông dân. Bên cạnh đó, do chưa thật sự tin tưởng vào mô hình sản xuất mới nên một số nông dân còn tâm lý e ngại, vẫn duy trì sản xuất theo tập quán cũ, chưa áp dụng triệt để các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nên hiệu quả mang lại chưa cao.

Dù đối mặt với không ít khó khăn, song các xã xác định kiên trì mục tiêu nhân rộng mô hình CĐL. Ông Đoàn Đức Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Thời gian tới, trong XDNTM, huyện tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, dựa trên cơ sở lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai tại địa phương. Xã tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nền sản xuất hàng hóa, triển khai nhân rộng mô hình CĐL trong vụ đông xuân 2013-2014 và những năm tiếp theo". Theo ông Nguyễn Văn Phong, Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Lai, song song với công tác vận động, tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức, tạo được sự đồng thuận trong xây dựng mô hình CĐL nói riêng và XDNTM nói chung, huyện tiếp tục làm "chất kết dính" giữa doanh nghiệp - nông dân trong hỗ trợ đầu vào và tìm đầu ra cho hạt lúa. Đây là khâu then chốt nhằm giảm tối đa chi phí sản xuất, lược bỏ tầng nấc trung gian trong khâu tiêu thụ lúa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Qua đó, chứng minh cho người dân thấy mục tiêu XDNTM không tách rời mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương và chính người dân được hưởng lợi đầu tiên từ việc thực hiện chương trình.

Ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, nhấn mạnh: Ngành nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND thành phố đề ra các giải pháp đa dạng hóa nguồn lực XDNTM thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, hỗ trợ các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa, nâng cấp hệ thống thủy lợi theo hướng kết hợp giao thông nội đồng nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa tập trung và nhân rộng mô hình CĐL. Đây chính là con đường ngắn nhất nhằm chuyển đổi mục tiêu sản xuất lúa từ số lượng sang chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng lợi thế cạnh tranh ngành sản xuất lúa gạo tại địa phương. Nếu mô hình CĐL được thực hiện bài bản và đúng quy trình, hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao sẽ là tiền đề tạo bước đột phá trong XDNTM…

Bài, ảnh: MỸ THANH

 

Chia sẻ bài viết