10/06/2013 - 09:11

Tạo lực đẩy cho các trung tâm thương mại

Khu trung tâm và dân cư thương mại quận Thốt Nốt đáp ứng nhu cầu về nhà ở đô thị, thúc đẩy hoạt động giao thương hàng hóa.

Là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, TP Cần Thơ có nhiều điều kiện để phát triển thương mại- dịch vụ, góp phần nâng cao mức sống và thu nhập của người dân. Hiện các quận, huyện tập trung quy hoạch và xây dựng các khu trung tâm thương mại gắn với đầu tư hạ tầng đồng bộ, tạo đà cho kinh tế thành phố bứt phá.

Chuyển biến tích cực

Hiện nay, trên địa bàn TP Cần Thơ đã hình thành các trung tâm thương mại như Trung tâm thương mại Cái Khế (quận Ninh Kiều), Trung tâm Thương mại quận Thốt Nốt, Trung tâm thương mại huyện Phong Điền, Trung tâm Thương mại huyện Vĩnh Thạnh… Ngoài ra, ở tất cả các quận, huyện đều có mạng lưới chợ tại khu vực trung tâm, các thị trấn, phường, xã phục vụ nhu cầu trao đổi, mua bán hàng hóa của người dân. Nếu quận Ninh Kiều có nhiều lợi thế để phát triển thương mại-dịch vụ nhờ vị trí trung tâm thì các quận, huyện còn lại, các trung tâm thương mại và mạng lưới chợ còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong vấn đề hình thành các đô thị vệ tinh, kết nối với trung tâm, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt.

Năm 2010, UBND TP Cần Thơ thống nhất chủ trương giao cho Quỹ  Đầu tư phát triển thành phố thực hiện dự án Khu Trung tâm và dân cư thương mại quận Thốt Nốt trên quy mô khoảng 1,9ha ngay trung tâm chợ Thốt Nốt, thuộc phường Thốt Nốt, quận Thốt Nốt. Tổng mức đầu tư dự án 176,9 tỉ đồng, gồm các hạng mục: Bờ kè gia cố bảo vệ bờ sông Hậu; khu nhà phố thương mại 87 căn hộ (kết cấu 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu) với diện tích đất tối thiểu từ 60-90m2/căn, diện tích sử dụng nhà từ 200m2 trở lên; khu nhà lồng trung tâm (kết cấu 1 trệt, 1 lầu) và nhà lồng thực phẩm diện tích hơn 2.200m2, bố trí 474 lô sạp. Ông Phạm Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Khu Trung tâm và dân cư thương mại quận Thốt Nốt đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, 100% nhà ở đã được khai thác và trên 90% số lô sạp đã hoạt động buôn bán, kinh doanh. Dự án gồm khu nhà ở kết hợp với dịch vụ thương mại đã giải quyết tốt nhu cầu vừa là nhà ở đô thị vừa là nơi mua bán kinh doanh cho các hộ tiểu thương. Với bố cục, không gian kiến trúc, thiết kế đô thị mang tính hiện đại, Khu Trung tâm và dân cư thương mại quận Thốt Nốt phù hợp với định hướng quy hoạch chung của quận về phát triển kinh tế - xã hội, tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, đáp ứng yêu cầu của một đô thị mới”.

Hiện nay, công tác quy hoạch và xây dựng các khu Trung tâm thương mại tại các quận, huyện vừa tạo cảnh quan đô thị, vừa giải quyết kịp thời nhu cầu về nhà ở đô thị, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao thương mua bán, trao đổi hàng hóa. Theo báo cáo của UBND huyện Phong Điền, dự án Khu Trung tâm thương mại huyện Phong Điền với quy mô 34,9ha được khởi công đầu năm 2010 và dự kiến hoàn thành vào năm 2016 với các hạng mục xây dựng như: hạ tầng kỹ thuật, đường giao thông, bãi đậu xe; đất ở chia lô; chợ trung tâm thương mại, các công trình đa chức năng… Đến nay, cơ sở hạ tầng của Trung tâm thương mại huyện Phong Điền đã cơ bản hoàn tất, huyện đã di dời các hộ tiểu thương vào hoạt động tại khu chợ trung tâm. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, Trung tâm thương mại huyện Phong Điền có ý nghĩa đặc biệt, thúc đẩy phát triển kinh tế của huyện, nhất là lĩnh vực thương mại dịch vụ. Khu vực trung tâm không chỉ góp phần đẩy mạnh hoạt động giao thương buôn bán của người dân mà còn là nơi tổ chức định kỳ các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa của người dân…

Cần đầu tư hạ tầng đồng bộ

Theo các quận, huyện, để các trung tâm thương mại phát triển đồng bộ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối rất quan trọng. Ông Phạm Trung Hiếu, Phó Chủ tịch UBND quận Thốt Nốt, cho biết: “Trong quá trình xây dựng và đưa vào khai thác Trung tâm thương mại quận Thốt Nốt, các cụm công trình kết nối vào dự án như đường Lê Thị Tạo, đường Lộ Mới, kè bảo vệ phường Thốt Nốt, cầu 3 Tháng 2, công viên cây xanh khu vực nhà lồng bách hóa đến sông Thốt Nốt,… góp phần nối kết khu trung tâm hiện hữu với các tuyến đường chính khu vực nội thị, hình thành một chuỗi liên hoàn cho khu đô thị với kiến trúc cảnh quan hiện đại”. Theo ông Phạm Trung Hiếu, từ hiệu quả bước đầu của Trung tâm và dân cư thương mại quận (giai đoạn 1), dự án mở rộng Khu trung tâm và dân cư thương mại giai đoạn 2 sẽ được thực hiện trên phần diện tích hơn 5.000m2 có tổng mức đầu tư khoảng 44,165 tỉ đồng. UBND TP Cần Thơ đã chấp nhận chủ trương giao cho Quỹ Đầu tư phát triển thành phố đầu tư mở rộng dự án. Hiện nay, chủ đầu tư đã hoàn thành cơ bản các thủ tục đầu tư, dự kiến khởi công xây dựng công trình vào đầu tháng 9-2013. Ngoài ra, quận Thốt Nốt đang kêu gọi đầu tư Dự án mở rộng khu Trung tâm và dân cư thương mại giai đoạn 3 với quy mô 5,5ha, có vị trí liên hoàn với 2 khu trước, tổng kinh phí đầu tư dự kiến hơn 400 tỉ đồng.

Tại các quận, huyện chưa có khu trung tâm thương mại, trong quá trình quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, các địa phương đều chú trọng quy hoạch các khu trung tâm thương mại. Như huyện Cờ Đỏ dù là huyện chuyên về sản xuất nông nghiệp, song huyện có các khu dân cư tại trung tâm một số xã như; Trung An, Trung Thạnh, Trung Hưng, Thới Đông đã hình thành và phát triển theo hình thái đô thị, hoạt động giao thương, buôn bán khá nhộn nhịp. Theo bà Hoàng Kim Cương, Chủ tịch UBND huyện Cờ Đỏ, về lâu dài huyện có nhiều tiềm năng để phát triển công, thương nghiệp và thương mại- dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế theo xu hướng chung của thành phố. Vì vậy, định hướng phát triển đến năm 2020, huyện sẽ hình thành trung tâm thương mại cấp huyện tại thị trấn Cờ Đỏ và phát triển một số khu thương mại-dịch vụ chuyên ngành như: trung tâm nông sản, tuyến dân cư, dịch vụ hậu cần công nghiệp, trung tâm dịch vụ tổng hợp tại các xã Thới Hưng, Trung Thạnh, Trung An,… để thúc đẩy hoạt động thương mại rộng khắp huyện.

Các khu trung tâm thương mại sẽ tạo đà phát triển kinh tế- xã hội cho các quận, huyện; tuy nhiên, việc huy động các nguồn lực đầu tư rất khó khăn. Do vậy, bên cạnh vấn đề quy hoạch hợp lý các Khu trung tâm thương mại, địa phương cần xác định nhu cầu vốn và giải pháp huy động vốn để đầu tư dài hạn, đồng bộ về cơ sở hạ tầng. Đầu tư hợp lý và khai thác hiệu quả các trung tâm thương mại là nền tảng thúc đẩy kinh tế các quận, huyện phát triển, giảm áp lực đô thị hóa cho khu vực trung tâm TP Cần Thơ.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

 

Chia sẻ bài viết