28/10/2024 - 11:23

Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ về hoạt động điện lực, sử dụng điện... 

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực năm 2012 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðiện lực năm 2004, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động điện lực và sử dụng điện, bảo vệ lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện lực. Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai thi hành, Luật Ðiện lực hiện hành cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan. Ðồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Ðiện lực hiện hành, đáp ứng mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Theo đó, dự án Luật Ðiện lực (sửa đổi) sẽ tăng cường phân công, phân cấp, kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong thực tiễn hoạt động điện lực và sử dụng điện. Ðồng thời, giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Ðiện lực nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực này.

Dự án Luật Ðiện lực (sửa đổi) có một số thay đổi đáng lưu ý: bổ sung mới quy định quyền và nghĩa vụ của các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh và đơn vị điều hành giao dịch thị trường điện. Bổ sung quy định chi tiết về hợp đồng kỳ hạn. Việc quy định hợp đồng kỳ hạn (giá tham chiếu, giá hợp đồng, trách nhiệm của các bộ/cơ quan) làm cơ sở hướng dẫn áp dụng trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện các tính năng thiết kế của thị trường bán buôn điện cạnh tranh, thúc đẩy triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Về chính sách giá điện, dự án Luật bổ sung nội dung giá điện cần đảm bảo phản ánh chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh điện của đơn vị điện lực và được thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các đơn vị điện lực; có cơ chế giá điện phù hợp trong việc nhập khẩu điện với nước ngoài. Ðể cụ thể hóa định hướng tại Nghị quyết số 55-NQ/TW, dự án Luật bổ sung, làm rõ quy định thực hiện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện hợp lý đối với các nhóm khách hàng chưa đủ điều kiện tham gia mua bán điện trên thị trường điện và giảm dần, tiến tới xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện lực. Dự án Luật bổ sung nội dung giao Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế hỗ trợ giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt đối với hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.

Tại buổi lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Ðiện lực (sửa đổi) do Ðoàn Ðại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc Ðiện lực Cần Thơ, cho rằng quy định phát triển điện ở vùng nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trong dự án Luật vẫn chưa cụ thể. Dự án chỉ nêu về vùng núi, hải đảo và khó khăn không có điều chỉnh về phát triển điện ở khu dân cư thưa thớt, do đó UBND cấp tỉnh không có cơ sở để sử dụng vốn đầu tư công để xóa các vùng lõm về điện, nơi mà dự án đầu tư về điện không đạt tiêu chí thời gian hòa vốn. Vì vậy, đề xuất bổ sung thêm đối tượng đầu tư các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, dân cư thưa thớt.

Bên cạnh đó, dự án quy định về hình thức hợp đồng có thể bằng văn bản giấy hoặc hình thức thông điệp dữ liệu thì cần bổ sung định nghĩa các hình thức thông điệp dữ liệu để dễ dàng áp dụng. Về thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng không vượt quá 7 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên, đề xuất thành thời điểm bên bán điện có quyền ngừng cấp điện do hai bên tự thỏa thuận và ghi rõ trong hợp đồng mua bán điện nhưng sau 7 ngày kể từ ngày bên bán điện có thông báo đầu tiên...

Bài, ảnh: HOÀNG YẾN

Chia sẻ bài viết