27/04/2024 - 22:48

Tạo điều kiện đưa dòng vốn ra thị trường

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tín dụng tháng 3-2024 đã tăng trở lại sau 2 tháng giảm tốc. Tính đến ngày 29-3-2024, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đều chú trọng ưu tiên vốn cho các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư công), chương trình tín dụng cho nông, lâm - thủy sản… Để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ đối với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng và kéo dài đến hết năm 2024. Đồng thời lãnh đạo NHNN cũng cho biết, điều hành tỷ giá linh hoạt, đảm bảo thanh khoản và sẵn sàng thực hiện các biện pháp can thiệp khi có những diễn biến bất lợi với nền kinh tế…

Còn theo các ngân hàng thương mại, ngân hàng đã triển khai hàng loạt chương trình, gói tín dụng lãi suất ưu đãi để hỗ trợ khách hàng tiếp cận vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh. Đồng thời nỗ lực giảm lãi suất cho vay để khơi thông dòng vốn ra thị trường. Tính đến 31-3-2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Đây là nỗ lực rất lớn trong chia sẻ, đồng hành cùng phát triển với doanh nghiệp từ phía ngân hàng.

Năm 2024, định hướng tăng trưởng tín dụng của NHNN tăng 15%, có điều chỉnh tùy thực tế. Ngay từ đầu năm, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng tín dụng cho các ngân hàng và thông báo công khai để các ngân hàng chủ động thực hiện. Theo lý giải của NHNN, tín dụng quý đầu năm 2024 tăng thấp, do tổng cầu thế giới vẫn trong vùng suy giảm, tác động đến các hoạt động xuất nhập khẩu trong nước. Đồng thời, số doanh nghiệp rời thị trường, tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất… vẫn ở mức cao nên sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp. NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng, tăng năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Quý I-2024, nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,66% so cùng kỳ năm trước, nhờ hiệu ứng xuất khẩu phục hồi (xuất khẩu tăng 17,2%), tiêu dùng và đầu tư cũng dần phục hồi. Theo đó, quý đầu năm nay, tiêu dùng nội địa tăng 4,9% so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 2023; đầu tư thực (theo giá so sánh) tăng 4,7%... Khi tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư tốt lên sẽ tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Và đây là điều kiện để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024.

SONG NGUYÊN

 

Chia sẻ bài viết