15/04/2018 - 18:49

Tạo công bằng trong tuyển sinh đại học 

Một trong những chính sách mới chính thức sẽ có hiệu lực từ tháng 4-2018 nhận được sự đồng thuận cao của xã hội là giảm một nửa điểm ưu tiên khu vực ở mùa tuyển sinh đại học (ĐH) 2018. Theo Thông tư 07/2018/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh ĐH chính quy, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực quy định cụ thể: Mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1,0 điểm; giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25 điểm tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/ môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10. Trước đây, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa hai khu vực kế tiếp là 0,5 điểm. Điều này có nghĩa là điểm cộng ưu tiên khu vực cao nhất năm nay chỉ còn 0,75 điểm thay vì 1,5 điểm như những năm trước.

Cán bộ Trường ĐH Cần Thơ tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Ảnh: NG.NGÂN
Cán bộ Trường ĐH Cần Thơ tư vấn tuyển sinh cho học sinh. Ảnh: NG.NGÂN

 

Theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, việc giảm một nửa điểm ưu tiên khu vực trong tuyển sinh ĐH 2018 là phù hợp, tạo sự công bằng giữa thí sinh đô thị và vùng ven thành phố. Điều này không chỉ tạo cơ hội những thí sinh có năng lực vào trường tốt mà còn giúp các trường chọn được những sinh viên giỏi. Tiến sĩ Dương Thái Công lý giải: Sau nhiều năm nỗ lực, giáo dục - đào tạo nước nhà có sự thay đổi rõ nét, điều kiện cơ sở vật chất trường lớp, cơ hội học tập của người dân ngày càng nâng cao; từ đó đã thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.

Còn nhớ mùa tuyển sinh ĐH năm 2017, dư luận xã hội bất bình bởi nhiều thí sinh có tổng điểm thi đạt hơn 29 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1 của một số trường, với lý do thua tiêu chí phụ và điểm làm tròn, điểm cộng ưu tiên khu vực. PGS.TS Trần Thị Thanh Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, việc cộng điểm ưu tiên khu vực là chính sách tốt, cần duy trì, nhưng nên giảm số điểm cộng để tạo sự công bằng. Thực tế hiện nay, mức độ tiếp cận giáo dục của học sinh ở các tỉnh, thành đã không còn quá chênh lệch. Học sinh có thể học trực tuyến qua mạng internet, các kỳ thi được tổ chức ở địa phương, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa thành phố và vùng nông thôn.

Một khía cạnh khác mà nhiều lãnh đạo quản lý ngành giáo dục quan tâm: Các trường ĐH tự xác định điểm sàn và đưa ra mức điểm chuẩn xét tuyển, trừ các ngành đào tạo giáo viên do Bộ GD&ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn). Qua đó hướng đến giao quyền tự chủ đến các trường, mở rộng cơ hội học ĐH cho thí sinh. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ cần siết chặt đầu vào đối với các ngành đào tạo đặc thù như y - dược nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, vì lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người.

Vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh đổi mới trong tuyển sinh ĐH 2018. Song, điều quan trọng những chính sách mới phải hài hòa giữa việc tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh, nhưng chất lượng đầu vào ĐH phải được đảm bảo.

NG.NGÂN

Chia sẻ bài viết