09/11/2020 - 08:17

Tạo chuyển biến trong giải ngân vốn ODA 

Thời gian qua, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Tuy nhiên, việc thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA trong 10 tháng của năm 2020 còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Do đó, rất cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ban, ngành, các địa phương, trong triển khai thủ tục đầu tư, thi công, giải ngân, thanh quyết toán...; nhất là thắt chặt hơn nữa mối quan hệ gắn kết với các nhà tài trợ để triển khai hiệu quả nguồn vốn quan trọng này.

Phân bổ, điều chuyển vốn hợp lý

Thi công đường Trần Hoàng Na (TP Cần Thơ), một trong những công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ảnh: ANH KHOA

Thi công đường Trần Hoàng Na (TP Cần Thơ), một trong những công trình được đầu tư từ nguồn vốn ODA. Ảnh: ANH KHOA

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về kết quả giải ngân Kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài, đến ngày 31-10, cả nước giải ngân đạt 30,15% kế hoạch, tương đương 18.089 tỉ đồng/60.000 tỉ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020. Căn cứ vào nhu cầu hủy vốn và phương án điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương, ngày 23-10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1638/QĐ-TTg "Về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 và điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương". Theo đó, Thủ tướng cho phép điều chỉnh giảm 591,151 tỉ đồng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 đã được giao kế hoạch đầu tư trung hạn và điều chỉnh tăng tương ứng 591,151 tỉ đồng kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương cho các dự án trong nội bộ các cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, điều chỉnh giảm hơn 9.318 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương năm 2020 đã giao cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương; bổ sung trên 517 tỉ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020 cho một số địa phương.

Nhìn chung, việc điều chuyển kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương sẽ giúp các bộ, cơ quan Trung ương lẫn địa phương tăng tỷ lệ giải ngân đối với phần vốn còn lại trong 2 tháng còn lại của năm 2020. Nếu tính theo số vốn kế hoạch năm 2020 đã điều chỉnh theo Quyết định số 1638, tỷ lệ giải ngân vốn vay ưu đãi nước ngoài đến cuối tháng 10 tăng từ 30,15% lên trên 35%. Tuy nhiên điều này cũng chứng tỏ công tác lập, giao, phân bổ và điều chỉnh kế hoạch đầu tư công nguồn vốn ODA thời gian qua còn chậm, chưa sát với tiến độ thực hiện và nhu cầu của các dự án. Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, về kế hoạch vốn năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định giao Kế hoạch vốn nước ngoài nguồn ngân sách Trung ương từ cuối tháng 11-2019. Tuy nhiên, việc giao chi tiết cho các dự án tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương còn chậm. Các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch vốn chưa sát với thực tế, tiến độ và khả năng giải ngân vốn. Một số dự án đang gặp nhiều vướng mắc phải điều chỉnh dự án nhưng vẫn đăng ký nhu cầu cao, vượt quá khả năng giải ngân thực tế.

Cần phối hợp nhịp nhàng

Trong năm 2020, nhiều dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều ước quốc tế, thỏa thuận vay liên quan đến điều chỉnh nội dung, thiết kế dự án, gia hạn thời gian thực hiện, sử dụng vốn dư, điều chỉnh hiệp định, thỏa thuận vay. Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc gia hạn hiệp định vay làm chậm tiến độ thực hiện các dự án ODA, gây khó khăn cho việc bố trí kế hoạch vốn. Nhìn chung, quá trình đàm phán các hiệp định vay với các nhà tài trợ, đặc biệt là các nhà tài trợ song phương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... thường kéo dài, có trường hợp trên 3 năm. Từ đó dẫn đến trường hợp chậm trễ trong việc ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp. Chia sẻ về kinh nghiệm làm việc với các nhà tài trợ nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng: Mỗi nhà tài trợ có quy trình, thủ tục thanh toán riêng, nếu không hiểu quy trình này sẽ làm không đúng. Sau khi hoàn tất thủ tục, nhà tài trợ có văn bản "không phản đối", dự án mới tiếp tục làm; trường hợp triển khai khi chưa có văn bản "không phản đối" là xem như không hợp lệ. Do đó, các địa phương cần phối hợp kịp thời, chủ động đăng ký làm việc với nhà tài trợ và thông qua các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án ODA.

Tại hội nghị trực tuyến của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương về giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vay ưu đãi, các bộ, ngành hữu quan đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và thiết kế dự án, tránh điều chỉnh chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư trong quá trình thực hiện. Đẩy nhanh tiến độ ký kết các hiệp định vay vốn, hợp đồng vay lại và cung cấp ý kiến tư pháp để đảm bảo sử dụng hiệu quả khoản vay. Theo đó, Bộ KH&ĐT đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 56/2020/NĐ-CP (ngày 25-5-2020) đối với quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án. Trong đó, sửa đổi Điều 19 của Nghị định theo hướng quy trình đơn giản, rút gọn đối với các dự án đề xuất kéo dài thời gian thực hiện mà không làm thay đổi các nội dung còn lại của Quyết định chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bộ Tài chính cũng khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 97/2018/NĐ-CP (ngày 30-6-2018) trong đó có quy định phù hợp về tài sản thế chấp, đơn giản hóa quy trình, thủ tục về thẩm định và ký hợp đồng vay lại, cơ chế giải ngân đối với các khoản cho vay lại của các dự án.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA năm 2020, Bộ Tài chính đã phối hợp với các chủ dự án các nhà tài trợ trong việc giải ngân và rút vốn; phối hợp với các cơ quan chủ quản, nhà tài trợ giải quyết các vướng mắc trong việc giải ngân. Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo các đơn vị khẩn trương xử lý, giải quyết các vướng mắc, rút ngắn thời gian, thủ tục kiểm soát chi không quá 3 ngày, thời gian xử lý các đơn rút vốn chỉ còn 1 ngày khi đủ hồ sơ hợp lệ. Đồng thời, yêu cầu các chủ dự án thực hiện ghi thu, ghi chi kịp thời, không để tồn chứng từ vào cuối năm. Đối với các tỉnh, thành phố, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố về dự thảo hợp đồng vay lại. Do đó, các tỉnh, thành phố cần chủ động rà soát ký hợp đồng cho vay lại để có cơ sở giải ngân cho các dự án ODA.

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết