13/09/2009 - 20:13

TP Cần Thơ

Tăng trưởng công nghiệp trong khó khăn

TP Cần Thơ là một trong mười địa phương trên cả nước có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, theo nhận định của ngành công thương thành phố, mức tăng trưởng này chưa thực sự bền vững và nhiều sản phẩm công nghiệp phục vụ cho xuất khẩu đang khó khăn về thị trường. Còn hơn 3 tháng nữa là các doanh nghiệp (DN) phải trả vốn vay theo chương trình hỗ trợ lãi suất (vốn lưu động ngắn hạn- Quyết định 131/2009/QĐ-TTg). Trong khi sức cầu trên thị trường vẫn chưa thực sự sôi động, dù các DN đang vào cao điểm của tháng khuyến mãi cuối năm. Để giữ vững đà tăng trưởng công nghiệp của thành phố rất cần “cú hích” từ thị trường.

Thách thức...

Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp thực hiện trên 9.546 tỉ đồng, đạt gần 63% kế hoạch năm và tăng 8% so cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp ngoài quốc doanh chiếm ưu thế với trên 7.091 tỉ đồng (bằng 50,2% kế hoạch năm, tăng hơn 10% so cùng kỳ); công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện 552,5 tỉ đồng (35,6% kế hoạch năm, tăng 3,5% cùng kỳ) và công nghiệp quốc doanh 1.902 tỉ đồng (70,4% kế hoạch năm, tăng 2,4% so cùng kỳ). Một số sản phẩm công nghiệp tăng so với cùng kỳ như: thủy sản đóng hộp tăng 30%, bia đóng chai tăng 27%, thuốc lá tăng 10%, phân NPK tăng hơn 11%, quần áo tăng 1,26%, dược phẩm tăng 0,85%. Bên cạnh đó, còn một số sản phẩm giảm như: gạo xay xát và đánh bóng giảm 11%, thủy sản ướp đông giảm 1,47%, nước uống có gas giảm 1,9%, trang in giảm 35,35%...

May mặc là ngành có giá trị sản xuất công nghiệp tăng của TP Cần Thơ. (Trong ảnh: Xưởng may của Công ty TNHH Kwong Lung – Meko).
Ảnh: Thu Hà  

Riêng tháng 8-2009, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố thực hiện 1.396 tỉ đồng, tăng hơn 3,2% so với tháng trước và tăng 7,4% so cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của ngành công thương thành phố, tình hình sản xuất của các DN dần ổn định hơn và thị trường nhập khẩu cũng khởi sắc sau hàng loạt chính sách kích cầu của các nước sở tại. Các DN hàng Việt đang đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị sản phẩm tại thị trường nội địa với nhiều chính sách giá, hậu mãi hấp dẫn cho khách hàng. Bên cạnh đó, chủ trương hỗ trợ lãi suất cho DN vay vốn lưu động ngắn hạn, vốn mua thiết bị... trung và dài hạn giúp cho DN mạnh dạn đầu tư vào sản xuất, góp phần giữ vững tăng trưởng công nghiệp của thành phố. Tính đến cuối tháng 8-2009, nguồn vốn trong gói kích cầu của Chính phủ triển khai trên địa bàn TP Cần Thơ đạt khoảng 11.600 tỉ đồng, chiếm 41,9% trong tổng dư nợ của thành phố.

Hiện nay, phần lớn DN sản xuất công nghiệp của thành phố tập trung tại các khu công nghiệp (KCN) và giải quyết việc làm cho khoảng 32.000 lao động. Các KCN hiện có 138 dự án đang hoạt động có doanh thu; từ đầu năm đến nay, giá trị sản xuất công nghiệp của DN trong KCN đạt hơn 550,2 triệu USD, giảm 18% so cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu xét trên từng ngành hàng, DN cụ thể, nhiều DN vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng của đơn vị. Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Năm 2009, công ty có kế hoạch thu mua 180.000 tấn lúa qui gạo và từ đầu năm đến nay đã mua vào 115.000 tấn và xuất gần 110.000 tấn lúa qui gạo. Đến tháng 8-2009, công ty đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu tạm trữ với 20.500 tấn gạo, vượt 500 tấn”. Theo ông Trượng, tình hình xuất khẩu hiện nay không thuận lợi như những tháng đầu năm và hiện khá trầm lắng bởi khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước vẫn còn, đặc biệt tại các nước nghèo, họ ngưng nhập dự trữ mà chỉ tiêu thụ đến đâu nhập đến đó. Đây là khó khăn chung của DN, không chỉ mặt hàng gạo mà nhiều mặt hàng khác như: thủy sản, dệt may, da giày đơn hàng và giá xuất cũng giảm đáng kể.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, cho biết: “Ngoài chủ trương kích cầu của Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố cũng vào cuộc khá quyết liệt, thông qua tổ chức các cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến của DN để kịp thời gỡ khó cho DN. 8 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố có tăng, nhưng mức tăng này không nhiều. Do các sản phẩm chủ lực của thành phố (gạo, cá da trơn...) bị thu hẹp thị trường, sức cầu thị trường trong nước giảm cũng tác động rất lớn đến sản xuất của DN”. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, TP Cần Thơ vẫn là địa phương có giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng dương dù còn nhiều khó khăn.

Cần “cú hích”

Hơn 3 tháng nữa là đến kỳ hạn các DN vay vốn ưu đãi trong gói kích cầu của Chính phủ (Quyết định 131/2009/QĐ-TTg) phải hoàn vốn cho ngân hàng. Trong điều kiện sức cầu tại thị trường nội địa chưa thực sự sôi động, thị trường nhập khẩu còn nhiều thách thức sẽ tạo áp lực rất lớn cho DN. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, DN cần tính toán một cách kỹ lưỡng để vừa bảo toàn vốn, vừa đảm bảo việc hoàn vốn cho ngân hàng và trụ vững qua cơn suy thoái kinh tế. Việc quay về thị trường nội địa cũng là một giải pháp để giải quyết tình trạng thị trường nhập khẩu còn nhiều rủi ro, nhưng không thể giải quyết hết tất cả các mặt hàng. Do vậy, DN cần xác định đối tượng tiêu dùng cụ thể của mình trên thị trường để có hướng phát triển phù hợp, đồng thời phân khúc lại thị trường và tìm “ngách” tiêu thụ hàng hóa. Bởi theo các chuyên gia, DN Việt Nam sẽ chịu tác động mạnh mẽ nhất kể từ năm 2010 sau 1 năm mở cửa thị trường bán lẻ theo cam kết WTO.

Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết: “Xác định thị trường nội địa là động lực phát triển và Tổng công ty Lương thực miền Nam đã chỉ đạo các DN thành viên củng cố thị trường nội địa sau đợt sốt gạo vào tháng 4-2008. Đến nay, công ty đã hình thành được hệ thống bán lẻ gạo tại thị trường trong nước thông qua các chuỗi cửa hàng. Tuy nhiên, hiện lượng tiêu thụ trong nước vẫn ở mức thấp, chỉ khoảng từ 3-5%”. Theo ông Trượng, thời gian tới, cùng với Tổng công ty Lương thực miền Nam, Công ty Lương thực Sông Hậu sẽ xúc tiến mạnh hơn chuỗi cửa hàng đặt tại khu phố có dân cư đông đúc bằng những nhãn mác, thương hiệu đồng nhất trên toàn hệ thống.

Phó Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ Dương Nghĩa Hiệp, cho biết: “Xu hướng các tháng cuối năm, tốc độ tăng trưởng công nghiệp sẽ khởi sắc hơn. Nhưng về kế hoạch đề ra cũng chưa dự báo trước điều gì, mà sẽ cố gắng để hoàn thành chỉ tiêu cao nhất”. Theo ông Hiệp, hiện nay nhiều DN Hàng Việt đang đẩy mạnh chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, Bộ Công thương cũng có kế hoạch hỗ trợ DN thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu... tại thị trường nội địa. Nếu các DN biết tận dụng tốt cơ hội này cùng với chiến lược cụ thể chiếm lĩnh thị trường nội địa bằng dòng sản phẩm chất lượng, phù hợp túi tiền của người tiêu dùng, sẽ cải thiện thêm sức cầu trên thị trường nội địa. Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, ngành công thương sẽ tăng cường phối hợp với các ngành chức năng để kiểm soát chặt chẽ lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường trong dịp kích cầu tiêu dùng này nhằm ngăn chặn tình trạng tung hàng chất lượng kém, giá rẻ và không an toàn của DN đến tay người tiêu dùng, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Thị trường được đảm bảo bằng sự cam kết chất lượng của DN, giá cả hợp lý thì sức cầu sẽ cải thiện và DN sản xuất công nghiệp sẽ trụ vững trước sóng gió.

Gia Khánh

Chia sẻ bài viết