18/02/2024 - 15:31

Tăng thêm trải nghiệm trực tiếp cho du khách tại lễ hội Xuân 

Việt Nam với hàng ngàn lễ hội dân gian truyền thống là thế mạnh lớn để thu hút du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, chúng ta mới tập trung vào việc thu hút khách mà chưa chú trọng đến việc tạo điều kiện cho khách trực tiếp tham gia và trải nghiệm.

Không gian văn hóa Tết truyền thống trên phố bích họa Phùng Hưng, Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng (TTXVN)

“Mỏ vàng” chưa được khai thác

Lễ hội dân gian, trong đó có lễ hội Xuân là “cuộc sống của cộng đồng dân cư được tái hiện dưới hình thức tế lễ và hội” - lễ thì tôn nghiêm, hội thì vui vẻ, náo nhiệt.

Lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc, được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử, có ý nghĩa cố kết cộng đồng, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, là hình thức giáo dục cho thế hệ trẻ về sự nghiệp dựng nước và giữ nước của cha ông.

Trung bình mỗi ngày trên cả nước có gần 20 lễ hội dân gian nhưng tập trung dày đặc vào mùa Xuân.

Tại đồng bằng Bắc Bộ có 10 lễ hội lớn tiêu biểu thu hút đông khách thập phương mỗi dịp đầu xuân năm mới. Tại vùng núi phía Bắc, nhiều lễ hội độc đáo mang màu sắc văn hóa riêng của từng dân tộc thiểu số diễn ra vào mùa Xuân. Tây Nguyên có Lễ hội Cồng chiêng, Lễ hội Ðua voi, Lễ hội Cúng cơm mới, Lễ hội Tạ ơn cha mẹ… Vùng ÐBSCL có các lễ hội cấp quốc gia tiêu biểu như Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Nguyễn Trung Trực, hay còn gọi là Lễ hội Ðình ông Nguyễn (Kiên Giang), Lễ hội Nghinh Ông (Cà Mau), Lễ hội Ok-Om-Bok - đua ghe Ngo (Sóc Trăng)…

Mặc dù ngành du lịch, các cấp chính quyền địa phương đã quan tâm khai thác thế mạnh lễ hội để hút khách thập phương, nhưng du khách nước ngoài đến với các lễ hội dân gian truyền thống còn rất ít. Như vậy có nghĩa là “mỏ vàng” chưa được khai thác, chưa mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Mới chỉ xem, ít được tham gia, trải nghiệm

Vùng châu thổ sông Hồng, chiếc nôi của nền văn minh lúa nước, có mật độ lễ hội dân gian đậm đặc nhất. Hầu như làng nào, dòng họ nào cũng có lễ hội riêng.

Nhiều lễ hội ở Bắc Bộ mang nặng phần lễ, còn phần hội thường na ná nhau, thiếu bản sắc và ít để lại ấn tượng. Các lễ hội xuất phát từ nền nông nghiệp, nhằm phục vụ chính cộng đồng địa phương. Ngoài yếu tố tâm linh, tính “hướng nội” của các lễ hội ở Vùng đồng bằng Bắc Bộ (chỉ dành cho người trong làng, xã là chính) là dấu trừ đối với du khách nước ngoài. Tại đây, đôi khi họ cảm giác mình là người ngoài cuộc, khó hòa nhập. Có những lễ hội cởi mở hơn nhưng khách quốc tế hầu hết cũng chỉ tham gia từ góc độ người quan sát, ít cơ hội trực tiếp trải nghiệm như người trong cuộc.

Trong khi đó, tính trải nghiệm mới đóng vai trò quan trọng trong hành trình của du khách, nhất là khách quốc tế. Theo các chuyên gia du lịch, đúng ra lễ hội địa phương phải là loại hình văn hóa hút khách nước ngoài. Bởi lẽ, qua lễ hội du khách hiểu biết hơn về văn hóa, phong tục, tập quán, tính cách con người của mỗi vùng miền. Ở nhiều nước, khách du lịch quốc tế dễ dàng hòa nhập với người dân địa phương, rất thoải mái tham gia các hoạt động lễ hội …

Gần đây, một số lễ hội ở Việt Nam đã cố gắng đẩy mạnh tính “đồng tham gia”, tăng tương tác với du khách như mời du khách tham gia múa sạp, múa xòe, đánh cồng chiêng, chơi ném còn cùng người dân địa phương. Một số lễ hội “nhập khẩu” từ nước ngoài như Lễ hội Carnival ở Quảng Ninh, Lễ hội Halloween ở TP Hồ Chí Minh, Festival Dù lượn ở Yên Bái… cũng bước đầu thu hút người dân, du khách cùng tham gia.

Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty Du lịch Tự hào Việt Nam (Thừa Thiên-Huế) cho biết: Trải nghiệm văn hóa thú vị thường để lại ấn tượng rất sâu sắc cho du khách về một điểm đến. Chỉ khi để lại ấn tượng sâu sắc, mới tăng khả năng thu hút khách ở lại lâu và sử dụng nhiều dịch vụ hơn. Ðây cũng được xem là kênh quảng bá truyền miệng hiệu quả để thu hút các du khách khác. Ðiểm hạn chế của rất nhiều hoạt động, sự kiện, lễ hội ở Huế chính là tính trải nghiệm kém. Du khách nước ngoài chủ yếu chỉ dừng ở mức khám phá, tham quan, khiến các sự kiện thường không duy trì được lâu và giảm dần sức thu hút.

Năm 2015, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã chọn 20 lễ hội tiêu biểu trong cả nước để đầu tư thể nghiệm nhằm biến sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch. Trong số này có Lễ hội Chử Ðồng Tử - Tiên Dung (Hưng Yên), Lễ hội Kiếp Bạc (Hải Dương), Lễ hội Chọi trâu Ðồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội Quán Thế Âm- Ngũ Hành Sơn (Ðà Nẵng), Lễ hội Vía Bà chúa Xứ núi Sam (An Giang), Lễ hội Katê của đồng bào Chăm (Ninh Thuận), Lễ hội Ok-Om-Bok (Sóc Trăng)…

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết