05/10/2022 - 13:19

Tạp chí Người Làm Báo tổ chức Diễn đàn trực tuyến:

Tăng cường vai trò báo chí trong thông tin tuyên truyền về biên giới, biển đảo 

Ngày 04/10, tại Hà Nội, Tạp chí Người Làm Báo, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Khoa Quan hệ Quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Tạp chí Biển Việt Nam, Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam tổ chức Diễn đàn trực tuyến "Tăng cường vai trò báo chí trong thông tin tuyên truyền về biên giới, biển đảo".

Tham dự diễn đàn gồm có: Nhà báo Hồ Quang Lợi - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam; Thiếu tướng Hoàng Kiền - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam, (Người đã có Loạt bài “Quần đảo Trường Sa của Việt Nam” là sự phản ánh một cách trung thực công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc diễn ra trong ba năm từ 1987 đến 1989); PGS,TS Nguyễn Ngọc Oanh – Trưởng Khoa Quan hệ Quốc tế - Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong – nguyên Phó Vụ trưởng, Phó ban Tuyên truyền lý luận, Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo cấp hội nhà báo các tỉnh thành, nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trung ương và địa phương tham dự và đưa tin.…

Ban chủ trì diễn đàn

Phát biểu khai mạc diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi – nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Những năm qua, tình hình Biển Đông xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều nước, đe dọa đến chủ quyền và quyền tài phán của nước ta.… Do đó, việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển, đảo và chủ quyền biển, đảo Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nhà báo Hồ Quang đánh giá cao ý tưởng của Tạp chí Người Làm Báo – Cơ quan lý luận nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cùng Hội Nhà báo các tỉnh thành phố, các cơ quan Thông tấn Báo chí Trung ương và địa phương phối hợp tổ chức chương trình Diễn đàn trực tuyến “Tăng cường vai trò báo chí trong thông tin tuyên truyền về biên giới, biển đảo” đặc biệt trong bối cảnh cơn Bão số 4 NORU vừa mới đi qua, ảnh hưởng lớn đến 8 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung. Tuy nhiên, do công tác thông tin tuyên truyền dự báo, cả hệ thống chính trị vào cuộc, nên đã hạn chế đáng kể thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra, nhưng qua đó cho thấy công tác tuyên truyền đóng vai trò hết sức quan trọng, báo chí đã tuyên truyền nâng cao nhận thức, cổ vũ tinh thần và trách nhiệm của người dân đối với công tác phòng chống bão lụt.

Nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh: Trong suốt trong những năm qua, công tác tuyên truyền về biển đảo Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng cả chiều rộng và chiều sâu. Nội dung, hình thức và các biện pháp tuyên truyền được quan tâm đổi mới, bám sát thực tiễn. Bên cạnh tuyên truyền bảo vệ chủ quyền quốc gia, công tác tuyên truyền đã phản ánh đậm nét nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Đội ngũ phóng viên, biên tập viên thực hiện các chuyến công tác vùng hải đảo, bám biển cùng ngư dân để có những tin bài nóng hổi, phản ánh sự hiện diện của người dân Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Chính điều này đã thể hiện biển, đảo là một bộ phận không thể tách rời trong toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

Các đại biểu dự trực tuyến

Về vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền về biên giới, biển đảo.

TS Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong - nguyên Phó Vụ trưởng, Phó Ban Tuyên truyền lý luận Thư ký Hội đồng khoa học nghiệp vụ Báo Nhân Dân, cho biết: Bờ biển nước ta dài trên 3.260km từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), đứng thứ 27 trong tổng số 157 quốc gia ven biển, đảo quốc và các lãnh thổ trên thế giới. Theo Công ước về Luật biển của Liên Hợp quốc năm 1982 thì nước ta có diện tích biển trên 1 triệu km2, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Biên giới, biển đảo là bộ phận không tách rời lãnh thổ quốc gia, là khu vực nhạy cảm và luôn có nguy cơ bị xâm lấn, xâm phạm. Cha ông ta qua nhiều thời đại đã trả bằng nhiều xương máu chống ngoại xâm để giành, giữ được từng mét đất, hòn đảo, vùng trời của Tổ quốc. Đây là chủ quyền quốc gia thiêng liêng không thể để bất cứ thế lực nào xâm chiếm.

Nhà báo Mai Vũ Tuấn - Giám đốc Trung tâm truyền thông Quảng Ninh, cho biết: Trong thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền về biên giới, biển đảo được Trung tâm triển khai đồng bộ, kịp thời trên tất cả các hạ tầng truyền thông gồm: phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, cổng thông tin điện tử và các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, trên các nền tảng báo chí của trung tâm, ngoài các bản tin thời sự hằng ngày, Trung tâm còn có các chuyên mục, chuyên đề định kỳ như: Kinh tế biển, Hướng về biển đảo quê hương ...

Trong hoạt động tuyên truyền về  biển đảo, Trung tâm chú trọng đến các chủ đề  mảng nội dung truyền thông về công tác quản lý biên giới trên biển, tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tuyên truyền phát triển kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải, du lịch biển, đảo; tuyên truyền các hoạt động hợp tác phòng chống dịch Covid-19 tại khu vực biên giới, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép, phát triển kinh tế biên mậu… Tuyên truyền về tấm gương cá nhân và tập thể tiên tiến, điển hình trong các hoạt động phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo.

Đại tá, PGS, TS Trần Văn Luyện - nguyên cán bộ Viện Khoa học hình sự Bộ Công An: Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã chủ động thông tin, tuyên truyền mạnh mẽ, tích cực tạo dư luận rộng rãi đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo. Các hoạt động tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biên giới, biển đảo đã tập trung các luật nêu trên. Các tác phẩm báo chí như các phim tư liệu, phóng sự điều tra, tranh ảnh đã phản ánh sinh động thực tiễn đấu tranh bảo vệ an ninh, chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam để nhân dân luôn cảnh giác trên mọi phương diện; bạn bè quốc tế hiểu rõ tình hình tranh chấp và công lý của Việt Nam. Báo chí đã góp phần đấu tranh chống xâm phạm chủ quyền của các tàu thuyền nước ngoài; chống xâm lấn biên giới trên bộ. Đồng thời, tuyên truyền để nhân dân nắm vững luật pháp, không xâm phạm vùng biển của nước khác khi đánh bắt hải sản; chấp hành Công ước năm 1982 về Luật Biển quốc tế. Nắm bắt thông tin sớm về các cơn bão để phòng tránh giảm thiểu thiệt hại như cơn bão số 4 vừa qua; giúp nhau phát triển kinh tế biển. Nắm thông tin các cửa khẩu, biên giới để điều chỉnh xuất khẩu hàng hóa; tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm khu vực biên giới và hải đảo...

Nhà báo Đoàn Minh Long - UV BCH Hội nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa: Trong nhiều năm qua nhằm phát huy thế mạnh về kinh tế biển và bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và nâng cao tính chủ động trong công tác thông tin truyền thông của Báo chí. Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa phối hợp tích cực với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, chỉ đạo, định hướng, tuyên truyền quán triệt sâu rộng khi triển khai Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, khẳng định tầm quan trọng của NQ/09 là một bước ngoặt mới cực kỳ lớn có một không hai để định hướng phát triển kinh tế xã hội mang tầm quốc gia và khu vực giúp tỉnh Khánh Hòa đột phá phát triển bền vững lên một tầm cao mới. Từ những nghiên cứu về vị trí địa lý, kinh tế xã hội, chiến lược tiềm năng lợi thế của địa phương phát huy vai trò là “hạt nhân” trong liên kết vùng trong phát triển du lịch, văn hóa xã hội, phát triển đột phá bền vững kinh tế biển sớm đưa Khánh Hòa trở thành một đầu mối logistics quan trọng trong khu vực và quốc tế...

Nhà báo Lê Hoàng Hiệp - Phóng viên Báo Đà Nẵng (người đạt giải Nhất, giải Báo chí toàn quốc về phòng chống thiên tai) kết nối trực tiếp tại hiện trường. Nhà báo Hoàng Hiệp đã chia sẻ cho các đại biểu về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục sau bão số 4 tại TP.Đà Nẵng.

Thực trạng thông tin đối ngoại về chủ quyền biên giới, biển đảo

Nhà báo Trương Văn Chuyển - Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Cần Thơ cũng đã chia sẻ công tác thông tin đối ngoại về biển đảo và tuyên truyền bảo vệ biên giới tại địa phương, góp phần củng cố sự đoàn kết toàn dân, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước.

Nhà báo Nguyễn Hoà Văn - Nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP, Nguyên TBT Báo Biên phòng, nguyên Giám đốc Cổng thông tin điện tử, Hội Nhà báo Việt Nam: Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc là một nhiệm vụ thường xuyên và hệ trọng trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ông đề nghị, mỗi nhà báo cần trau dồi hiểu biết về biển đảo để nâng cao hơn nữa hiệu quả tuyên truyền về biên giới, biển đảo.

Nhà báo Vũ Duy Hưng - Giám đốc Truyền hình Nhân Dân: Các lực lượng làm thông tin đối ngoại cả ở trong và ngoài nước đã có nhiều đổi mới, sáng tạo về phương thức, hướng tới các đối tượng khác nhau theo hướng linh hoạt, thuyết phục, góp phần củng cố sự đồng thuận xã hội, ủng hộ quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo, biên giới lãnh thổ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam tới bạn bè thế giới.

Nhà báo Trần Tuyền - phóng viên phòng xây dựng Đảng - Nội chính, Báo Quảng Trị, kết nối trực tiếp tại hiện trường, đã chia sẻ về công tác khắc phục hậu quả sau cơn lốc xoáy tại Cửa Việt - Quảng Trị. Nhà báo Trần Tuyền cho biết: Với vai trò, chức năng của mình, các cơ quan báo chí, thông tấn tại địa phương; trong đó có Báo Quảng Trị đã kịp thời cập nhật thông tin về tình hình thời tiết trước, trong và sau bão. Cụ thể, Báo Quảng Trị đã tập trung đăng tải những thông tin dự báo về cơn bão số 4 để người dân biết và chủ động phòng, chống nhằm giảm thiệu thiệt hại về người và của. Khi ảnh hưởng của cơn bão gây thiệt hại tại một số địa phương, phóng viên Báo Quảng Trị đã kịp thời có mặt để chuyển tải, phản ánh thông tin đến bạn đọc, qua đó kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên toàn quốc chung tay hỗ trợ, giúp đỡ người dân ở vùng bị thiệt hại. Sau khi cơn bão đi qua, chính quyền các cấp và người dân địa phương bắt tay vào công cuộc khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Các phóng viên của Báo Quảng Trị tiếp tục đồng hành, có mặt tại những địa bàn khó khăn, thiệt hại để phản ánh, thông tin đến độc giả. Qua đó, làm cầu nối để động viên, khích lệ chính quyền, mặt trận và các đoàn thể xốc lại tinh thần, khắc phục hậu quả thiên tai để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Về nâng cao công tác tuyên truyền về chủ quyền biên giới, biển đảo trong tình hình mới

TS Nguyễn Thị Phương Duyên - Trường Đại học Thành Đông, thành viên CLB Vì Biển đảo Quê hương, cho rằng: Bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc nói chung và chủ quyền biển, đảo Việt Nam nói riêng là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Do đó, việc giáo dục học sinh các kiến thức về chủ quyền biển, đảo Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường là việc làm có ý nghĩa thiết thực và cần được phát huy, nhân rộng trong thời gian tới. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu và trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của thế hệ trẻ.

Trực tiếp tại đầu cầu huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An), nhà báo Nguyễn Xuân Tuấn và lãnh đạo địa phương đã chia sẻ cho các đại biểu về những khó khăn do cơn bão và lũ quét tại huyện Kỳ Sơn trong những ngày vừa qua.

Nhà báo Nguyễn Thanh Tùng -  Trưởng phòng Sự kiện và Phát triển thương hiệu - Báo Người Lao Động: Những năm qua, các cơ quan và người dân TP.Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động hướng về biển, đảo, giúp đỡ lực lượng ngư dân không chỉ ở địa bàn Thành phố mà còn trên toàn quốc. Trong đó, chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao Động được đánh giá là một chương trình có ý tưởng sáng tạo, có quy mô và ý nghĩa lớn, gây được tiếng vang trên toàn quốc. Chỉ trong ba năm triển khai chương trình, báo đã thực hiện được hơn 150 sự kiện. Ở mỗi sự kiện, bên cạnh việc trao cờ, báo đều truyền thông trên mặt báo cũng như phối hợp tuyên truyền với các đơn vị khác (Hải quân, Cảnh sát biển, biên phòng, Đoàn thanh niên…) để người dân hiểu sâu hơn về chủ quyền biển đảo, về vai trò người ngư dân trên biển.

Thiếu tá, Nhà báo Hoàng Trường Giang - Báo quân đội nhân dân: Có thể thấy với phóng viên báo chí hiện nay, việc tìm được đề tài mới, hấp dẫn đối với biển đảo, đặc biệt là quần đảo Trường Sa hay cụm nhà giàn DK1 là không dễ. Theo tôi chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về những chính sách của Đảng, Nhà nước chăm lo cho hậu phương cán bộ, chiến sĩ công tác nơi biển đảo. Lên án sự lạm dụng, trục lợi, về các chính sách hậu phương quân đội; khích lệ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, các lực lượng bảo vệ an ninh, chủ quyền biển, đảo; khuyến khích nhân dân định cư ổn định lâu dài trên đảo, làm ăn dài ngày trên biển; tuyên truyền bồi đắp tình yêu, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Tổng kết diễn đàn, nhà báo Hồ Quang Lợi cho biết: Biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo không chỉ chứa đựng tiềm năng kinh tế to lớn, cửa ngõ mở rộng quan hệ giao thương với quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh, quốc phòng đồng thời là địa bàn chiến lược trọng yếu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, bảo vệ chủ quyền biển, đảo không chỉ thể hiện tư duy của Đảng ta trong các nghị quyết đại hội mà còn trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, lâu dài đối với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị.

Xác định ý nghĩa và tầm quan trọng của biển đảo, những năm qua công tác tuyên truyền về biển, đảo, chủ quyền biển đảo được xem là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đi trước một bước nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 09/02/2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược Biển Việt Nam 2020. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 36-NQ/TW về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Trong thời gian tới, tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển đảo, cần có chiến lược thông tin lâu dài. 

Một là, tuyên truyền hơn nữa đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về biển đảo cho bà con xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sớm đưa nước ta trở thành quốc gia trong khu vực mạnh về kinh tế biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế. 

Thứ hai, xây dựng lực lượng quản lý, bảo vệ biển, đảo vững mạnh về mọi mặt. kiên quyết, kiên trì giải quyết tranh chấp trên biển, đảo bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. 

Thứ ba, báo chí tăng cườngviết bài về những tấm gương của quân dân ta trên biển đảo tổ quốc. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục. 

Thứ tư, xây dựng đội ngũ nhà báo chuyên sâu, chuyên nghiệp viết về biển đảo. 

Thứ năm, các cơ quan báo chí xây dựng cơ sở dữ liệu phong phú kịp thời, tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo. 

Thứ sáu, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan có trách nhiệm với cơ quan báo chí để tuyên truyền về các sự kiện biển đảo, tránh để tình trạng báo chí đi sau mạng xã hội… Cùng với đó, có một cơ chế tài chính phù hợp cho công tác tuyên truyền về biển đảo. 

Thứ bảy, bên cạnh việc bảo vệ an ninh quốc phòng, chúng ta cần vạch trần các âm mưu chống phá của các thế lực thù địch liên quan đến biển đảo nước ta. Cuối cùng, kịp thời động viên, khen thưởng các nhà báo có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Nhóm PV

Chia sẻ bài viết