09/01/2009 - 08:24

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về quyền con người

Ngày 8-1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học nhằm đánh giá công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về nhân quyền kể từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 12-CT/TW về “Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”.

20 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu khoa học và giáo dục có liên quan đến quyền con người đã tập trung làm rõ những kết quả đạt được trong công tác nghiên cứu và giáo dục nhân quyền; khẳng định những đóng góp của các hoạt động nghiên cứu khoa học và giáo dục nhân quyền trong công tác bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền. Theo các đại biểu, giáo dục quyền con người có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện và bảo vệ quyền con người. Giáo dục quyền con người hướng tới sự tôn trọng công bằng, luật pháp, quyền con người và quyền tự do cơ bản của mọi người, không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào từ phía các cơ quan công quyền, các chủ thể khác trong xã hội và bản thân mỗi công dân.

Để nâng cao nhận thức chung của xã hội về quyền con người cần xây dựng một chiến lược và kế hoạch nghiên cứu, đào tạo dài hạn và tăng cường sự liên kết, phối hợp đa ngành trong nghiên cứu và giảng dạy về quyền con người...

Năm 1990, Việt Nam bắt đầu nộp báo cáo quốc gia và thực hiện các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người. Đó cũng là thời điểm đất nước mở cửa, tham gia sâu vào các sinh hoạt quốc tế. Thời gian này, tình hình rối loạn liên tiếp xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa, trong đó, đáng chú ý là tình hình đó gắn liền với hoạt động của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền… Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến nước ta, đòi hỏi Đảng ta phải bày tỏ quan điểm, làm cơ sở cho mọi hoạt động đối nội và đối ngoại của đất nước. Đáp ứng yêu cầu ấy, ngày 12-7-1992, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 12-CT/TW về “ Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta”. Chỉ thị 12 đã bước đầu nêu lên một số quan điểm cơ bản về vấn đề nhân quyền và chủ trương của Đảng trong việc bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực nhân quyền ở nước ta với các quan điểm phù hợp với cách tiếp cận nhân quyền của các nước đang phát triển.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết