01/12/2021 - 08:07

Tăng cường phòng, chống HIV/AIDS trong bối cảnh đại dịch COVID-19 

Ðó là chủ đề Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2021 (từ ngày 10-11 đến 10-12-2021). Nguyên nhân chọn chủ đề này, theo Bộ Y tế dịch COVID-19 đã và đang tác động lên mọi mặt kinh tế, xã hội bao gồm cả việc ứng phó với HIV/AIDS.

Ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người nhiễm HIV. 

Dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến người nhiễm HIV

Người nhiễm HIV có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn nếu bị mắc COVID-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người nhiễm HIV khi mắc COVID-19 có nguy cơ bệnh chuyển nặng hoặc tử vong cao hơn.

Một báo cáo của WHO dựa trên dữ liệu giám sát lâm sàng từ 37 quốc gia về nguy cơ chuyển nặng khi mắc COVID-19 ở những người nhiễm HIV nhập viện cho thấy nguy cơ phát triển COVID-19 nghiêm trọng hoặc tử vong ở người có HIV cao hơn 30% so với những người không bị nhiễm HIV. Những bệnh lý tiềm ẩn như đái tháo đường và tăng huyết áp cũng thường gặp ở những người có HIV, nên khi mắc COVID-19, nguy cơ thường nặng hơn.

Tại Việt Nam, đến nay đã trải qua 4 làn sóng dịch COVID-19, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Dịch COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương thời gian qua và kéo dài nên ảnh hưởng đến nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS. Các cấp chính quyền phải dành sự quan tâm, tập trung cho việc phòng, chống COVID-19, do vậy có thể ảnh hưởng đến sự quan tâm chỉ đạo. Một số người sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS bao gồm cả người bệnh điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; điều trị bằng thuốc ARV bị nhiễm COVID-19 hoặc tiếp xúc gần với người mắc COVID-19 nên bị đưa vào các khu cách ly nên cũng gặp khó khăn để tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách liên tục.

Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ trong thời gian qua cũng bị ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Việc hạn chế đi lại trong một số thời điểm, khiến cho người nhiễm HIV, người sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như ARV, PrEP... khi bị kẹt lại địa phương không có đủ thuốc dự trữ dẫn đến gián đoạn điều trị hoặc dừng điều trị. Các khách hàng cần tiếp cận các dịch vụ khác như tư vấn xét nghiệm HIV; dự phòng và chăm sóc hỗ trợ cũng bị ảnh hưởng do thực hiện giãn cách xã hội nên không tiếp cận được các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS kịp thời.

Những người có hành vi nguy cơ cao, người nhiễm HIV do mất việc làm, giảm thu nhập không đủ khả năng để chi trả cho các nhu cầu y tế thiết yếu như các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan C, thuốc dự phòng sau phơi nhiễm HIV...

Ðể tránh gia tăng ca nhiễm

WHO đã khẳng định rằng: HIV tiếp tục là một vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đến nay đã cướp đi sinh mạng của 34,7 triệu người. Ðể đạt được các mục tiêu 95-95-95 toàn cầu mới do Chương trình phối hợp của Liên Hiệp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra, các quốc gia cần nỗ lực gấp đôi để tránh gia tăng các ca nhiễm HIV do gián đoạn dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong COVID-19.

Tại Việt Nam, với những tác động tiêu cực của dịch COVID-19, hậu quả dễ nhận thấy là số người nhiễm HIV gia tăng. Theo báo cáo từ các địa phương, số người nhiễm HIV được phát hiện trong 9 tháng đầu năm 2021 có xu hướng gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhằm ứng phó kịp thời với các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 tới chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chính phủ, Bộ Y tế, các địa phương đã triển khai: Hướng dẫn tiếp cận với khách hàng qua các ứng dụng online; hướng dẫn khách hàng tự xét nghiệm HIV; hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; cấp thuốc ARV nhiều tháng cho người bệnh...

Dự báo dịch COVID-19 có thể còn kéo dài và chúng ta có thể sẽ sống chung với dịch, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS sau: Các cấp lãnh đạo cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường hoạt động truyền thông quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS qua các kênh truyền thông đại chúng và qua nền tảng trực tuyến, mạng xã hội như các trang thông tin điện tử, Facebook, Zalo, TikTok... Ðẩy mạnh triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS bao gồm cả truyền thông, tư vấn online, tiếp cận cộng đồng, tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động chỉ đạo và thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật từ xa. Tăng cường mô hình tại cộng đồng do cộng đồng triển khai dưới nhiều hình thức đa dạng như qua online, từ xa, lưu động và tự xét nghiệm. Mở rộng mô hình cấp phát sinh phẩm xét nghiệm HIV bằng dịch miệng (Oral quick) qua chuyển phát nhanh…  Ðảm bảo dự trù và cung ứng đủ sinh phẩm xét nghiệm, thuốc và vật phẩm can thiệp giảm tác hại như bơm kim tiêm, bao cao su. Cần có quỹ hỗ trợ thuốc ARV, PrEP khẩn cấp trong tình huống thiếu thuốc tại địa phương để đảm bảo người sống với HIV được duy trì đều đặn sử dụng thuốc. Thành lập các Ðội đáp ứng nhanh với COVID-19 kết nối với đại diện mạng lưới người nhiễm HIV để đăng tải, chuyển các thông tin, các văn bản liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng đích và đến người nhiễm HIV kịp thời.

Ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho các nhân viên hỗ trợ và nhân viên tiếp cận cộng đồng, cho người nhiễm HIV. Bố trí sắp xếp lại việc cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS tại cơ sở y tế bằng cách hẹn giờ và xếp lịch khám, các hoạt động dự phòng COVID-19 như khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt được áp dụng nghiêm ngặt để giúp cho hoạt động tại các cơ sở y tế diễn ra bình thường và giảm nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cho cả nhân viên y tế và cho người bệnh. Tăng cường huy động và vận dụng nguồn lực cộng đồng, xã hội hóa dịch vụ trong các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Bài, ảnh: H.HOA    

Chia sẻ bài viết