01/03/2011 - 15:03

Tăng cường hướng nghiệp cho học sinh phổ thông trung học

Làm thế nào để chọn đúng ngành nghề phù hợp luôn là vấn đề khiến cho nhiều học sinh, phụ huynh lo lắng khi mùa tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng... gần kề. Không ít học sinh vì thiếu định hướng, chạy theo phong trào mà chọn không đúng ngành nghề, dẫn đến chán nản, bỏ học giữa chừng.... Vì vậy, công tác tư vấn, giúp học sinh xác định, chọn ngành nghề phù hợp là rất quan trọng...

Đến thời điểm này, Nguyễn Thị Bích T., nhà ở xã Trường Long, huyện Phong Điền vẫn chưa quyết định chọn ngành nào để dự thi tuyển sinh năm 2011. Mỗi khi nhắc đến việc làm hồ sơ đăng ký dự thi Đại học, gia đình T. xảy ra một trận khẩu chiến: mẹ của T. muốn T. chọn thi ngành Dược vì T. có một người cậu rất khá giả với nghề Dược; ba của T. thì lại quyết tâm cho con theo học ngành Kinh tế Nông nghiệp bởi Nhà nước đang triển khai xây dựng các xã nông thôn mới, sau khi tốt nghiệp đại học, cơ hội tìm việc làm gần nhà sẽ cao hơn... Cha và mẹ đều có những lập luận riêng cho tương lai của T.. Thế nhưng, đều quan trọng là sở thích, học lực của T. không được đoái hoài...

 Học sinh rất quan tâm tìm hiểu thông tin từ những đợt tư vấn hướng nghiệp. Trong ảnh: Học sinh đang tìm hiểu về các ngành nghề đào tạo tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: L.G

Theo nhiều cán bộ, giáo viên ở các trường THPT, phụ huynh có con em học lớp 12 thường chia thành hai nhóm: nhóm tự chọn ngành thay cho con theo ý thích của bản thân và nhóm ít quan tâm, cho con tùy ý chọn lựa. Nhiều phụ huynh chọn ngành theo xu hướng xã hội hoặc chọn những ngành nghề mà những người quen biết đang “ăn nên làm ra”, thành đạt... Tuy nhiên, vấn đề quan trọng mà nhiều phụ huynh chưa cân nhắc kỹ là khả năng, sở trường, ước mơ, hoài bão của con em mình. Nguyễn Thị Thanh, nhà ở quận Ninh Kiều, là một trong những trường hợp “bị” cha mẹ chọn ngành giùm. Thanh học giỏi các môn xã hội, yêu thích văn thơ, viết lách khá tốt nhưng gia đình lại chọn cho Thanh thi vào Y Dược. Kết quả là Thanh thi rớt đại học hai năm liền. Giờ đây, Thanh làm công việc mình yêu thích liên quan đến nghề viết lách nhưng vẫn chưa có được bằng đại học. Thanh nói với vẻ nuối tiếc: “Năm lớp 12, cô chủ nhiệm khuyên tôi không nên dự thi khối A, B mà nên chọn các ngành khối C, D, phù hợp với khả năng và sở trường của tôi hơn. Nhưng do không dám trái ý cha mẹ, nên tôi đã đăng ký thi vào ngành Dược. Phải chi lúc đó tôi kiên trì thuyết phục cha mẹ thì đã có thể đậu đại học khối C vừa phù hợp với học lực, vừa đúng với ngành mình thích”...

Việc chọn ngành nghề của học sinh lớp 12 là rất quan trọng bởi phải phụ thuộc nhiều yếu tố: học lực, sở thích, điều kiện kinh tế gia đình, công việc sau khi tốt nghiệp đại học... Chính vì vậy, những năm gần đây, các Trường THPT vùng ven tập trung vào tư vấn rất kỹ cho học sinh lớp 12 về việc chọn ngành, nghề sau khi tốt nghiệp THPT. Hằng năm, Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ, đều thành lập Ban Tư vấn tuyển sinh. Ông Nguyễn Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường, cho biết: “Ban Tư vấn bao gồm thành viên Ban Giám hiệu, cán bộ phụ trách hướng nghiệp có kinh nghiệm và giáo viên chủ nhiệm các lớp 12. Ban Tư vấn có nhiệm vụ giới thiệu các ngành, nghề cho học sinh, cách làm hồ sơ đăng ký dự thi...”. Ngoài tư vấn cho học sinh, giáo viên có thể thông báo tình hình học tập, tư vấn để phụ huynh hiểu, giúp con em chọn lựa ngành, nghề phù hợp với năng lực, sở thích của các em và tình hình kinh tế của gia đình. Thầy Trần Đăng Chò, cán bộ phụ trách công tác tuyển sinh nhiều năm của Trường THPT Hà Huy Giáp, nói: “Hằng năm, Ban Tư vấn của trường thường cập nhật thông tin từ hệ thống thông tin đại chúng, liên lạc với phòng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng để cập nhật những thông tin, tư vấn cho các em”. Nhờ vậy, kết quả tuyển sinh năm 2010, tỷ lệ học sinh của Trường THPT Hà Huy Giáp đậu vào các trường đại học, cao đẳng hệ chính qui đạt khá cao: trên 17% đậu đại học, cao đẳng ở nguyện vọng 1.

Thực tế cho thấy, kênh thông tin được học sinh tin tưởng nhất vẫn là giáo viên, nhất là vai trò của các giáo viên chủ nhiệm. Nếu giáo viên chủ nhiệm sâu sát học sinh sẽ hiểu học sinh mạnh và yếu môn nào để có cách tư vấn hợp lý cho các em. Thế nhưng, hiện nay, không phải học sinh nào cũng mạnh dạn nhờ giáo viên chủ nhiệm tư vấn cho mình. Chẳng hạn như trường hợp của Nguyễn Thị Bích T.. Mặc dù, theo nhận xét của T., giáo viên chủ nhiệm của em rất dễ gần, rất quan tâm đến học sinh.... nhưng em vẫn không dám nhờ giáo viên chủ nhiệm thuyết phục cha, mẹ mình. Có thể nói, công tác tư vấn tuyển sinh thời gian qua ở các trường THPT tuy có được quan tâm nhưng chưa thật sự sâu về chi tiết các ngành, nghề cho các em. Thầy Trần Đăng Chò cho biết: “Tất cả thành viên trong Ban Tư vấn đều kiêm nhiệm nên rất khó đi vào chuyên sâu các ngành, nghề. Học sinh lại có tâm lý e dè với giáo viên, do vậy việc học sinh chọn ngành, nghề theo phong trào là điều không tránh khỏi”.

Ngày đăng ký dự thi đã gần kề, nhưng tại thời điểm này nhiều học sinh lớp 12, nhất là học sinh vùng ven vẫn không biết mình sẽ chọn ngành, nghề nào. Đáng lo hơn là nhiều học sinh chưa nắm vững các ngành, nghề và cũng không hiểu ngành mình chọn sau khi tốt nghiệp sẽ làm gì, làm ở đâu (!?). Cũng vì không nắm được thông tin đầy đủ về các ngành nghề nên việc chọn ngành chạy theo số đông, nhóm bạn bè là điều không tránh khỏi. Do đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc giúp học sinh trong việc hình thành ý thức, định hướng đúng nghề nghiệp ngay từ khi bước vào THPT rất quan trọng.

HÀ THANH

Chia sẻ bài viết